Độc đáo đình Do Nghĩa

06/02/2021 10:44

Với giá trị về lịch sử và nghệ thuật, đình Do Nghĩa ở xã Nghĩa An (Ninh Giang) đã được UBND tỉnh xếp hạng vào tháng 12.2019.


Đến năm 2009, chính quyền sở tại cùng nhân dân địa phương đồng lòng góp công, góp của phục dựng lại ngôi đình trên nền xưa, hướng cũ

Đình Do Nghĩa tọa lạc trên một khu đất cao ráo, phía trước là ao rộng ngay ở trung tâm làng. Đình được khởi dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII), trùng tu vào thời Nguyễn. Năm 1949, thực dân Pháp chiếm làng xây dựng đồn bốt, dù rất luyến tiếc nhưng nhân dân địa phương kiên quyết đốt cháy toàn bộ ngôi đình không cho quân giặc làm đồn trú.

Sau cải cách ruộng đất (năm 1956), khuôn viên di tích được trưng dụng làm sân kho của HTX và trường mẫu giáo của thôn. Năm 1978, trường mẫu giáo chuyển ra vị trí mới, nhân dân tu sửa ba gian nhà gạch để làm nơi thờ tự.

Đến năm 2009, chính quyền sở tại cùng nhân dân địa phương đồng lòng góp công, góp của phục dựng lại ngôi đình trên nền xưa, hướng cũ, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung, chất liệu bằng gỗ tứ thiết, tuân thủ theo lối kiến trúc truyền thống.

Đình thờ bốn vị thành hoàng hiệu là Minh Lễ Đại vương; Thiện Chính Linh ứng Cư sĩ Đại vương (húy Thiện Sĩ); Lữ Gia hiển ứng Đại vương và Nguyệt Quang công chúa. Trong đình còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị, tiêu biểu như tượng thờ thành hoàng hiệu Lữ Gia, hòm sắc, lục bình, đỉnh đồng, đèn nến... niên đại vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Các cụ cao niên trong làng cho biết đình Do Nghĩa có nhiều lễ tiết trong năm nhưng quan trọng nhất là kỳ lễ hội vào tháng 11 (âm lịch), diễn ra trong 7 ngày (từ ngày 11 - 18), trọng hội là ngày 12, gọi là lễ đình đám.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ngoài đình Do Nghĩa, tại làng còn có bốn ngôi miếu, đó là miếu Đoài thờ vị thần hiệu Lữ Gia hiển ứng Đại vương, miếu Đông thờ vị thần hiệu Nguyệt Quang công chúa, miếu Bắc thờ vọng các vua Hùng và miếu Nam Thuận - Nam Hòa thờ vị thần hiệu Thiện Chính Linh ứng Cư sĩ Đại vương. Đình và 4 ngôi miếu tạo thành một quần thể di tích có mối liên quan mật thiết với nhau trên cơ sở cùng thờ chung các vị thành hoàng.

Vào kỳ lễ hội truyền thống, lễ rước kiệu được tổ chức lớn từ đình Do Nghĩa ra bốn miếu. Đi đầu đoàn rước là 5 người cầm cờ thần, đội múa kỳ lân rồi đến hai người cầm hai thanh kiếm gỗ (biểu tượng cho quyền uy của các vị thánh), 8 người cầm bát bửu. Tiếp đến là phường bát âm với 8 người mặc áo the khăn xếp chơi các nhạc cụ dân tộc như đàn, sáo, nhị, trống, thanh la… Sau phường bát âm là xe kéo trống đại do 2 người vừa đi vừa đánh và kiệu long đình 4 người khiêng, đi bên cạnh có 4 người nữa để thay thế. Đi sau kiệu là các vị chức sắc, đội tế, các cụ cao niên và dân làng.

Kết thúc lễ rước là lễ tế tại đình Do Nghĩa. Đoàn tế gồm 13 người, đứng đầu là chủ tế. Giúp chủ tế có bốn vị bồi tế, hai vị đông xướng và tây xướng, hai vị nội tán để trợ xướng, số còn lại là chấp sự (năm người) bảo đảm các công việc chúc rượu, dâng hương, chuyển chúc, đọc chúc.

Những người được chọn vào đội tế phải ăn chay, nằm riêng trai giới một tuần trước đó và hôm tế lễ phải mặc lễ phục gồm áo thụng màu xanh, quần trắng, đội mũ, đi hia. Trong lúc tế, nếu ai phạm lỗi bị phạt một cơi trầu.

Ngoài tế lễ, lễ hội còn có các trò chơi dân gian như chọi gà, kéo co, đấu vật..., buổi tối có tục "Cỗ hát" khá đặc biệt. Cỗ gồm hương, đăng, trà quả, 6 cân xôi và một con gà, 4 - 5 người một cỗ, khi có hát chèo, hát nhà tơ, các chức sắc, đội tế, các cụ cao niên vừa xem hát vừa ăn cỗ nên được gọi là "Cỗ hát".

Ngoài kỳ lễ hội này, hằng năm tại đình còn có lễ khai đạo (lễ gõ mõ, lễ khai lửa), diễn ra vào mùng 8 tháng giêng. Lý trưởng thay mặt cho dân làng làm lễ, sau đó cầm dùi đánh vào chiếc mõ lớn bằng gỗ có hình cá trắm 3 hồi, 9 tiếng, từ đây người dân mới được nhờ vả nhau trong cuộc sống thường ngày như xin lửa, giã gạo, cày cấy hay làm ăn buôn bán.

Sau một thời gian dài gián đoạn, năm 2009, lễ hội đình Do Nghĩa được khôi phục trở lại nhưng thời gian rút ngắn và hình thức tổ chức đơn giản hơn. 

Ngày nay, do bốn miếu không còn nên lễ hội chỉ diễn ra tại đình. Ngoài việc tế thành hoàng như truyền thống, lễ hội không tổ chức rước kiệu mà các đoàn thể, gia đình, dòng họ trong làng đội lễ vật ra đình dâng cúng thành hoàng. Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống nhân dân được nâng lên, lễ vật dâng cúng trong dịp hội cũng phong phú, sản vật các vùng miền do con cháu đi làm ăn xa mang về.

ĐẶNG THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo đình Do Nghĩa