Lao động - Việc làm

Đời người theo những công trình

SONG HOÀNG 03/12/2023 11:00

Đằng sau các công trình xây dựng, những tòa nhà cao tầng, cây cầu, tuyến đường mới... là sự lao động cần mẫn của người công nhân xây dựng cộng với trí tuệ, sức lực và tâm huyết của những kỹ sư.

00:00

anh-xd-1.jpg
Anh Sơn (đội mũ trắng) chấp nhận hy sinh nỗi niềm riêng để tiếp tục công việc vốn nhiều đánh đổi

Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn bám trụ nơi công trường, nỗ lực làm việc để các công trình bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.

Nay đây mai đó

Mới gần 10 năm làm giám sát công trình nhưng anh Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1994) ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) đã in dấu chân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đi lại như con thoi giữa các công trình, khi thì đến vùng núi hẻo lánh, lúc lại ở miền biển xa xôi, anh Sơn nếm trải biết bao buồn vui của nghề. Hiện nay, anh đang đảm nhận công việc giám sát công trình xây dựng dân dụng ở 5 tỉnh, thành phố phía Bắc nên luôn tất bật, nay đây mai đó. Anh Sơn kể, hầu hết quỹ thời gian anh đều dành cho công việc, chủ yếu ở lại nơi thi công các công trình để bảo đảm tiến độ. Mỗi năm, số lần anh về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều năm xa nhà, sống cảnh tạm bợ, những tưởng anh Sơn đã quen với điều này nhưng đôi khi anh vẫn thấy chạnh lòng. Anh chia sẻ thiếu thốn về vật chất không thấm tháp gì so với thiệt thòi về tinh thần. Nhiều lúc nhớ gia đình, người thân, anh cũng muốn tìm công việc khác để được gần gũi, kề cận vợ con. Nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền, trách nhiệm với công việc không cho phép anh Sơn buông bỏ. Sau những lần đấu tranh tâm lý, anh vẫn quyết định gắn bó với nghề.

Đã gần 60 tuổi nhưng ông Nguyễn Trọng Bạch, công nhân vận hành máy lu ở huyện Hưng Hà (Thái Bình) vẫn rong ruổi trên các công trình xây dựng. Mấy tháng nay, ông Bạch làm việc tại dự án đường trục Bắc-Nam huyện Thanh Miện. Do áp lực tiến độ nên ông thường xuyên phải tăng ca. Vì thế dù công trường cách nhà không xa song ông chưa thu xếp được thời gian về thăm gia đình. Tranh thủ thời gian giao ca, ông Bạch kể về những kỷ niệm khó quên trong nghề. Là công nhân lái máy lu, ông luôn có mặt trên những công trình giao thông trọng điểm. Từ thi công đường vành đai đến cao tốc rồi đường nội thành ở nhiều nơi, ông Bạch đều có mặt. Bởi vậy mà những việc quan trọng của gia đình thường vắng bóng ông. Những ngày nghỉ lễ, Tết, mọi người quây quần bên người thân, gia đình thì đó lại là lúc ông bận rộn nhất. Nhiều khi nhớ nhà, tủi thân song được anh em công nhân động viên nên cũng vơi bớt phần nào. “Dân công trường vất vả, dãi nắng, dầm mưa nhưng hề hấn gì so với việc phải xa nhà. Bởi vậy mà anh em công nhân luôn bao bọc, đỡ đần nhau những lúc ốm đau, chia sẻ, động viên nhau vượt khó”, ông Bạch giãi bày.

z4928971032116_973dbb6786ee94c07421063515dec1a7.jpg
Công trình cầu Bắc Hưng Hải (Tứ Kỳ) đang thi công với sự góp sức của nhiều kỹ sư, công nhân

Anh Vũ Văn Tuân (sinh năm 1978) ở xã Tân Hương (Ninh Giang) chuyên về giám sát thi công cầu. Đây là dự án đòi hỏi kỹ thuật cao nên anh Tuân luôn phải sát sao tại công trình. Với nhiều năm kinh nghiệm, anh từng có mặt tại các công trình cầu khắp trong Nam ngoài Bắc. Tại Hải Dương, anh chỉ huy, giám sát công trình cầu Mây, cầu Hàn và hiện tại là cầu Bắc Hưng Hải. Đặc thù công trường xây cầu là ở khu vực bờ sông bãi sú, đi lại khó khăn. Do vậy, anh em kỹ sư, công nhân cũng có phần vất vả hơn. Anh Tuân nói bản thân góp phần xây dựng nên những công trình kiên cố, đồ sộ nhưng quanh năm ngày tháng lại phải sinh hoạt trong lán tạm. Hiện khu vực chỉ huy công trường không còn thiếu thốn như trước song so với cuộc sống hiện đại thì vẫn lụp xụp, xập xệ. Anh Tuân bảo: "Xây dựng là một ngành đòi hỏi đúng tiêu chuẩn kỹ thuật vậy nên cần có sự đam mê và tinh thần trách nhiệm. Chúng tôi thường xuyên phải đối mặt áp lực từ công việc như khối lượng, tiến độ. Với hằng hà sa số những bảng tính, những khối lượng, nếu “sai một ly” sẽ “đi một dặm”. Đã chọn theo nghề này phải chấp nhận vất vả, thức đêm thức hôm, cần thường xuyên trau dồi, cập nhật kiến thức. Nếu như không đủ đam mê sẽ cảm thấy đuối sức và bỏ dở giữa chừng".

