Trải qua hơn 100 năm thăng trầm, ngôi nhà cổ ở thôn Phúc Tân, xã Gia Tân (Gia Lộc) vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những kiến trúc truyền thống.
Căn nhà hơn trăm tuổi ở thôn Phúc Tân, xã Gia Tân (Gia Lộc)
Không gian truyền thống
Ông Lê Văn Phỏng (sinh năm 1942), cháu nội của cụ Lê Văn Dẹp và cụ Nguyễn Thị Lịch, những chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà cổ cho biết ngôi nhà này được dựng vào khoảng năm 1900. Khi cụ Dẹp và cụ Lịch về chung một nhà, kinh tế gia đình chỉ trông vào ruộng vườn. Sau nhiều năm, nhờ chăm chỉ, tháo vát trong công việc, vợ chồng cụ đã tậu được thêm ruộng đất, kinh tế gia đình dần khấm khá. Cụ Dẹp đã đi nhiều nơi tìm mua nhà để “an cư lạc nghiệp” theo quan niệm của người xưa. Sau nhiều tháng, cụ Dẹp tìm được một ngôi nhà ở Thanh Hóa làm bằng gỗ lim chắc chắn với kiến trúc 5gian, đường nét chạm khắc tinh xảo, vừa ý cụ. Con cháu thời nay không biết chính xác giá mua căn nhà, chỉ biết ở thời điểm đó là cả một gia tài lớn. Căn nhà được dỡ ra, chở theo đường thủy đến bến Tràng ở thôn An Tân trước kia (nay bến Tràng không còn nữa) và mang về dựng tại vị trí hiện nay.
Cụ Dẹp đã lựa chọn từng viên gạch, viên ngói để xây nhà. Gần 1 năm sau, ngôi nhà mới được hoàn chỉnh. Nhà rộng khoảng 50 m2 với 5 gian. Gian giữa là nơi thờ tự gia tiên, hai bên là phòng tiếp khách. Hai gian đầu hồi ngăn vách tạo thành 2 buồng riêng biệt, mặt trước có 2 cửa sổ nan trượt. Ngoài bức tường sau và 2 hồi được xây bằng gạch, còn lại các vì, kèo, rui, mè, cánh cửa… đều được làm bằng gỗ lim; trên mái lợp bằng ngói mũi hài truyền thống. Dưới lớp ngói mũi hài là lớp ngói màn chữ thọ. Lợp ngói màn chữ thọ khá kỳ công và tốn kém, nhưng nhìn từ phía dưới lên sẽ thấy hình chữ thọ của viên ngói, tượng trưng cho mong ước bình yên, trường thọ của gia chủ. Các chi tiết gỗ của ngôi nhà được ghép nối với nhau hoàn toàn bằng mộng, không sử dụng chất kết dính hay đinh. Được làm bằng gỗ quý nên trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà không hề bị mối mọt, gần như giữ nguyên được hiện trạng ban đầu.
Ngôi nhà có kết cấu khung xà đinh, kẻ chuyền. Đến nay, trong nhà vẫn còn giữ thước thợ (hay còn gọi là thước tầm) gác ở xà nóc đặt trên đỉnh mái để đo toàn bộ kích thước ngôi nhà, từ chiều rộng, chiều dài đến độ dốc mái... Nó như hồ sơ thiết kế của ngôi nhà theo quy ước của người thợ mộc xưa. Trên các vì, kèo, chân rường của ngôi nhà được chạm khắc hoa văn hình cúc mãn khai, đấu sen, tranh gỗ thư pháp lão đào hóa rồng… tinh tế. Kiến trúc truyền thống không chỉ giúp ngôi nhà vững chắc qua thời gian mà còn khiến ngôi nhà thông thoáng, thoát nước nhanh, giảm nhiệt và ánh nắng chiếu xuống nhà, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè.
Nếp nhà
Hoa văn cúc mãn khai được chạm khắc trên vì của ngôi nhà
Đến nay, con cháu trong gia đình cụ Dẹp vẫn tự hào vì cụ Tăng Thị Khuyên, mẹ cụ Dẹp vinh dự được nhà vua ban tấm bảng 4 chữ vàng “Tiết hạnh khả phong” do thủ tiết thờ chồng, nuôi con khôn lớn. Nuôi con một mình vất vả trăm bề nhưng cụ Khuyên luôn giáo dục các con biết giữ gìn gia phong, nền nếp trong gia đình. Điều đó ảnh hưởng đến các con của cụ. Sau này, dưới mái nhà do bao công sức của mình xây dựng, vợ chồng cụ Dẹp đã cùng bảo ban nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục con cháu trưởng thành. Ông Phỏng kể lại: “Hồi ấy, nhà ông tôi là một trong hai ngôi nhà to đẹp nhất thôn, các hộ xung quanh chủ yếu ở nhà tranh vách đất. Dù vậy, ông bà vẫn hết sức cần kiệm, chăm chỉ, giúp đỡ người xung quanh, là tấm gương cho chúng tôi học theo”.
Vợ chồng cụ Dẹp luôn giáo dục con cháu yêu thương, giúp đỡ không chỉ anh em trong gia đình mà cả những người có hoàn cảnh khó khăn. Các con cháu của cụ đều nhân hậu, thương người. Bà Lê Thị Loan, cháu nội của cụ Dẹp cho biết: “Có lần mẹ tôi thấy có trẻ mồ côi quê ở Thanh Hóa lưu lạc đến đây, thương tình nhận làm con nuôi. Bố mẹ tôi không hề phân biệt đối xử, khi trưởng thành được các cụ chia nhà, lấy vợ cho như con ruột”. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông Lê Văn Chuộc là con cả của cụ Dẹp tham gia lực lượng du kích xã Kiên Trung (nay tách thành xã Gia Tân và xã Gia Xuyên), đóng góp tích cực cho phong trào du kích của xã.
Trước kia ở nơi thờ cúng của ngôi nhà có đủ đại tự, hoành phi, câu đối, các đồ thờ tự, tấm bảng “Tiết hạnh khả phong” được nhà vua ban. Trải qua các cuộc kháng chiến, nhiều lần chạy loạn, các con cháu cụ Dẹp đã không giữ được những đồ vật quý giá đó. Do nhu cầu sử dụng, căn nhà đã được cơi nới thêm 1 mái tôn để che mưa nắng. Hiện căn nhà đã hư hỏng một số chi tiết nhỏ như ngạch cửa, hoa văn trang trí. Ông Phỏng cho biết gia đình dự kiến sẽ trùng tu, sửa chữa để ngôi nhà giữ được giá trị lịch sử, trở thành nơi tụ họp, thờ tự, nơi con cháu trong gia đình nhớ về nguồn cội của mình.
VIỆT QUỲNH