Đình Quan Lộc ở xã Tiên Động (Tứ Kỳ) - nơi thờ bốn vị tướng thời Hùng Vương còn lưu giữ nhiều bức chạm khắc gỗ cổ kính, độc đáo, tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Đình Quan Lộc ngày nay
Chạm khắc tinh xảo
Đình Quan Lộc xây dựng từ bao giờ, đến nay chưa tìm thấy tài liệu ghi chép cụ thể. Theo truyền ngôn, đình xây cất vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII). Đến thời Nguyễn, đình được trùng tu, tôn tạo to đẹp, tọa lạc trên mảnh đất cao, thoáng rộng, kiến trúc kiểu chữ Tam gồm ba tòa nhà: đại bái (còn gọi là đình ngoài), trung đình (đình giữa) và hậu cung.
Năm 1966, đình ngoài hạ giải lấy nguyên vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi. Trải qua biến cố của thời gian, đến nay công trình có kiến trúc kiểu chữ Nhị, bao gồm tòa đại bái 3 gian (nguyên là trung đình) và hậu cung 3 gian.
Tòa đại bái có giá trị nghệ thuật cao với kiến trúc kiểu thu hồi bít đốc. Kết cấu chính gồm hai phần mộc và nề ngõa. Bộ khung chất liệu gỗ tứ thiết gồm 4 vì kèo kiến tạo theo hai phong cách khác nhau được định vị vững chắc bởi hệ thống cột cái, cột quân và đặt lên các chân tảng đá hình tròn cao 28 cm. Hai vì kèo gian trung tâm vì nóc kiểu giá chiêng. Hai bên vì nách thay toàn bộ hệ thống các con rường là 4 bức cốn chạm dày đặc liên hoàn hai mặt, trong đó 2 bức cốn phía ngoài chạm các linh vật theo đồ án tứ linh. Các linh vật trang trí lan lên cả cấu kiện đuôi dư và tràn xuống cả cấu kiện xà đùi, thậm chí xuống cả phần mõm nghé - là cấu kiện của bảy hiên ăn xuyên qua cột quân. Vị trí trên cùng ở đuôi đầu dư chạm một con phượng đang trong tư thế dang cánh bay. Phần trung tâm của bức cốn chạm một con rồng trong tư thế uốn khúc, thân dài, phần đuôi xuôi về một góc, lẩn vào trong mây.
Xà hạ (xà nách) chạm long mã và các họa tiết sen, cua, rùa, cá chép... Phần mõm nghé chạm lân đang ở tư thế một chân trước vươn lên chạm vào quả cầu trong quầng mây xoắn. Hai bức cốn phía trong chạm đề tài tứ quý (tùng, trúc, cúc mai) hóa long. Đáng chú ý các bức chạm trên đầu dư cũng rất phong phú, có đầu dư chạm mình hình rồng nhưng đuôi lại chạm hình chim phượng, lại có đầu dư chạm một con rồng hoàn chỉnh.
Khác với hai vì kèo gian trung tâm, hai vì kèo gian hồi kết cấu kẻ liền bảy ở phía trước, sau nối cột quân và cột cái. Đầu các thanh kẻ chạm hoa văn lá lật. Phần vì nóc kiến tạo kiểu ván mê và chỉ chạm một mặt (mặt trong) với hình hổ phù miệng ngậm chữ Thọ - hình tượng văn hóa phồn thực của người Việt cổ cầu cho cuộc sống no đủ.
Dưới hình hổ phù là hai bức chạm độc long ở hai bên, đầu ngẩng cao chầu vào nhau. Các bức chạm trên các chi tiết của vì kèo tại tòa đại bái được các nghệ nhân dân gian sử dụng kỹ thuật chạm lộng và chạm bong kênh để tạo thể khối, diễn tả tinh xảo với đề tài chủ yếu thể hiện thần quyền trong tín ngưỡng, ngoài ra còn mô tả cỏ cây, hoa lá, tôm, cua, cá... gần gũi trong sinh hoạt đời thường của người nông dân. Những bức chạm còn lưu giữ được là những tiêu bản quý báu giúp khôi phục các công trình cùng thời.
