Chùa Trung Sơn ở thôn Hoàng Gia, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) hiện còn lưu giữ tòa tháp Cửu phẩm liên hoa (CPLH) bằng đá quý hiếm có từ thế kỷ 17, thuộc hàng cổ nhất trong số các CPLH tại Việt Nam.
Tháp Cửu phẩm liên hoa cao 2,01 m
Trải bao thăng trầm
Nằm cách TP Hải Dương 12 km về phía đông, cách trung tâm huyện Cẩm Giàng 8 km về hướng tây, ngay gần di tích quốc gia đặc biệt đền Xưa - chùa Giám - đền Bia nhưng chùa Trung Sơn chưa được nhiều khách thập phương biết tới.
Chùa còn có tên chữ là Xuân Kim cổ tự, tên nôm là Hoàng Gia theo tên làng. Chùa được xây dựng ở phía đầu thôn Hoàng Gia trên một khu đất cao, mặt tiền hướng ra đường liên thôn, phía trước là ao nước trong xanh, bên phải là chợ làng. Không ai biết chùa được khởi dựng khi nào, chỉ biết trước kia đây là một ngôi chùa cổ kính.
Ông Đào Văn Lực, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cẩm Vũ cho biết từ nhỏ ông đã nghe các cụ trong làng kể lại vào thế kỷ XVII làng có người con gái tên là Ngọc La nết na, thông minh được nhà vua lấy làm vợ.
Sau này nhà vua thuận theo mong muốn của nàng đã cử quan quân về xây dựng một ngôi chùa trăm gian theo kiến trúc "nội công ngoại quốc" độc đáo với nhiều tượng phật. Trong các tác phẩm điêu khắc về Phật giáo ở chùa có tòa tháp CPLH bằng đá cao 2,01m được chạm trổ tinh xảo, có tượng Phật Thích ca ngồi trên đài sen.
Trước kia, chùa Trung Sơn từng là ngôi chùa lớn trong vùng. Năm 1956, ngôi chùa và các công trình phụ trợ bị hạ giải để xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Sau này, ngôi chùa nhiều lần được dựng lại vào các năm 1982, 1990, 1995. Đến năm 2010, ngôi chùa mới được chính quyền địa phương và nhân dân chung tay xây dựng khang trang như ngày nay với diện tích khoảng 2.700 m2 trên vị trí cũ.
Khi hạ giải ngôi chùa năm 1956, nhiều cổ vật, bia đá trong chùa đã bị thất lạc, bị đem nung vôi. Nhiều người cao tuổi trong làng nhớ lại trước kia tháp CPLH từng bị người làng sử dụng làm cột buộc trâu. Sau này, tòa tháp mới được trả lại đúng vị trí. Hiện nay, tháp được đặt ở trong lầu CPLH, đối diện với lầu chuông ở sân chùa.
Ý nghĩa nghệ thuật, lịch sử
Tại Việt Nam, không nhiều chùa có tháp CPLH. Tác phẩm kiến trúc, nghệ thuật độc đáo này chỉ được dựng ở những ngôi chùa lớn.
Theo quan niệm của Phật giáo, 9 tầng tháp CPLH biểu trưng cho 9 tầng trời, nơi giao thoa giữa các cõi trời - cõi đất - cõi niết bàn (thế giới Phật) - cõi vô thường (thế giới con người). Tháp CPLH không chỉ mang thông điệp từ bi, vị tha, bác ái của đạo Phật mà còn biểu hiện thế giới thanh tịnh của đức Phật, ghi dấu sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm.
Căn cứ các hoa văn trên tháp CPLH, bước đầu xác định tháp CPLH xuất hiện từ thời hậu Lê vào thế kỷ XVII. Tòa tháp được tạc từ đá xám xanh, cao 2,01 m, tầng cao nhất mỗi cạnh dài 0,14 m, tầng thấp nhất mỗi cạnh 0,23 m. Tháp CPLH hình lăng trụ lục giác 9 tầng, đỉnh chạm tòa sen hình trụ tròn gồm các lớp cánh sen nổi đan xen.
Chân tòa sen 6 mặt khắc các chữ Hán, mỗi chữ trong ô vuông cách nhau với phiên âm "Cửu phẩm liên hoa, Di Đà cảnh giới, chư Phật Bồ Tát, tam phủ Thánh Hiền bảo tòa", nghĩa là "Tòa báu chín tầng hoa sen, cảnh giới Di Đà, chư Phật Bồ Tát, tam phủ Thánh Hiền".
Tiếp dưới các tầng hoa sen, mỗi tầng một tòa cánh sen tròn cách điệu, 6 mặt đua mái. Mỗi mặt đều chạm phù điêu hình Phật với dáng ngồi thiền khoanh chân, hai tay khoanh trước bụng tụng kinh, các nếp y phục mềm mại. Tầng chân tháp mỗi mặt chạm phù điêu hình người ngồi dạng hai chân, gập gối, hai tay nâng đỡ tòa sen vẻ nặng nhọc. Trên đỉnh tòa tháp là tượng Phật bằng gỗ.
Qua bao thăng trầm thời gian, đến nay, tòa tháp đã bị một số hư hỏng nhỏ. Tay của bức tượng gỗ trên đỉnh tòa tháp đã bị gẫy. Ở chân tòa tháp xuất hiện một số vết nứt. Giống như các tòa CPLH khác, trước kia tòa tháp đá ở chùa Trung Sơn cũng có thể xoay tròn quanh trục ở tâm của tòa tháp. Tuy nhiên tòa tháp nay đã hư hỏng, vì vậy khi xây lầu tháp người ta đã chôn chặt tháp CPLH xuống nền, tầng cuối cùng chỉ nổi lên mặt đất một phần nên tòa tháp không quay được nữa.
Theo thống kê của tác giả Trang Thanh Hiền, một cây bút trong ngành phê bình và lịch sử mỹ thuật Việt Nam, tác giả cuốn "Cửu phẩm liên hoa trong kiến trúc cổ Việt Nam" do Nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2009 thì cả nước chỉ có 10 chùa có tháp CPLH có niên đại từ thế kỷ 17-20.
Trong đó 6 chùa còn giữ được tòa tháp tương đối nguyên vẹn, các chùa còn lại tòa tháp không còn, chỉ còn vài mảnh vỡ hoặc còn phần đỉnh tháp. Thống kê này có thể không chính xác tuyệt đối nhưng có thể thấy số tháp CPLH tại Việt Nam còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn không nhiều và tháp CPLH bằng đá tại chùa Trung Sơn thuộc hàng cổ nhất.
VIỆT QUỲNH