Cấp nhãn hiệu rồi lại thu hồi, Công ty CP Hải Dương Gas điêu đứng

18/09/2019 10:10

Công ty CP Hải Dương Gas sản xuất hàng nghìn vỏ bình gas theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp.

Khi công ty này cho ra lò hàng vạn vỏ bình gas, Cục SHTT lại quyết định thu hồi giấy chứng nhận nhãn hiệu, khiến doanh nghiệp có nguy cơ thiệt hại gần chục tỷ đồng.


Công ty CP Hải Dương Gas đối mặt thiệt hại lớn khi Cục Sở hữu trí tuệ thu hồi giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Dai Hai Petro Gas” 

Cấp rồi lại thu hồi

Theo nội dung đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KHCN) của Công ty CP Hải Dương Gas, ngày 30.1.2015, Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 239620 nhãn hiệu “Dai Hai Petro Gas” cho Công ty CP Hải Dương Gas.

Nhưng rất bất ngờ, ngày 29.6.2017, Cục SHTT có quyết định hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 239620 được cấp trước đó. 

Ngày 4.5.2019, Cục SHTT tiếp tục có quyết định hủy bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 274603 bảo hộ nhãn hiệu “Dai Hai Petro” của Công ty CP Hải Dương Gas mà đơn vị này đã cấp ngày 9.1.2017.

Sau khi được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Dai Hai Petro Gas” và “Dai Hai Petro”, Công ty Hải Dương Gas đã sản xuất và cho ra lò hàng vạn vỏ bình gas nhãn hiệu này.

Lý do Cục SHTT đưa ra để hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu số 274603 và 239620 của Công ty CP Hải Dương Gas vì cho rằng 2 nhãn hiệu trên trùng/tương tự với tên thương mại của một công ty ở Hải Phòng. 

Theo đại diện Công ty CP Hải Dương, vụ việc này được Cục SHTT thụ lý suốt từ 3 năm (từ 2016 - 2019) và ban hành nhiều quyết định khác nhau. 

Ban đầu, Cục SHTT bác bỏ toàn bộ đề xuất của công ty ở Hải Phòng về việc đề nghị hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mà Cục SHTT đã cấp cho Công ty CP Hải Dương Gas.

Thế nhưng sau đó, Cục SHTT lại ra quyết định yêu cầu Công ty CP Hải Dương Gas huỷ bỏ 2 nhãn hiệu “Dai Hai Petro Gas” và “Dai Hai Petro”.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Trường Lộc cho biết, tại mục 5 điểm 39.7 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14.2.2007 sửa đổi đã quy định rõ “nguồn thông tin tối thiếu” mà xét nghiệm viên Cục SHTT phải tra cứu khi đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu gồm: “Trong trường hợp cần thiết có thể tra cứu các nguồn thông tin tham khảo ngoài nguồn thông tin tối thiểu nêu tại điểm 39.7.a như các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại...”.

Như vậy, tên thương mại là nguồn thông tin mà xét nghiệm viên cần xem xét khi đánh giá nhãn hiệu. GCN ĐKNH số 274603 được Cục SHTT cấp cho Công ty CP Hải Dương ngày 9.1.2017 tức là sau thời điểm công ty ở Hải Phòng khiếu nại nội dung trùng, tương tự tên thương mại của họ. 

Điều này cho thấy Cục SHTT biết rõ nguồn thông tin về tên thương mại của công ty ở Hải Phòng và trách nhiệm của xét nghiệm viên, phải xem xét đến “nguồn thông tin tối thiểu” ở cả tên thương mại của bên thứ ba. Thế nhưng, Cục SHTT lại cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 274603 cho Công ty CP Hải Dương Gas.

Luật sư Tuấn phân tích, từ đầu, công ty ở Hải Phòng đã nêu lý do việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Công ty CP Hải Dương Gas tương tự gây nhầm lẫn với tên thương mại và nhãn hiệu của họ. Tuy nhiên thời điểm đó, Cục SHTT đã phản bác toàn bộ ý kiến trên của công ty ở Hải Phòng và cho rằng nhãn hiệu của Công ty CP Hải Dương Gas vẫn được bảo hộ. 

Thiệt hại gần chục tỷ đồng

Đại diện Công ty CP Hải Dương Gas cho biết: “Sau khi Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Công ty CP Hải Dương Gas đã đầu tư kinh doanh số tiền rất lớn vào vỏ bình gas mang nhãn hiệu được bảo hộ như: ký hợp đồng mua vỏ bình, dập chữ nổi trên các bình gas, kiểm định vỏ bình gas mang nhãn hiệu được bảo hộ... Ước tính sơ bộ, số tiền đầu tư vào vỏ bình gas mang nhãn hiệu được bảo hộ của công ty đã lên tới hơn 8,2 tỷ đồng”.

Đối với các vỏ bình gas, do yêu cầu đặc thù trong bảo quản nên tất cả toàn bộ nhãn hiệu đều được công ty in nổi trên vỏ bình nên việc Cục SHTT hủy bỏ hiệu lực của các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp phải tiêu hủy toàn bộ số lượng vỏ bình gas đang lưu hành. 

Công ty CP Hải Dương Gas đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ KHCN xem xét vụ việc một cách thấu đáo, có văn bản chỉ đạo Cục SHTT xem xét toàn diện vụ việc này một cách khách quan theo đúng quy định của pháp luật, tránh ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Theo Tiền phong

(0) Bình luận
Cấp nhãn hiệu rồi lại thu hồi, Công ty CP Hải Dương Gas điêu đứng