Đền Sượt là một trong những ngôi đền có kiến trúc độc đáo và có nhiều nghi lễ đặc sắc, "độc nhất vô nhị".
Đuổi bệt là một nghi lễ độc đáo trong Lễ hội đền Sượt
Công trình kiến trúc nghệ thuậtĐền Sượt (còn có tên tự là "Quang Liệt miếu" hay "Thanh Cương linh từ") là di tích lịch sử văn hóa tọa lạc tại thôn Quang Liệt, xã Thanh Cương xưa (nay thuộc phường Thanh Bình, TP Hải Dương). Thanh Cương có tên nôm là làng Sượt nên đền được nhân dân gọi là đền Sượt. Đền thờ Đại vương Vũ Hựu (1472 - 1520), một công thần thời Lê. Đền Sượt xây dựng ngay tại nơi Đại vương ra đời. Khi vinh quy về làng, ông cho sửa lại thành nhà quan cư để mỗi khi đi về có chỗ nghỉ ngơi. Sau khi ông mất, dân làng lập đền thờ ngay trên nền nhà cũ. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo đã được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993. Trong khuôn viên của đền vẫn lưu giữ một giếng tròn, tương truyền Vũ Hựu được sinh ra bên cạnh giếng này.
Tòa tiền tế uy nghiêm của đền có kiến trúc theo kiểu chồng diêm cổ các hai tầng, lợp ngói mũi. Phần kết cấu chịu lực hệ cột, khung gỗ, chủ yếu bằng gỗ lim còn khá chắc chắn. Tòa cổ các với các đầu đao cong như đài hoa đến độ mãn khai, in lên trời cao vẻ đẹp đầy thanh cao là nét đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc cổ. Hai đầu hồi được bịt dốc, phía trên đôi rồng kìm cuộn mình ngậm chặt bờ nóc. Trên bờ nóc nhà tiền tế đắp đôi rồng lớn, uốn mình chầu vào mặt nguyệt rất uy nghi. Phía trước tòa cổ các đắp bốn chữ lớn bằng mảnh gốm: “Dực bảo Trung Hưng” (nghĩa là giúp đỡ, bảo vệ triều Lê Trung Hưng). Kiến trúc đền Sượt là sự giao thoa giữa kiến trúc chùa và kiến trúc đền tạo nên một tác phẩm hoàn mỹ đầy tính sáng tạo. Trên bậc tam cấp, hai đầu hồi hiên có đôi nghê đá túc trực, canh giữ cho ngôi đền. Đây là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá được cung tiến vào ngày 1-5 niên hiệu Bảo Thái năm thứ hai (1721) đời vua Lê Dụ Tông, 200 năm sau ngày Đại vương Vũ Hựu mất. Đền Sượt trước đây có rất nhiều cổ vật. Chiến tranh và những biến động xã hội đã khiến những cổ vật này bị mất mát, hư hại khá nhiều, trong đó có 13 đạo sắc phong rất quý của các triều đại trước. Năm 1990, dân làng mới dần dần thu gom được những di vật còn lại. Hiện chỉ còn một số đồ thờ làm vào thời nhà Nguyễn như: ngai thời và bài vị, đôi câu đối khảm trai, đôi câu đối chữ triện, một bộ đòn bát cống cùng bộ bát biểu, thanh đao, một cuốn ngọc phả hết sức quý giá...
Nhiều nghi lễ “độc nhất vô nhị”Hằng năm, cứ đến ngày 10-3 âm lịch, dân làng Thanh Cương lại tưng bừng mở hội tế lễ mừng ngày sinh của Đại vương Vũ Hựu. Trong lễ hội, có rất nhiều nghi lễ độc đáo, công phu, nổi bật là lễ xin âm dương bằng đòn tre và cất Hoàng tửu. Theo thông lệ, ngay từ ngày 24-2 âm lịch, làng Thanh Cương phải cất Hoàng tửu để cúng tiến Đức thánh. Tương truyền khi đánh giặc ở châu Hoan, Đức thánh đã sai quân lính tìm lá rừng ủ với cơm làm rượu, được một thứ nước màu vàng sậm, mùi vị thơm dịu nên đặt tên là Hoàng tửu. Quy trình nấu Hoàng tửu của làng Thanh Cương được quy định nghiêm ngặt. Một người duy nhất được chọn ra để làm tất cả các công đoạn. Người này phải đáp ứng đủ các yêu cầu: gia đình gương mẫu, nền nếp, trong gia đình một năm không có tang, trước khi cất rượu 45 ngày, phải giữ mình chay tịnh, không sát sinh. Gạo nấu rượu là loại nếp cái hoa vàng ngon nhất, được ngâm trong 15 tiếng rồi cho vào chõ sành đồ xôi. Nước đồ xôi phải là nước mưa. Khi xôi chín thì vẩy nước mưa lên mặt xôi hai lần. Đồ xong, đổ xôi ra rá rồi đãi lại bằng nước mưa trong, tản ra nia để nguội rồi cho vào rá ủ. Cứ 15 kg gạo sẽ cho khoảng 10 lít rượu hồ. Rượu hồ để trong, lọc một đến hai lần bằng vải thưa, đến ngày 9 - 3 thì lọc bằng giấy bản lần cuối rồi đem chưng cô khoảng 7 tiếng. Củi cất rượu phải là gốc tre ngâm phơi khô, khi đun nhỏ lửa. Trong quá trình cất, người nấu phải ăn mặc trịnh trọng, tuyệt đối không được nếm thử rượu mà chỉ được nhìn bằng mắt để đánh giá chất lượng rượu.
