Độc đáo chùa cổ Vạn Tuế

03/06/2020 14:20

Chùa Vạn Tuế, xã Tân Việt (Thanh Hà) là một ngôi chùa cổ với quy mô lớn, kiến trúc gỗ độc đáo và còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý.


Năm 2019, chùa Vạn Tuế được xếp hạng cấp tỉnh thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật

Chùa Vạn Tuế, xã Tân Việt (Thanh Hà) là một ngôi chùa cổ có quy mô lớn, kết cấu vững chãi theo kỹ thuật truyền thống, hình khối thanh thoát, hài hòa, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên các bộ phận kiến trúc. Năm 2019, chùa được xếp hạng cấp tỉnh thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật.

Kiến trúc gỗ độc đáo

Theo bia ký, chùa Vạn Tuế khởi dựng từ trước năm Vĩnh Thịnh 2 (1706). Năm Cảnh Hưng 41 (1780), hậu đường được làm mới lại. Các năm Minh Mạng 7 (1826), Thiệu Trị 6 (1846), Tự Đức 15 (1862)... ngôi chùa được trùng tu tôn tạo, kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện, chất liệu bằng gỗ tứ thiết.

Tòa tiền đường dài 12, 67 m, rộng 5, 69 m, dựng trên nền cao cách mặt sân năm bậc cấp bằng đá. Kết cấu bộ khung chịu lực gồm 6 vì kèo kiểu chồng rường, giá chiêng được định vị vững chắc bởi hệ thống cột cái, cột quân và đặt lên các chân tảng đá hình tròn, mặt ngoài chạm nổi các cánh sen. Tại vì nách hai vì kèo gian trung tâm, các con rường thay bằng hai kẻ xối đối xứng nhau nối từ đầu cột cái xuống đầu cột quân, các cột quân cũng không thẳng hàng với cột cái mà đặt sát vào phía tường hồi. Nối giữa hai cột cái là câu đầu. Đặt lên câu đầu là hai trụ trốn có các con rường ăn mộng vào, trụ trốn đứng thẳng đỡ một con rường rồi đỡ thượng lương. Liên kết ngang tòa nhà là các xà bào soi vỏ măng nối liền các bộ vì thông qua mộng mang cá. Họa tiết chạm khắc, trang trí tập trung tại vì kèo theo một đề tài chung là lá lật trên xà nách, con rường, bông hoa sen trên trụ đấu. Bảy hiên chạm nổi trúc hóa long, mai hóa long ở hai mặt, đầu bẩy khắc chữ Thọ.

Tiếp sau tiền đường là 3 gian thượng điện dài 9,02 m, rộng 6,67 m, tường xây bít đốc, mái lợp ngói mũi, gồm bốn vì kèo. Vì thứ nhất tạo bởi vì ván mê. Hai bên vì nách chạm nổi lá hóa long ở mặt trước. Vì thứ hai và ba kiểu chồng rường, giá chiêng. Vì thứ tư, vì nách thay các con rường bằng chiếc kẻ chéo tạo thành bộ vì kiểu kẻ chuyền, giá chiêng.

Chùa Vạn Tuế đã trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc gỗ độc đáo với nghệ thuật chạm lộng, chạm kênh bong mang dấu ấn kiến trúc của thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Hiện nay, chùa còn lưu giữ 11 tấm bia đá, là những văn bản được soạn/khắc/dựng ở từng thời kỳ, niên đại khác nhau, trong đó bia soạn/khắc sớm nhất vào năm Vĩnh Thịnh 2 (1706), muộn nhất vào năm Tự Đức 27 (1874). 

Cùng với hệ thống văn bia, tại chùa còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật khác như đại tự, tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao với các pho Tam Thế, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, A Di Đà, Quan Âm Tọa Sơn, Tứ Thiên Vương, Thích Ca Niêm Hoa, A Nan, Ca Diếp, Đức Ông, Thánh Hiền... có niên đại vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn.


Mái hiên chạm nổi trúc hóa long, mai hóa long ở hai mặt, đầu bẩy khắc chữ Thọ

Gắn với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng

Chùa Vạn Tuế là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng góp phần không nhỏ vào những chiến công của nhân dân địa phương, làm rạng rỡ lịch sử cách mạng của vùng đất Hải Dương giàu truyền thống.

Năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Tuệ, cán bộ của Đảng về làng Vạn Tuế tuyên truyền, xây dựng phong trào cách mạng. Đồng chí "vào vai" một nhà sư, mặc áo cà sa trụ trì tại chùa. Trước hồi phải (phía bắc) chùa, đồng chí xây dựng tháp bút, đắp búa đập vào xiềng xích đứt đôi làm biểu tượng của giai cấp công nhân - nông dân đấu tranh chống chế độ xiềng xích, áp bức bóc lột của thực dân Pháp và địa chủ phong kiến. Thời gian trụ trì, đồng chí tuyên truyền cho nhân dân địa phương chống mê tín dị đoan, bài trừ hủ tục lạc hậu và vận động nhân dân làm nghề thủ công, trồng dâu nuôi tằm, đào ngòi tưới tiêu nước, sửa chữa đường sá, khuyến khích thanh niên học võ để chống trộm cắp. Cũng từ chùa Vạn Tuế, đồng chí bắt liên lạc được với cơ sở cách mạng ở Bình Hà, Kim Can.

Tháng 10.1944, sư Trác là cán bộ Việt Minh về chùa hoạt động, bắt liên lạc với ông Nhân, ông Tĩnh, ông Từ, kết nạp các ông vào Việt Minh và thành lập một tổ Việt Minh bí mật tại Vạn Tuế.

Sáng 22.5.1945, đồng chí Trần Cung chủ trì cuộc họp Việt Minh huyện Thanh Hà tại chùa bàn việc cướp chính quyền ở các xã; dự kiến thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện. Cũng tại đây, ngày 25.5.1945, đồng chí thay mặt cho Tỉnh ủy Hải Dương kết nạp đồng chí Nguyễn Duy Thứ, Ngô Xuân Lựu và Dụ Bình vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau lễ kết nạp, đồng chí Trần Cung tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương huyện Thanh Hà, đồng chí Duy Thứ được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ Đảng cộng sản được thành lập tại chùa là tiền thân của Đảng bộ huyện Thanh Hà ngày nay.

Sáng 21.8.1945, huyện bộ Việt Minh Thanh Hà họp tại chùa bàn kế hoạch và tổ chức lực lượng vũ trang giành chính quyền.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), di tích là địa điểm bầu cử Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa của cử tri trong thôn; cơ sở các lớp bình dân học vụ. Đặc biệt, vào đầu năm 1952, dân quân du kích thôn Vạn Tuế phối hợp với dân quân du kích các thôn Ngọc Lộ, Cam Lộ đánh bốt Đại Điền, bắt được hai tù binh Pháp đưa về chùa giam giữ.

Năm 2008, ghi dấu sự kiện nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, UBND huyện Thanh Hà đã xây dựng nhà bia kỷ niệm tại bên trái sân chùa. 

ĐẶNG THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo chùa cổ Vạn Tuế