Xây những ước mơ

anh-xay-dung-2.jpg
Niềm vui trong công việc giúp anh Quảng (ngoài cùng bên trái) có thêm động lực để gắn bó với nghề

8 giờ tối mùa đông, tại điểm dân cư còn khá thưa vắng của phường Thanh Bình (TP Hải Dương), căn phòng làm việc của anh Nguyễn Văn Quảng (sinh năm 1983, quê ở huyện Quế Võ, Bắc Ninh) vẫn sáng ánh điện. Trên bàn làm việc là nhiều bản vẽ thiết kế, hồ sơ, sổ sách dày cộp. Gắn bó với nghề xây dựng hơn 17 năm qua, anh Quảng đã theo các công trình đi nhiều nơi, khi thì Hải Dương, Hải Phòng, có lúc tận Nghệ An. Anh Quảng bảo, trước đây khi còn là học sinh, anh rất ngưỡng mộ những người kỹ sư xây dựng. Họ được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, xây dựng những công trình lớn. Từ đó, ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng cứ lớn dần. Mong muốn thoát ly ruộng đồng cùng với ước mơ cháy bỏng đã thôi thúc anh theo học ngành xây dựng. Tốt nghiệp ra trường, anh Quảng rong ruổi hết công trường này đến công trường khác. Nhiều năm trước, điều kiện ăn ở của đội ngũ kỹ sư xây dựng còn đơn sơ, nghèo nàn. Nơi làm việc, nơi ở thường chỉ là những lán trại được dựng tạm bằng tôn, bạt. Mùa hè thì nóng nực, mùa đông thì rét cắt da cắt thịt. Gần đây, điều kiện ăn ở của anh em đã được cải thiện. Họ được bố trí nơi ăn, chốn nghỉ kiên cố hơn, được trang bị điều hòa, tủ lạnh, ti vi… Hiện anh Quảng đang làm công tác quản lý hồ sơ, thanh quyết toán cho một công ty xây dựng. Chọn nghề xây dựng, đi xây tổ ấm cho nhiều nhà nhưng bản thân lại thường xuyên thiếu thốn tình cảm gia đình. Mỗi tối, anh Quảng đều gọi điện về cho vợ con, nhắc nhở các con học hành. Anh bảo: “Có những khi tình cờ đi qua trường học đúng vào giờ tan trường hay thấy các gia đình dẫn nhau đi chơi vào buổi tối tôi lại không khỏi chạnh lòng”. Dù khoảng cách từ Hải Dương về huyện Quế Võ (Bắc Ninh) không quá xa xôi, chỉ khoảng 40 cây số. Nhưng vì đặc thù công việc, những lúc căng thẳng về tiến độ, nên nhiều tuần liền, anh Quảng không được về thăm nhà. Anh cười bảo: “Cánh kỹ sư chúng tôi thường đùa nhau rằng, lán trại, công trường mới là chỗ dung thân bởi thỉnh thoảng chúng tôi mới được về thăm nhà. Nhớ gia đình, vợ con lắm chứ! Đã nhiều lần tôi trăn trở với suy nghĩ nên chăng lựa chọn một công việc khác để có thể gần vợ con. Thế nhưng đúng là nghề trở thành nghiệp, đâu dễ gì nói bỏ là bỏ được”.

Dù vất vả, khó khăn, nhưng nghề xây dựng cũng có những niềm vui rất riêng. Ai đó đã từng nói, xây dựng không chỉ xây nhà mà là nghề xây tổ ấm. Trước khi công trình được khởi công xây dựng chỉ là bãi đất, có nơi cỏ mọc um tùm, bờ sông bãi sú đầy lau sậy. Nhờ những đôi tay, khối óc của kỹ sư và công nhân xây dựng, những công trình mới đẹp, tiện nghi, hiện đại, hoành tráng mọc lên. Hạnh phúc đối với các kỹ sư, công nhân xây dựng là khi nhìn thấy trọn vẹn hình hài “đứa con” mà mình đã đổ công tạo dựng. Đó cũng là tâm huyết, mồ hôi của anh em kề vai sát cánh bên nhau đêm ngày. Sau này, có dịp quay trở lại những công trình ấy, trong họ lại dậy lên nhiều cảm xúc, gợi nhớ về những kỷ niệm và cảm thấy tự hào khi đã đóng góp công sức, trí tuệ của mình dựng xây lên những công trình khang trang. Anh Tuân chia sẻ: "Những tưởng nắng mưa, vất vả, khó khăn nơi công trường làm cho những kỹ sư, công nhân xây dựng trở nên khô khan, chai sạn cảm xúc. Thế nhưng, mỗi khi hoàn thành xong cây cầu nối đôi bờ xa, chứng kiến những gương mặt rạng rỡ, phấn khởi của người dân khi đi trên những cây cầu mới, không còn phải “qua sông lụy đò” là tôi lại cảm thấy phấn chấn. Niềm vui, điều hạnh phúc ấy trở thành động lực giúp tôi thêm yêu, thêm gắn bó với nghề.

SONG HOÀNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đời người theo những công trình