Độc đáo vùng di tích quốc gia đặc biệt Kinh Môn

31/01/2017 07:00

Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn) từ lâu đã được biết đến với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.



Kính Chủ có hệ thống hang động kỳ thú. Ảnh Thành Chung


Miền trầm tích lịch sử, văn hóa

Những ngày cuối năm, tin quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt làm nức lòng không chỉ người dân huyện Kinh Môn. Niềm vui lan tỏa nhanh chóng bởi đây là di tích quốc gia đặc biệt thứ hai của tỉnh.

Nói đến quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương trước hết phải kể đến giá trị nổi bật, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa. Đây đều là các di tích có các công trình tôn giáo, tín ngưỡng lâu đời gắn với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Điểm nhấn là khu di tích đền Cao tọa lạc trên đỉnh núi An Phụ. Đền Cao thờ An Sinh Vương Trần Liễu (sinh năm 1211), thân phụ của Trần Hưng Đạo - thiên tài quân sự, người anh hùng vĩ đại của dân tộc trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ 13. Trần Liễu làm quan triều Lý, được phong chức Thái úy quận công. Đến thời nhà Trần, ông được phong làm An Sinh Vương, cấp đất lập thái ấp ở Kinh Môn, Đông Triều. Chuyện kể, Trần Liễu thường lên núi An Phụ nghỉ và ngắm phong cảnh, quan sát đất đai, núi non. Sau đó ông cho lập ấp, chiêu binh, xây dựng chùa ở khe núi làm nơi tích luỹ lương thực giúp Trần Hưng Đạo chống giặc. Khi mất mùa đói kém, Trần Liễu miễn thuế cho nhân dân trong vùng. Tháng 4-1251, Trần Liễu lâm bệnh mất, được nhân dân lập đền thờ trên đỉnh núi An Phụ. Lễ hội đền Cao tưởng niệm ngày mất của ông vào mùng 1-4 âm lịch hằng năm trở thành sự kiện văn hóa lớn của nhân dân trong vùng.

Bên cạnh đền Cao là chùa Tường Vân có từ lâu đời, đến thời Hoàng Định (1600 - 1619) được triều đình trích công quỹ tu bổ. Hiện nay ngôi chùa vẫn giữ được các pho tượng và kiến trúc tu tạo vào thời Nguyễn.

Về thăm An Phụ, du khách còn ấn tượng với một công trình kiến trúc đặc sắc là tượng đài Trần Hưng Đạo được xây dựng năm 1993 trên đỉnh núi phía trước đền.

Danh thắng kỳ thú

Nếu An Phụ mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa thì Kính Chủ nổi tiếng là nơi danh thắng kỳ thú. Từ xưa, động Kính Chủ đã được xếp vào một trong sáu động đẹp của trời Nam. Động Kính Chủ nằm ở phía nam dãy núi đá vôi Dương Nham (xã Phạm Mệnh) với những ngọn đá hình mũi mác. Động nằm ở sườn nam núi, cao 20 m so với cánh đồng. Qua 36 bậc đá, động mở ra, sâu hút với 3 cửa hang lớn. Không gian động phơi bày những thạch nhũ được thiên tạo sắp đặt. Với cảnh thiên nhiên đẹp như vậy, động được người xưa tạo thành chùa thờ Phật. Ở bên trái động có bốn chữ lớn “Vân Thạch thư thất” (nhà sách Vân Thạch) vốn là nơi đọc sách của Phạm Sư Mạnh, một vị quan nổi danh thời Trần. Dưới chân núi là hang ngũ nước kỳ thú với 5 cửa động, các thạch nhũ cùng nước trong vắt. Ở Kính Chủ còn có nhiều hang động độc đáo như hang Vang, hang Luồn, hang Tiên Sư... gắn với những câu chuyện huyền sử độc đáo.

Kính Chủ còn hấp dẫn bởi hơn 40 văn bia được tạc trực tiếp vào vách đá. Đáng chú ý là tấm bia hình chữ nhật nằm ngang trên nóc động khắc thơ của vua Lê Thánh Tông - chủ súy Hội Tao Đàn nhân chuyến ông đến thăm nơi này mùa xuân năm 1487. Nhà sử học Tăng Bá Hoành cho biết: “Với cảnh đẹp được xếp vào một trong sáu động trời Nam, rất nhiều bậc vua chúa, danh nhân, sư sãi, du khách các thời đã từng đến đây, cảm xúc trước cảnh thiên nhiên đã đề thơ để lại trên vách đá”.

Chốn tổ Phật giáo

Nhẫm Dương (xã Duy Tân) nổi tiếng là nơi thắng tích với núi non, vách đá lô nhô cùng hàng chục hang động kỳ thú: động Thánh Hóa, động Tĩnh Niệm, hang Chiêng, hang Trống, hang Tối... Nơi đây còn có ngôi chùa được xây dựng từ thời Trần (1225-1400).

Nếu Yên Tử, Thanh Mai, Côn Sơn là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm thì chùa Nhẫm Dương là chốn tổ của Thiền phái Tào Động từng góp phần chấn hưng đạo Phật trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tào Động là một tông phái thiền của Phật giáo Đại thừa được Thiền sư Thủy Nguyệt, tổ chùa Nhẫm Dương (Kinh Môn) đưa về Việt Nam giữa thế kỷ thứ 17.

Sư thầy Thích Diệu Mơ, trụ trì chùa Nhẫm Dương cho biết: Năm 1667, sư tổ Thủy Nguyệt chọn Nhẫm Dương làm nơi thuyết pháp, phổ độ chúng sinh. Ngài được vua Lê sắc phong: “Đại Thánh Đông sơn Tuệ nhẫn Tứ giác Quốc sư”. Đến năm 1704, Thiền sư Thủy Nguyệt viên tịch, các đệ tử tiếp tục đưa Tào Động trở thành môn phái nổi tiếng, trong đó nhị tổ Tông Diễn đã có công giúp Phật giáo Việt Nam tránh thời kỳ mạt pháp.

Ngoài ra, Nhẫm Dương là di tích có giá trị đặc biệt về khảo cổ học. Năm 2000, hàng loạt các hóa thạch và các hiện vật quý được tìm thấy ở động Thánh Hóa sau chùa khiến giới khảo cổ học xôn xao. Quá trình phân loại phát hiện thấy rất nhiều xương động vật đang trong quá trình hóa thạch: xương voi, tê giác (là thứ hiếm tìm được ở Việt Nam), xương khỉ, lợn rừng, đặc biệt là xương vượn người... với tổng cộng 17 loài động vật thuộc kỷ Đệ Tứ, cách chúng ta 3-5 vạn năm. Xung quanh chùa còn tìm được rất nhiều hiện vật bằng đá, đồng, gốm...

Mang giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, trong tương lai, với việc được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương càng thêm hấp dẫn du khách.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo vùng di tích quốc gia đặc biệt Kinh Môn