Trò chơi dân gian còn mãi

25/01/2023 18:42

Ở các làng quê, gắn bó với những tập tục sinh hoạt lâu đời, trò chơi dân gian đã và đang làm giàu thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, thể hiện sự đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Đánh pháo đất


Pháo thủ xã Minh Đức (Tứ Kỳ) gieo pháo (ảnh tư liệu)      


Tham gia “canh” (hội thi đấu) pháo cuối cùng cách đây vài chục năm, nhưng ông Phạm Văn Chiết, gần 90 tuổi, ở thôn Phúc Lâm, xã Minh Đức (Tứ Kỳ) vẫn nhớ như in những lần gieo pháo, từng quả pháo ầm vang, “ra” nhất (dài dây nhất) trong nhiều lần tham gia hội làng. Thời thanh niên ông Chiết là một trong những pháo thủ có tiếng, nhiều lần giúp xóm làng mang về ngôi vô địch ở các giải tranh tài trong làng, xã hay các xã trong khu vực. Lớn lên cùng pháo đất, giống như bao người dân xã Minh Đức, ông Chiết có thể say sưa kể về thú chơi này cả ngày không chán. 

“Các cụ bảo lúc đánh pháo thì ai nấy đều hò reo. Ra! Ra! Ra… Tiếng pháo to như tiếng lựu đạn, kết hợp tiếng trống ầm ầm của làng và các xóm. Thế là giặc cướp bên ngoài tưởng rằng dân làng hò nhau cùng ra đánh giặc nên phải rút lui”, ông Chiết nhớ lại. 

Theo truyền thuyết, từ thời Hai Bà Trưng, nữ tướng Lê Chân đã dùng pháo đất để nghi binh đánh giặc Đông Hán. Vì thế, người Minh Đức không gọi những quả pháo văng xa là dài dây nhất mà gọi là “ra” pháo nhất, đội nào gieo pháo mà tiếng nổ càng to, pháo càng “ra” thì càng gần ngôi vô địch.

Đi cầu thùm

Các trò chơi dân gian thường gắn với đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân, một trong số đó là trò đi cầu kiều, có nơi gọi là đi cầu thùm. Trò chơi được tổ chức ở lễ hội truyền thống đình, đền nhiều nơi trong tỉnh.

Cầu là một cây tre thân to và thẳng được bắc ra hồ nước trong khuôn viên đền, người chơi phải khéo léo giữ thăng bằng, đi hết cây cầu mới giành được phần thưởng.

Dịp lễ hội đền Bia, thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) năm 2022 diễn ra vào tháng 5 năm nay, trò chơi này thu hút đông đảo người chơi là thanh thiếu niên tham gia. Những tiếng hô vang “Cố lên, cố lên!”, “Sắp tới rồi, chút nữa thôi” của người chơi khiến không khí thêm náo nhiệt. Khán giả hồi hộp theo dõi người chơi giữ thăng bằng trên cầu. Đỉnh điểm cuộc vui là những tràng cười sảng khoái khi người chơi mất thăng bằng rơi xuống hồ: “Tiếc quá”, “Sắp thắng giải thì lại toang”, “Đi hội mặc đẹp thế kia lại ướt hết rồi”, “Lên nhanh cho người khác chơi”…

Sức sống bền bỉ của trò chơi dân gian


Học sinh Trường THCS Gia Hòa (Gia Lộc) thích thú với trò chơi chuyền 


Hấp dẫn là thế, nhưng nhiều người từng trăn trở có khi nào các trò chơi dân gian như pháo đất, đi cầu kiều, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, kéo co… biến mất? Trăn trở này là điều dễ hiểu khi hiện nay trẻ em và nhiều thanh thiếu niên ngày càng yêu thích những trò chơi điện tử hiện đại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều trò chơi dân gian vẫn có sức sống bền bỉ ở các làng quê, không chỉ được lớp người trung và cao tuổi yêu thích mà còn thu hút đông đảo thanh thiếu niên, tạo sức lan tỏa trong đời sống văn hóa hiện đại. 

Trong ký ức nhiều người dân thôn quê, những thanh âm vui nhộn, hào hứng từ các “đấu trường” kéo co, bịt mắt bắt dê, pháo đất… đã làm nô nức cả vùng thôn quê. Trưởng thành cùng những trò chơi dân gian như thế, nhiều người đã truyền lại cho con cháu mình niềm yêu thích với những trò chơi dân gian mang hơi thở, đời sống văn hóa dân tộc. Ông Chiết nhớ lại, thời kỳ bao cấp và khi đất nước mới chuyển sang nền kinh tế thị trường, có những năm làng, xã không tổ chức hội thi pháo đất. Từ năm 2000, trò chơi này hồi sinh mạnh mẽ, cứ vào mùa xuân, khi thời tiết ấm áp, việc cấy cày bớt phần bề bộn thì làng xã lại đứng ra tổ chức các hội thi pháo đất. Cùng với những hội thi của làng xã, lứa thanh niên cũng đua nhau tự lập các hội thi đấu, thu hút đông đảo phụ nữ, em nhỏ, cụ già cổ vũ. 


Học sinh Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên (TP Hải Dương) trải nghiệm trò chơi dân gian bịt mắt đập niêu tại Bảo tàng tỉnh


Có thể thấy, chỉ cần có không gian phù hợp để phát triển, trò chơi dân gian vốn đã cắm rễ sâu trong đời sống tinh thần người Việt vẫn tìm được vị trí thích hợp thời hội nhập văn hóa. Những năm gần đây, trò chơi dân gian được quan tâm tổ chức ở nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trong tỉnh, tạo điều kiện cho trẻ em, thanh thiếu niên biết đến và lan tỏa văn hóa cổ truyền của dân tộc, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cả trẻ em, học sinh và phụ huynh.

Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, Hải Dương có gần 30 trò chơi dân gian ở các làng quê như đánh khăng, ô ăn quan, trồng nụ trồng hoa, trốn tìm, bịt mắt bắt dê, chơi chuyền, đập niêu, đánh đu, dung dăng dung dẻ, rải ranh, thả đỉa ba ba, chi chi chành chành, kéo co, rồng rắn lên mây, nhảy dây, tập tầm vông, mèo đuổi chuột, nhảy ngựa, nhảy bao bố, chơi bi, bịt mắt đánh trống, bắt vịt, đá cầu, chơi gụ...

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Trò chơi dân gian còn mãi