Chùa Quang Phúc xưa thuộc thôn Cam Đông, xã Cam Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay thuộc thôn Cam Đông, xã Tuấn Việt (Kim Thành).
Chuông Quang Phúc tự chung đúc năm 1795
Chùa tọa lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng rộng và có cảnh quan đẹp. Ba phía đông, tây, bắc đều giáp cánh đồng. Xa xa là những nhánh sông nhỏ bao quanh. Chùa thờ Phật theo thiền phái Đại thừa với giáo lý khuyên răn con người làm nhiều việc thiện, tránh xa điều ác, gần gũi giúp đỡ nhau để cuộc sống tốt đẹp hơn. Các lễ tiết tại chùa diễn ra theo nghi thức Phật giáo.
Chùa Quang Phúc khởi dựng từ khá sớm, trùng tu vào năm Vĩnh Thịnh 13 (1717), Cảnh Thịnh 3 (1795), Tự Đức 6 (1853), Tự Đức 33 (1880), Thành Thái 18 (1906). Năm 1953 và năm 1998 di tích tiếp tục được trùng tu, tôn tạo một số hạng mục nhưng vẫn bảo lưu được khá nguyên vẹn kiến trúc cổ.
Hiện nay, chùa Quang Phúc có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 7 gian tiền đường và 3 gian thượng điện, mặt tiền quay về hướng nam. Kết cấu khung vì kiểu chồng rường, giá chiêng, chất liệu gỗ. Tại bảy hiên và các con rường chạm bong kênh hoa văn lá lật cách điệu. Trên thượng lương gian trung tâm tòa tiền đường khắc dòng chữ Hán ghi lại lần trùng tu chùa vào năm Quý Tỵ (1953): “Quý Tỵ niên tứ nguyệt nhị thập tứ nhật lương thần thụ trụ thượng lương đại cát”. Trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật gồm hệ thống tượng phật phong phú, đa dạng, chất liệu bằng gỗ sơn son thếp vàng cùng bia đá, thống đá, câu đối, đại tự, bát hương… có niên đại vào thời Lê và thời Nguyễn. Tháng 1.2014, chùa Quang Phúc được UBND tỉnh xếp hạng thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.
Đặc biệt, ở chùa Quang Phúc hiện còn lưu giữ được quả chuông đồng “Quang Phúc tự chung” đúc vào năm 1795 thời Tây Sơn, treo trên xà nách vì kèo gian hồi phải tòa tiền đường. Đây là quả chuông đúc vào thời Tây Sơn duy nhất hiện còn trên địa bàn huyện Kim Thành.
Chùa Quang Phúc xếp hạng cấp tỉnh năm 2014
Chuông màu đồng hun, còn nguyên vẹn, tạo tác nghệ thuật, kích thước lớn: cao 109cm, đường kính miệng 50,5cm. Chuông có đặc điểm quai tạo dáng hình rồng gồm hai con rồng đấu lưng vào nhau thành hình vòng cung. Hai đầu rồng đối xứng, miệng ngậm ngọc, mũi to và hếch, mắt tròn, lông mày tạo dải dài. Đỉnh quai là hai đuôi rồng xoắn chầu vào vân mây hình khánh, chân và thân rồng có nhiều vẩy. Thân chuông phình, miệng loe rộng, gờ miệng giật cấp đúc nổi cánh sen kép cách điệu, các góc đúc hoa văn vân xoắn. Vai chuông hơi vuông khắc chìm 4 chữ Hán đặt trong ô lá đề: “Quang Phúc tự chung” (chuông chùa Quang Phúc). Toàn bộ thân chuông chia làm 8 ô (4 ô trên, 4 ô dưới), ngăn cách giữa các ô là các đường chỉ nổi (gân chuông) gồm 5 đường chỉ ngang và 5 đường chỉ dọc. Xung quanh thân chuông ở vị trí đường gân ngang có 4 núm đánh, các núm đánh đối xứng nhau hình tròn nổi cao, mỗi núm đính 29 hạt tròn (hạt lựu). Toàn bộ phần 4 ô chữ nhật đứng trên thân chuông khắc kín bài minh văn bằng chữ Hán, khoảng 1500 chữ, kiểu chữ chân phương còn rõ nét. Nội dung bài minh văn tóm tắt như sau: “Thường nghe: trong nhân gian con đường làm phúc trước tiên là công đức tạo chuông, phải có tâm đón nhận Phật pháp. Từ thời Hán Minh Vương kiến tạo chùa Thiền, vui mừng lấy võ làm khoa giáo. Viêm Đế Kỳ tạo chuông lớn, những ngày kỵ cầu đảo đều được thông suốt, linh ứng, kiếp kiếp tôn sùng. Phàm là tiết trời lúc nóng, lúc lạnh, mọi người đều muốn cảnh giới sáng sủa, trang nghiêm. Nay thiền tăng trụ trì chùa Quang Phúc, thôn Đông, xã Cam Đường, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn tên tự là Hải Dụng, đệ tử tên tự là Tịnh Phổ cùng dân thôn và khách thập phương đúc tạo một quả chuông lớn để giáo pháp hưng thịnh, phân phát, muôn đời lưu truyền đức nhân. Lại tôn tạo tiền đường, hậu đường, tả hữu hành lang chùa khiến cảnh chùa thêm khang trang tố hảo. Công việc hoàn thành, phúc viên thành, khắc ghi họ tên những hưng công, hội chủ và những người có hằng tâm hằng sản đóng góp công đức cổ tiền dùng vào việc đúc chuông và tu tạo chùa để lưu lại muôn đời”. Phần cuối là dòng lạc khoản cho biết chuông được đúc vào tháng 12 mùa Đông năm Ất Mão - Cảnh Thịnh thứ 3 (1795).
Quả chuông đồng là một hiện vật cổ quan trọng đóng góp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về loại hình chuông đồng đúc vào thời Tây Sơn (1788 - 1802) cũng như cung cấp những thông tin chính xác về lịch sử và những người ủng hộ trùng tu chùa Quang Phúc xưa còn bảo lưu được đến ngày nay. Hiện vật quý này cần được bảo vệ và phát huy giá trị.
NHẬT HỮU