Chẳng biết tự bao giờ, người dân xã Tân Việt (Thanh Hà) có tục nấu xôi củ đỏ để thờ cúng tổ tiên vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Củ đỏ được sơ chế để đồ xôi
Gọi là củ đỏ nhưng lại có màu tím sẫm nên khi trộn với gạo nếp để đồ thành xôi cũng mang màu tím đặc trưng. Củ đỏ là tên gọi dân dã của người dân nơi đây, thực chất là củ khoai mỡ, thuộc dòng dây leo, cùng họ với củ từ. Bề ngoài củ đỏ khá to, giống củ sắn dây, vỏ xù xì, khi thu hoạch thường nặng từ 5-7 kg/củ. Củ đỏ là cây ăn củ, có thể trồng hầu hết trên các loại đất. Ở Tân Việt, củ đỏ được trồng nhiều ở thôn Cam Lộ.
Củ đỏ có thể dùng để nấu chè, làm bánh hay nấu xôi. Bà Nguyễn Thị Thị ở thôn Cam Lộ cho biết xôi củ đỏ có màu tím sẫm, biểu trưng cho sự may mắn nên chúng tôi muốn dâng lên cúng ông bà tổ tiên mong một năm mới bình an, sung túc. Năm nào mọi người cũng không quên nấu xôi củ đỏ trong dịp Tết.
Những người cao tuổi như bà Thị cũng không biết rõ tên gọi xôi củ đỏ có tự bao giờ, chỉ biết rằng nhiều đời nay, nhiều nhà đều có một gốc củ đỏ tốt tươi ở góc vườn, đến tháng 11 âm lịch lại thu hoạch cất lên gác bếp đợi Tết đến, xuân về đem ra nấu xôi. So với các loại xôi truyền thống khác, xôi củ đỏ được chế biến phức tạp hơn. Đối với phụ nữ nơi đây, công thức nấu xôi đã được thuộc lòng từ bao giờ, truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi gia đình lại có một công thức nấu xôi riêng để xôi được dẻo thơm, hợp khẩu vị.
Món xôi củ đỏ được người dân Tân Việt nấu mỗi dịp Tết đến, xuân về
Để có một nồi xôi củ đỏ thơm dẻo, khâu chọn nguyên liệu là quan trọng nhất. Gạo nấu xôi phải là gạo nếp cái hoa vàng, được chọn lựa kỹ lưỡng, hạt to tròn, chắc mẩy. Tiếp theo, chọn những củ đỏ bánh tẻ, bụ bẫm, không được già quá, cũng không được non quá, tránh bị nhớt. Khi nấu, đầu tiên dùng gạo nếp vo sạch, ngâm nước khoảng 4 giờ cho mềm, gạo nở đều, cứ 1 giờ lại thay nước ngâm gạo một lần. Củ đỏ được gọt vỏ ngâm với nước rồi rửa nhiều lần nước cho bớt nhớt, xắt mỏng. Gạo nếp và khoai trước khi đem hong, cần xả lại nước một lần nữa.
Khi nước trong chõ bắt đầu sôi, người ta mới cho gạo và củ đỏ vào cùng một lúc, xếp khéo léo để cứ một lớp xôi lại một lớp củ. Canh lửa thật nhỏ, khoảng 45 phút để xôi và củ chín cùng một lúc. Đến khi thấy xôi chín, nhấc xuống, trút ra lớp lá chuối bày rồi dùng vá (muỗng lớn) day thật đều tay để xôi và củ hòa quyện có màu sắc bắt mắt, sau đó cho đường vào trộn. Để đường thấm đều, cho xôi vào lại nồi và bắc lên bếp lần nữa. Ít phút sau, khi mở vung ra, thấy hơi tỏa ra nhiều, thơm phức là xôi đã chín.
Để tạo vị đậm đà cho xôi, nhiều gia đình còn thêm lạc, dừa nấu kèm. Ngoài ra, để tạo độ bóng, người nấu cho thêm mỡ lợn hoặc mỡ gà vào xôi. Khi xôi còn nóng, người nấu múc ra khuôn đẹp mắt để cúng ông bà tổ tiên, hoặc cho ra đĩa dùng ngay. Xôi củ đỏ với màu tím bắt mắt vừa dẻo thơm vừa có vị ngọt bùi, đối với những người con Tân Việt là món ăn tuyệt vời, hiếm khi nào thấy ngán. Xôi củ đỏ tạo nên hương vị đặc trưng riêng biệt, trở thành điểm nhấn khó quên trong mâm cỗ Tết.
THÀNH ĐẠT