Phần nề ngõa xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Chính giữa bờ nóc đắp nổi hình mặt trời với nhiều cụm mây lửa. Phía trước hai hồi có hai trụ biểu uy nghi, đế xây giật cấp kiểu trái giành, đỉnh trụ đắp bông hoa sen cách điệu, thân trụ vuông thành sắc cạnh, mặt trước và mặt bên khắc câu đối bằng chữ Hán nội dung ca ngợi cảnh đẹp của di tích.
Trúc hóa long trên vì nách tòa đại bái được chạm khắc tinh xảo
Tiếp sau đại bái là hậu cung 3 gian. Không gian giữa đại bái và hậu cung giới hạn bằng khoảng sân nhỏ dài 1 m. Tại đây, bài trí ngai và bài vị thờ bốn vị Thành hoàng. Theo thần tích - thần sắc lưu trữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội Hà Nội, đình thờ Cao Sơn Đại vương, Nam Hải Đại vương, Uy Minh Đại vương và Thiên Quan Đại vương, trong đó vị Cao Sơn Đại vương, Uy Minh Đại vương là nhân thần; vị Nam Hải Đại vương là thuỷ thần; vị Thiên Quan Đại vương là thiên thần. Cao Sơn Đại vương, Uy Minh Đại vương hiển thánh ngày mồng 10 tháng giêng; Nam Hải Đại vương hiển thánh ngày mồng 5 tháng 5 về đời vua Hùng Duệ vương. Các vị có công giúp vua Hùng đánh quân Thục. Do có công với dân, với nước, triều Nguyễn từ niên hiệu Gia Long 9 đến Khải Định 9, bốn vị Thành hoàng làng đều được ban tặng sắc phong.
Hằng năm, đình mở hội vào ngày 10 tháng giêng và 10.10 âm lịch. Kỳ lễ hội tháng giêng là lớn nhất. Trong lễ hội, phần lễ có tổ chức rước kiệu ra đình Chợ, phần hội có các trò chơi dân gian chọi gà, bắt vịt, đi cầu thùm và múa rối nước tại ao trước cửa đình... Buổi tối có hát chèo. Lễ hội tháng 10 kỷ niệm ngày mất của các vị Thành hoàng làng. Lễ hội này chủ yếu là tế lễ.
Nhân dân phát tâm công đức
Với những nét độc đáo, giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật còn lưu giữ, ngày 12.1.2022 đình Quan Lộc được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Ông Phùng Xuân Du, thành viên Ban quản lý di tích cho biết, đình Quan Lộc không chỉ là một công trình tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong thôn, ngoài xã mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với địa phương. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đình là nơi mở các lớp bình dân học vụ, trường học của xã Tiên Động. Kháng chiến chống Mỹ, ngôi đình là địa điểm học tập một số lớp của 6 xã khu Hạ Tứ Kỳ; kho chứa lương thực của Nhà nước; nơi tập trung bộ đội thuộc Quân khu Tả Ngạn trước khi vào chiến trường miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ngôi đình được chọn là nơi diễn ra Hội nghị tổng kết 20 năm kháng chiến chống Mỹ.
Trong những năm gần đây, được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền, nhân dân địa phương đã đóng góp tiền của để trùng tu, tôn tạo, mở rộng khuôn viên góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Năm 2011, trùng tu, tôn tạo tòa đại bái như thay toàn bộ hệ thống mái ngói, một số hoành, rui bị mối thông tâm, phục dựng các cấu kiện gỗ bong tróc, gãy rụng, nâng nền, thay cửa... Lần trùng tu thứ hai vào năm 2014, tôn tạo tòa hậu cung trên cơ sở giữ nguyên phần tường hồi, thay thế hệ thống cột, vì kèo, hoành, rui bị mục bằng chất liệu bê tông cốt thép. Tiếp đến, năm 2019, nhân dân và con em xa quê đã đóng góp kinh phí xây dựng một số hạng mục phụ trợ cho di tích như nghi môn, tắc môn, lát sân, nhà khách... với tổng kinh phí hết hơn 700 triệu đồng. Hiện nay, ngôi đình khá khang trang, khuôn viên rộng rãi, sạch sẽ thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội truyền thống và các sự kiện của làng.
NHẬT HỮU