Đi xe buýt cũ, giá như xe mới

14/07/2019 07:11

Theo đề án của UBND tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt phải thay thế xe cũ bằng xe mới theo thời hạn của giấy phép kinh doanh.

Xe buýt của Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng thường xuyên bỏ chuyến

Nhưng đến nay, nhiều đơn vị vẫn sử dụng xe cũ làm cho những doanh nghiệp đã đầu tư xe mới bức xúc.

Cấp phù hiệu cho xe không đủ điều kiện

Hiện nay có 2 doanh nghiệp cùng khai thác tuyến xe buýt 01, 02 từ TP Hải Dương đi huyện Thanh Hà là Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nam Việt Cường. Trong khi Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nam Việt Cường đã mua 10 xe mới 100% (gồm cả xe dự phòng), mỗi xe 1,2 tỷ đồng thì Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng có 8 xe, toàn bộ đã cũ nát.

Gần đây, Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng còn bị đình chỉ các xe 34L-7535 và 34B-001.60 do chạy sai hành trình, lịch trình. Hiện tại, tuyến 01 Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng chỉ còn 4 xe, tuyến 02 còn 2 xe và đều không có xe dự phòng. Theo quy định, các tuyến này phải có tổng cộng 11 xe (gồm cả xe dự phòng). Do Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng thiếu xe nên gần đây nhiều hành khách đã phản ánh xe buýt của đơn vị này bỏ chuyến. Có thời điểm khách chờ 1 giờ chưa có xe. Thậm chí, chuyến mở bến tại bến xe Hải Tân lúc 6 giờ 10, Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng không bố trí xe chạy. Các xe của công ty này không có điều hòa, nội thất xuống cấp. 

Lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nam Việt Cường cho biết doanh nghiệp không đồng tình khi xe cũ nát và xe mới có chất lượng tốt cùng được phép khai thác với giá vé như nhau. "Chúng tôi đã có đơn đề nghị Sở Giao thông vận tải ưu tiên cho đơn vị đã thay xe mới và có đủ đầu xe chạy riêng tuyến 02. Có như vậy mới bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp", đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nam Việt Cường cho biết.

Không chỉ khai thác tuyến TP Hải Dương - Thanh Hà, Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng còn có nhiều xe chạy tuyến 202 từ TP Hải Dương đi Hà Nội cũng đều đã cũ. Nhiều xe không đủ điều kiện theo cam kết chất lượng dịch vụ nhưng vẫn tiếp tục được cấp phù hiệu để hoạt động.

Công ty TNHH Vận tải hành khách, hàng hóa và Du lịch Việt Bắc khai thác tuyến buýt 06 từ TP Hải Dương đi Bến Trại cũng chưa thay thế bất kỳ phương tiện nào theo đề án của tỉnh.

Doanh nghiệp bức xúc

Hải Dương hiện có 13 doanh nghiệp với 205 xe buýt khai thác 14 tuyến đi tất cả các huyện, thành phố của tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố lân cận.

Theo lộ trình Ðề án "Nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020" của UBND tỉnh, chậm nhất đến khi hết hạn giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp phải thay được 50% số xe. Tiếp theo, 30% số xe cũ phải thay thế trong năm đầu tiên lúc doanh nghiệp được gia hạn giấy phép kinh doanh. Năm thứ hai phải thay thế hết 20% số xe cũ còn lại. Các doanh nghiệp thay thế xe được ưu đãi vốn vay theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Nhưng theo số liệu của Sở Giao thông vận tải, đến ngày 11.7 mới có 72 xe thuộc 8 tuyến được thay thế bằng xe mới toàn bộ. Có 3 xe cũ được thay thế bằng xe cũ hơn. Như vậy, còn tới 130 xe buýt cũ đang hoạt động song song với xe buýt mới. Doanh nghiệp chấp hành tốt quy định của tỉnh phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua xe mới nhưng giá vé chỉ bằng của xe cũ. Điều này khiến các doanh nghiệp thực hiện tốt đề án của UBND tỉnh chịu nhiều thiệt thòi. Tại một số doanh nghiệp đã có cổ đông yêu cầu thoái vốn do đầu tư không hiệu quả. Có doanh nghiệp chây ỳ không thay thế xe mới vì cạnh tranh không sòng phẳng.

Hết năm 2018, có 11 doanh nghiệp xe buýt hết hạn giấy phép kinh doanh. Theo lộ trình của đề án trên, nếu không thay thế xe mới các doanh nghiệp này phải dừng hoạt động để tổ chức đấu thầu cho doanh nghiệp khác đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm vào khai thác. Có doanh nghiệp đã đầu tư xe mới nhưng không triệt để. Có một số tuyến đang do 2 doanh nghiệp cùng khai thác bằng cả xe cũ và xe mới. Đến cuối năm nay, Công ty TNHH Vận tải hành khách, hàng hóa và Du lịch Việt Bắc sẽ hết hạn giấy phép kinh doanh xe buýt nhưng hiện doanh nghiệp chưa có kế hoạch gì để thay xe. Đơn vị này đang có 13 xe cũ chạy tuyến buýt 06 từ Hải Dương đi Bến Trại. "Công ty chưa từng thông báo về việc thay xe mới nên chúng tôi rất bất ngờ khi biết thông tin đến tháng 11.2019 sẽ bị dừng hoạt động theo lộ trình của tỉnh. Tuyến xe khá đông khách, nếu đầu tư xe mới thì phải mới toàn tuyến mới công bằng cho các chủ xe", anh Hoàng C., lái xe tuyến 06 cho biết.

Hải Dương là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách công cộng bằng chủ trương thay thế xe buýt cũ. Chủ trương này đã được người dân nhiệt tình ủng hộ. Nhiều người đã sử dụng xe buýt thay cho xe cá nhân. Theo khảo sát của Sở Giao thông vận tải, lượng hành khách và doanh thu mỗi xe ở các tuyến đã thay xe mới đều tăng. Nhưng còn nhiều doanh nghiệp chưa tích cực thực hiện đề án, cố tình chây ỳ việc thay thế xe mới.

Để tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tỉnh, Sở Giao thông vận tải cần đẩy mạnh tuyên truyền về đề án thay thế xe buýt cũ; cương quyết đình chỉ hoạt động của các xe cũ nát, không đúng cam kết chất lượng.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Đi xe buýt cũ, giá như xe mới