Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: Kết quả còn rất xa mục tiêu

20/09/2019 09:09

Mặc dù đã sắp hết quý III của năm 2019 nhưng số hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp ở tỉnh ta mới đạt khoảng 4% kế hoạch.


Trong 8 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh mới có gần 50 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp

Mặc dù đã sắp hết quý III của năm 2019 nhưng số hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN) ở tỉnh ta mới đạt khoảng 4% kế hoạch. Mục tiêu có 1.200 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN trong năm nay rất khó đạt.

Mới đạt khoảng 4% kế hoạch

Năm 2019, TP Hải Dương được giao chỉ tiêu chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN cao nhất tỉnh với 320 hộ nhưng theo thống kê của Chi cục Thuế TP Hải Dương, từ đầu năm đến nay, thành phố mới có 8 hộ chuyển đổi thành DN. Ông Nguyễn Tuấn Chung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố cho biết: TP Hải Dương hiện có hơn 3.500 hộ kinh doanh, trong đó 377 hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển. Cuối tháng 9 này, đơn vị sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho các hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn quyển về thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh liên quan đến chuyển đổi. Mặc dù vậy, đến nay thành phố vẫn chưa rà soát được có bao nhiêu hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên.

Là địa phương tiêu biểu của tỉnh trong tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, UBND huyện Nam Sách đã xây dựng kế hoạch cụ thể, giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng đơn vị. Đây là huyện đầu tiên trong tỉnh rà soát, đánh giá thực trạng của các hộ kinh doanh. Huyện hiện có 3.774 hộ đăng ký kinh doanh, trong đó có 1.028 hộ đã ngừng hoạt động. Mặc dù có nhiều hộ kinh doanh nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, địa điểm kinh doanh trên đất ở. Các hộ phần lớn bán lẻ hàng tạp hóa, đồ dân dụng, kinh doanh vận tải, bán hàng ăn… “Hiệu quả kinh doanh của các hộ rất thấp. Toàn huyện không có hộ nào sử dụng từ 10 lao động đóng bảo hiểm trở lên và chỉ có 36 hộ có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Mặc dù đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng từ đầu năm đến nay, huyện Nam Sách mới có 3 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN”, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cho biết.

Theo thống kê của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 1.144 DN thành lập, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, bằng 45% kế hoạch năm. Trong đó có gần 50 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, đạt khoảng 4% kế hoạch.


Nhiều hộ kinh doanh có tâm lý lo ngại phải thực hiện các thủ tục khi chuyển đổi thành doanh nghiệp

Cấp huyện chưa tích cực

Qua tìm hiểu, nhiều hộ kinh doanh có tâm lý không muốn chuyển đổi vì ngại làm các thủ tục hành chính, không quen làm việc với các cơ quan chức năng liên quan đến thanh tra, kiểm tra. Các hộ chưa biết các thủ tục mở sổ kế toán, báo cáo tài chính và các nghĩa vụ liên quan khi thành lập DN.

Ngoài nguyên nhân từ phía hộ kinh doanh, còn do chính quyền ở nhiều địa phương chưa tích cực vào cuộc. Mặc dù kế hoạch phát triển DN đã được tỉnh ban hành từ tháng 11.2018, kế hoạch, mục tiêu chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN có từ đầu tháng 4.2019 nhưng theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 6.2019, toàn tỉnh mới có 4 địa phương ban hành được kế hoạch triển khai chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN.

Để triển khai kế hoạch phát triển DN, chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN và nắm bắt một số vấn đề khác có liên quan, từ ngày 15.3-5.6.2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức đoàn làm việc với UBND các huyện, thành phố. Báo cáo kết quả của đoàn làm việc cho thấy nhiều UBND cấp huyện chưa ban hành kế hoạch triển khai phát triển DN theo nội dung kế hoạch của UBND tỉnh. Các giải pháp phát triển DN của nhiều địa phương còn chung chung. Công tác tuyên truyền, vận động chưa tập trung vào quyền lợi của hộ kinh doanh khi được chuyển đổi thành DN nên hiệu quả không cao.

Ông Vũ Huy Cường, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Việc rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các hộ kinh doanh tại các địa phương rất chậm. Hầu hết các huyện, thành phố chưa phối hợp tổ chức các hội nghị, tập huấn, tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Với thực tế triển khai như hiện nay, mục tiêu chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN mà tỉnh đã đề ra rất khó đạt được.

Thời gian tới, ngoài tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo các văn bản của Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh đối DN thành lập, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Các cơ quan thuế, bảo hiểm, lao động ở cấp huyện cần phối hợp tổ chức đối thoại với các chủ hộ kinh doanh, làm rõ việc chuyển đổi được lợi ích gì, Nhà nước hỗ trợ những gì, nêu cụ thể địa điểm nơi hỗ trợ và mức hỗ trợ. Cùng với đó, cần có giải pháp và lộ trình cụ thể trong phát triển hộ kinh doanh thành DN.
Tháng 11.2018, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có từ 16.000 - 17.000 doanh nghiệp. Trong năm nay, tỉnh phấn đấu có 2.500 doanh nghiệp thành lập, trong đó 1.200 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ 100% mức lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp, phí cung cấp thông tin doanh nghiệp theo quy định... Các hộ còn được hỗ trợ 50% phí dịch vụ sử dụng chứng thực chữ ký số trong năm đầu tiên. Ngoài ra, doanh nghiệp mới thành lập được hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, tiếp cận tín dụng...


PHAN ANH

(0) Bình luận
Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: Kết quả còn rất xa mục tiêu