Đến nay, nhiều học sinh, người dân Cẩm Giàng vẫn giữ phong tục trước khi thi đến lấy nước ở giếng Viết về uống, thắp hương trước bia Học để cầu mong đỗ đạt.
Bia Học ghi sự kiện hai anh em được triều đình truy phong
Không nổi danh như giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) nhưng giếng Viết, bia Học ở thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) cũng được nhiều người trong vùng biết tiếng.
Hai anh em thông minh, học giỏi
Giếng Viết, bia Học tọa lạc ở cánh đồng Ao Cá thuộc xóm Đình, thôn Nghĩa Phú. Thời cổ, thôn Nghĩa Phú có 4 xóm là Đình, Chẹm, Bến và Cầu Thầy. Không ai biết giếng Viết, bia Học có từ bao giờ. Những người cao tuổi trong làng thường kể lại cho con cháu rằng ngày xưa ở xóm Đình có hai anh em sinh đôi tên là Học và Viết đều thông minh, học giỏi. Hai anh em còn có công dạy học cho nhân dân trong vùng. Nhiều người cho rằng hai anh em học giỏi do đất ở có hình thế giống nghiên mực và bút lông, gần nhà có một cái giếng nước quanh năm trong mát, phục vụ nhân dân trong thôn. Khi mài mực pha với nước giếng này thì chữ viết rất đẹp nên gọi là giếng Viết. Trước kia giếng có đường kính khoảng 20 m.
Không ai biết năm sinh, năm tạ thế của hai anh em, chỉ biết cách giếng Viết khoảng 60 m là nơi đặt bia Học. Theo sách Lịch sử - Văn hóa làng Nghĩa Phú do Bảo tàng tỉnh xuất bản năm 2017, bia Học cao 1 m, chiều dài chân đáy 35 cm, chiều rộng chân đáy 28 cm. Bia ghi sự kiện hai ông được triều đình truy phong. Ông Học được truy tôn là “Minh Thông Công Phổ Hoành Bác Tiên sinh” có nghĩa là thông minh, uyên bác, học cao biết rộng. Ông Viết được truy tôn là “Đoan Phương Giai Chính Cư Phạm Tiên sinh” nghĩa là đoan chính, chuẩn mực, học cao biết rộng. Bia được dựng vào tháng 2 năm Thiệu Trị thứ 7, tức năm 1847. Trước nhà bia có một bệ thờ và một bát hương bằng đá.
Theo ông Nguyễn Văn Bàng, Trưởng thôn Nghĩa Phú, người xưa đã dựng một gian nhà nhỏ để bảo vệ bia Học, sau này gian nhà đổ nát, chỉ còn dấu tích. Trước nhà bia có một phiến đá. Do thời gian phiến đá bị nghiêng, người dân địa phương thấy ở dưới phiến đá có một ngôi mộ để hài cốt được xây bằng gạch chỉ nhưng không ai dám động vào. Đến năm 2001, ông Bàng lúc đó là cụm trưởng cụm dân cư xóm Đình đã vận động nhân dân đóng góp cải tạo giếng. Lúc này người dân đã xây bờ gạch thay thế cho bờ đất, xây lại nhà bia Học, xây thêm bệ thờ phía trên ngôi mộ để tiện hương khói. Không ai biết bộ hài cốt ở trước bia Học có phải là hài cốt của một trong hai ông hay không, chỉ biết giếng Viết, bia Học đã trở thành địa điểm văn hóa, tâm linh được nhiều người đến chiêm bái, thắp hương.
Ông Nguyễn Thế Thường (72 tuổi), nhà ở cạnh giếng Viết, bia Học cho biết không chỉ người dân trong xã mà học sinh các xã xung quanh như Cẩm Hoàng, Cẩm Văn, Định Sơn… cũng đến đây xin nước uống, thắp hương.
Giếng Viết đã được địa phương tôn tạo
Đất học
Làng cổ Nghĩa Phú là nơi sinh của nhiều người thi cử đỗ đạt, làm quan, tạo phúc cho nhân dân. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Nguyễn, ở làng Nghĩa Phú đã có 5 người thi đỗ đại khoa. Ngoài các vị giữ chức sắc lớn như Hành khiển, Tể tướng, Thượng thư, Hàn lâm học sĩ..., số người thi đậu cử nhân, tú tài, Giám sinh Quốc Tử Giám, tri phủ, tri huyện, thầy đồ, thầy giáo, thầy thuốc đời nào cũng có.
Trong những người con ưu tú của làng Nghĩa Phú, được biết đến nhiều nhất là Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh và tiến sĩ Nguyễn Danh Nho. Ngoài những tư liệu trước đó về Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh, Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng mới đây đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quý về thân thế, sự nghiệp của tiến sĩ Nguyễn Danh Nho.
Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638-1699) sinh ra trong gia tộc Nguyễn Danh ở làng Nghĩa Phú. Tại nhà thờ họ Nguyễn Danh ở đây vẫn còn tấm bia được ông soạn khi còn sống để ghi lại tiểu sử, lý lịch của mình. Vừa qua, Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch tấm bia này. Tấm bia được soạn năm 1690. Theo nội dung văn bia, năm 20 tuổi ông đã đi thi và đỗ tam trường kỳ thi hương. Sau nhiều lần thi, đến năm 33 tuổi ông đỗ tiến sĩ, được triều đình tín nhiệm cho giữ nhiều trọng trách như Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Thượng bảo Tự khanh, Nội tán tri các phiên thủy bộ binh, Hữu thị lang Bộ Công..., lập nhiều công trạng như can gián thẳng thắn cho triều đình, góp phần khống chế trộm cướp, đánh giặc. Năm 1690, ông được cử đi sứ phương Bắc, đảm nhiệm chức Chánh sứ. Năm 1692, ông đi sứ trở về.
Theo sử sách, khi đến Trung Quốc, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã đến viếng mộ Tuệ Tĩnh và chép văn bia mang về quê hương. Hiện nay tiến sĩ Nguyễn Danh Nho được thờ tại tòa tiền tế ở gian trung tâm đền Bia. Anh Hà Quang Thành, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho biết việc thờ tự này được đưa vào từ năm 2005 nhằm tưởng nhớ ông có công tạo tác tấm bia đá khắc lời di nguyện của Đại danh y Tuệ Tĩnh mang về quê hương. Phía trên ban thờ tiến sĩ Nguyễn Danh Nho có một bức hoành phi lớn viết bằng chữ Hán ca ngợi ông là “Tiên Thánh linh từ”, nghĩa là “đền thờ vị Thánh linh thiêng".
Lưu giữ được những di sản gắn với truyền thống hiếu học, hiếu tài của quê hương nên người dân thôn Nghĩa Phú đã quan tâm tôn tạo, gìn giữ giá trị di tích. Cuối năm 2019, cụm dân cư xóm Đình tiếp tục quyên góp tiền để nạo vét, xây lại giếng Viết, xây sân ở trước bia Học. Qua thời gian giếng đã bị thu hẹp, đến nay đường kính chỉ còn khoảng 14 m. Xung quanh giếng có ghế đá để nhân dân ngồi hóng mát. Nhà bia Học nằm trong sân rộng khoảng 30 m2, sân được lát gạch đỏ sạch đẹp.
Ông Bàng chia sẻ: "Khi phát động cải tạo giếng Viết, bia Học, không chỉ cụm dân cư xóm Đình mà nhiều người dân xã Cẩm Vũ cũng chung tay quyên góp. Đây cũng là tấm lòng của chúng tôi đối với di sản tôn vinh truyền thống hiếu học, hiếu tài của quê hương".
VIỆT QUỲNH