Từ năm học 2017 - 2018, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh đã thống nhất cách làm mới đối với các lớp bồi dưỡng cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Trường Chính trị tỉnh thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy đối với các chuyên đề kỹ năng
Theo quy định, nội dung chương trình bồi dưỡng phải bảo đảm cập nhật kiến thức mới và kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh đối với từng loại đối tượng ở từng vị trí công tác. Các bài giảng phải phù hợp tình hình mới và yêu cầu cụ thể của từng lĩnh vực, địa phương; vừa bổ sung kiến thức, vừa giải đáp những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Trong khi đó, đối tượng tham gia các lớp học này khá đa dạng, không đồng nhất: có học viên tái cử, có học viên tham gia cấp ủy lần đầu; có học viên giữ chức vụ đã nhiều năm, có học viên mới tham gia công tác, có học viên nhiều tuổi, có học viên còn trẻ...
Việc bồi dưỡng kỹ năng như thế nào cho có hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu của các học viên là một vấn đề mà Ban Giám hiệu nhà trường rất quan tâm. Vì vậy, từ năm học 2017 – 2018, Ban Giám hiệu nhà trường đã đổi mới phương pháp giảng dạy đối với các chuyên đề kỹ năng, trong đó mời lãnh đạo các sở, ban, ngành với vai trò chuyên gia trong các buổi học. Ví dụ như mời lãnh đạo các cơ quan liên quan cùng chủ trì thảo luận đối với các lớp bồi dưỡng kỹ năng và cập nhật kiến thức mới cho chức danh phó bí thư thường trực đảng ủy và phó chủ tịch UBND cấp xã, với những nội dung thiết thực, gắn trực tiếp với cơ sở. Do đó, các buổi thảo luận đã diễn ra với sự tham gia sôi nổi, nhiệt tình, tâm huyết của các đồng chí học viên.
Các đồng chí học viên đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là trong thực hiện Kế hoạch số 77-KH/TU ngày 26.1.2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Kế hoạch số 78-KH/TU ngày 26.1.2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai ở cơ sở... cũng là những vấn đề được đưa ra thảo luận.
Qua đó, các đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành cũng nắm bắt được những vướng mắc của cơ sở để có phương hướng khắc phục, giúp cơ sở thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời, các đồng chí cũng nắm được những bất cập về cơ chế, chính sách... khi vận dụng vào trong thực tiễn ở cơ sở để đề xuất với các ngành, các cấp liên quan cùng tháo gỡ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
Tuy nhiên, các buổi thảo luận nói trên vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Có học viên chưa tập trung cao cho các vấn đề được nêu ra; việc chuẩn bị chưa được kỹ, còn tình trạng e ngại hoặc né tránh, nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm.
Trong thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh Hải Dương sẽ chủ động phối hợp với Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể của tỉnh để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ hằng năm. Tiếp tục nâng cao trình độ, nhất là kiến thức thực tiễn cho đội ngũ giảng viên, đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho học viên. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc xác định nội dung và chủ trì thảo luận những vấn đề bức xúc đang đặt ra tại cơ sở.
ĐẶNG THỊ MAI
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hải Dương