Độc đáo bánh khẩu sli dược liệu

24/08/2023 20:13

Khẩu sli là một món bánh có từ lâu đời, thường xuất hiện trong các dịp lễ, Tết của người dân Lạng Sơn.

Để phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, chị Triệu Thị Hằng, chủ cơ sở sản xuất bánh khẩu sli ở thôn Na Hoa, xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng đã nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm khẩu sli dược liệu.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm bánh khẩu sli, chị Hằng cho biết: "Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được mẹ dạy cách làm bánh khẩu sli. Sau này khi lập gia đình riêng, tôi vẫn thường xuyên làm bánh cho người thân, bạn bè cùng thưởng thức. Do được nhiều người yêu thích và đặt mua nên năm 2018, tôi phát triển kinh doanh bánh khẩu sli. Xuất phát từ mong muốn sử dụng các loại nguyên liệu từ tự nhiên để tạo màu cho bánh khẩu sli, giúp cho bánh có màu sắc bắt mắt và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời thu hút nhiều khách hàng hơn nên từ đầu năm 2023, tôi đã nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm bánh khẩu sli dược liệu. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, tôi bán ra khoảng 200 túi bánh (loại 250g)".

Cũng giống với khẩu sli truyền thống, bánh khẩu sli dược liệu được làm từ những nguyên liệu như: gạo nếp, lạc, mật mía… Điểm tạo nên sự khác biệt, độc đáo của bánh chính là công đoạn gạo nếp được ngâm với nước cốt của các loại dược liệu như: gấc, hoa đậu biếc, lá cẩm… Theo đó, các màu sắc như: xanh, cam, tím… của bánh được tạo ra các loại dược liệu thuần tự nhiên, không sử dụng các chất tạo màu, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Để lấy được màu sắc, các loại dược liệu như lá cẩm, hoa đậu biếc, nghệ… được rửa sạch, giã nhuyễn, lọc qua nhiều lần để lấy được nước cốt trong, không có tạp chất.


Chị Triệu Thị Hằng đóng gói bánh khẩu sli

Gạo để làm khẩu sli phải là gạo nếp cái hoa vàng vì loại gạo này khi đồ lên hạt rất trong, mềm mà không hề bị nát, dễ dàng sơ chế cho nhiều công đoạn. Trước hết, gạo nếp được ngâm với nước cốt của các loại cây dược liệu khoảng 6 đến 8 tiếng đồng hồ. Tiếp đó, người chế biến cho gạo vào chõ và mang lên bếp đồ trong khoảng 30 phút. Trước khi đồ, người làm thường dùng đũa tạo thành các lỗ nhỏ trên bề mặt gạo để hơi nước lan tỏa đều giúp cho hạt nếp chín kĩ hơn.

Sơ chế gạo là công đoạn cầu kỳ và quan trọng nhất để tạo ra bánh khẩu sli dược liệu. Sau khi gạo đã được đồ chín và cho ra những màu sắc riêng, người làm tiếp tục để nguội và cho vào tủ lạnh ngăn mát để bảo quản trong khoảng 2 ngày. Theo chia sẻ chị Hằng, việc cho xôi vào tủ lạnh sẽ giúp xôi nhanh khô, hạt gạo không bị nát, và hạn chế được vi khuẩn trong quá trình phơi phóng truyền thống. Sau khi trải qua bước làm khô và từng hạt gạo được tách rời, người làm tiếp tục chiên gạo trong chảo dầu sôi đến khi hạt gạo nổi lên, có hương thơm, độ giòn, xốp nhất định và để nguội.

Để tạo hương vị cho bánh khẩu sli, chị Hằng thường sử dụng mật mía – loại mật được kéo thủ công truyền thống. Theo đó, người chế biến tiến hành chưng mật trên bếp nhỏ đến khi mật mía nóng chảy, tạo thành đường dạng lỏng có màu nâu đậm. Ngoài vị ngọt đặc trưng của mật mía, để tạo ra hương thơm và độ cay nồng tự nhiên, người chế biến sẽ cho thêm vào quá trình chưng mật một chút gừng giã nhuyễn.

Sau khi đã hoàn thành các công đoạn sơ chế, người làm khẩu sli tiếp tục tiến hành trộn đều mật mía hóa lỏng với gạo đã được chiên giòn. Thông thường, trong quá trình này, người làm cho thêm một chút lạc rang giã nhỏ và hạt vừng để khẩu sli có hương vị thơm ngon hơn. Tiếp đó, hỗn hợp vừa trộn đều được người làm bánh cho vào khuôn, ép thành hình trước khi tiến hành cắt thành các miếng bánh nhỏ.

Bánh khẩu sli dược liệu không chỉ có vị ngọt của mật mía, hương thơm và độ cay nồng của gừng, độ giòn tan của gạo mà còn có màu sắc bắt mắt hơn so với khẩu sli truyền thống. Hiện nay, sản phẩm bánh khẩu sli dược liệu được rất nhiều thực khách trong và ngoài huyện tìm mua. Ngoài ra, bánh cũng là sản phẩm được lựa chọn mang đi trưng bày, quảng bá tại các hội nghị, sự kiện của huyện, tỉnh.


Bánh khẩu sli dược liệu thành phẩm

Chị Dương Thị Thu Hồng, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia cho biết: "Mùa hè năm nay, khi đến Hữu Lũng tham quan, du lịch, tôi đã có cơ hội được thưởng thức bánh khẩu sli dược liệu. Tôi vô cùng ấn tượng với màu sắc bắt mắt và hương vị thơm ngon của bánh. Tôi cũng rất an tâm khi biết được màu sắc của khẩu sli được làm từ những nguyên liệu thuần tự nhiên, có lợi cho sức khỏe. Chính vì vậy, tôi thường xuyên đặt mua bánh để thưởng thức hoặc làm quà biếu".

Nhờ sự sáng tạo, biến hóa độc đáo về màu sắc và hương vị thơm ngon, bánh khẩu sli dược liệu đã thành công chinh phục khẩu vị của nhiều khách hàng. Đặc biệt, vào tháng 7.2023, ý tưởng sản xuất bánh khẩu sli dược liệu của cơ sở sản xuất Triệu Thị Hằng đạt giải ba tại Hội thi “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” năm 2023 của huyện Hữu Lũng. Giải thưởng này không chỉ thể hiện được tiềm năng của sản phẩm mà còn góp phần động viên, khuyến khích các cơ sở sản xuất tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm truyền thống để đáp ứng nhu cầu, bắt kịp với xu thế của người tiêu dùng.

“Trong Đông y, các loại cây như: lá cẩm, gấc, hoa đậu biếc… có rất nhiều công dụng với sức khỏe con người. Ví dụ như: quả gấc có nhiều vitamin A có tác dụng làm sáng mắt, đẹp da; lá cẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống oxy hóa; hoa đậu biếc với công dụng làm đẹp da, tốt cho mắt… Những cây này thường được nhiều người sử dụng để tạo màu trong chế biến thực phẩm, với màu sắc tự nhiên như: đỏ, đen, xanh, tím… rất có lợi cho sức khỏe con người bởi tính mát, hương thơm tự nhiên.”

Ông NGUYỄN VĂN DÒN, Chủ tịch Hội Đông y huyện Hữu Lũng

Theo Báo Lạng Sơn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo bánh khẩu sli dược liệu