Tục xin âm dương bằng hai gióng tre là một hình thức độc đáo, có một không hai ở Lễ hội đền Sượt. Lễ xin âm dương có từ khi Đức Thánh đi đánh giặc Ai Lao. Trước khi xung trận, giữa rừng núi bạt ngàn, ngài sai quân lính chẻ gốc tre làm đôi để làm vật xin âm dương cầu trời đất phù hộ đánh thắng giặc. Từ đó, đôi đòn gióng tre sơn son thiếp vàng trở thành linh vật, được thờ tại hậu cung của đền. Mỗi khi làng tổ chức đuổi bệt, ông Mạnh tế lại rước vật thiêng ra làm. Nếu đôi gióng tre gieo xuống một sấp một ngửa thì năm đó dân làng sẽ rất sung túc, may mắn. Ông Nguyễn Tuấn Hải, Trưởng ban Quản lý di tích đền Sượt cho biết, theo sự thăng trầm của thời gian, nhiều nghi lễ có từ xa xưa trong Lễ hội đền Sượt đã bị mai một. Đến nay, những nghi lễ độc đáo mang giá trị văn hóa đang dần được phục dựng. Từ năm 1993 đến nay, tích đuổi bệt đã được phục dựng và 3 lần biểu diễn trong dịp lễ hội. Năm 2012, lễ đóng đám và thả cây đám tế xoan đã được phục dựng thành công. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa các tiết lệ trong Lễ hội đền Sượt vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia". Năm nay, bên cạnh tích đuổi bệt “độc nhất vô nhị”, lễ hội còn có thêm nhiều tiết mục đặc sắc như hát trống quân, hát xẩm, hát ca trù... để phục vụ người dân và du khách thập phương.
KHÁNH CHI
Tương truyền, dưới thời Lê Thánh Tông, ở làng Long Thịnh, huyện Thọ Xương, Thanh Hóa, có người đàn ông tên là Vũ Đạo lấy bà Phạm Thị Hòa, người làng Thanh Cương, trấn Hải Dương. Hai vợ chồng sống nhân hậu, giỏi nghề thuốc, chuyên trị bệnh cứu người, song lại hiếm muộn đường con cái. Một đêm mộng thấy rồng vàng xuất hiện, người chồng biết rằng đại phúc đã đến với gia đình. Một trăm ngày sau bà thụ thai nhưng 14 tháng vẫn chưa sinh nở. Tháng 3 năm Nhâm Thìn (1472), bà đi hội chùa làng Sượt về đến bên giếng đất đầu làng thì trở dạ, sinh hạ một cậu con trai, mặt mũi khôi ngô, đặt tên là Vũ Hựu. Ngay từ nhỏ, Vũ Hựu đã nổi tiếng là người thông minh, trí dũng. Năm 21 tuổi, Vũ Hựu thi đỗ Hoàng Giáp (tiến sĩ), được phong làm Tham nghị triều chính. Vài năm sau, ông được phong giữ chức Đô đài ngự sử rồi được bổ nhiệm làm Đốc trấn hai xứ Kinh Bắc và Sơn Nam. Ông từng lập nhiều chiến công hiển hách, được vua phong làm thượng thư bộ hình. Cuối đời, vua Lê Chiêu Tông bị gian thần xúi bẩy, ông đã hết lòng can ngăn nhưng không được bèn dâng biểu lui về quê sống cuộc đời đạm bạc. Mấy năm sau, giặc Chiêm tiến vào vùng đất phía nam đất nước, vua Lê vô cùng lo lắng, vội triệu ông đi dẹp giặc. Dẹp giặc xong, Vũ Hựu xin vua cho về quê vui thú điền viên. Ngày 6-11 năm Canh Thìn (1520), về đến núi Vân Đài, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, ông lên núi ngắm cảnh, bỗng trời đất tối sầm, sấm chớp nổi lên ầm ầm và ông hóa luôn ở đó. Vua Lê Chiêu Tông truy phong cho ông là Đại Vương và phong làm “Thượng đẳng phúc thần”, “Minh quốc linh ứng, hiển Hựu Đại vương”.
|
|