Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thích nghi với đại dịch

25/06/2021 06:14

Sau nhiều tháng nỗ lực khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã từng bước xây dựng phương án hoạt động để thích ứng với đại dịch, chủ động vượt qua khó khăn.


Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương không chỉ quan tâm xuất khẩu mà còn tăng cường khai thác thị trường tiêu thụ trong nước với các sản phẩm gia vị sấy khô

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu hàng nông sản của các doanh nghiệp trong thời gian qua. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp không còn bị động, bất ngờ như giai đoạn đầu, thay vào đó là sự chủ động với các phương án, kế hoạch dài hơi để ứng phó, thích nghi với mọi cấp độ của dịch.

Đa dạng sản phẩm, thị trường xuất khẩu

Năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam và bùng phát trên diện rộng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của tỉnh điêu đứng. Hoạt động thu mua, xuất khẩu bị đảo lộn, các doanh nghiệp không bảo đảm được nguồn hàng, thời gian giao hàng cho khách. Nhiều doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch, mục tiêu sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sau nhiều tháng nỗ lực khắc phục, doanh nghiệp đã từng bước xây dựng phương án hoạt động để thích ứng với đại dịch, chủ động vượt qua khó khăn.

Công ty CP Kim Chính ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương) là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn trên địa bàn tỉnh. Thị trường truyền thống của doanh nghiệp này là các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Tiệp Khắc, Hungary, Malaysia, Dubai... Để khắc phục khó khăn, "sống chung với dịch", lãnh đạo doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp bền vững, linh hoạt trong xuất khẩu. Hơn một năm qua, thay vì chú trọng vào một sản phẩm, công ty đã đa dạng hóa, tìm sản phẩm mới để xuất khẩu theo từng mùa vụ. Hiện nay, doanh nghiệp này không chỉ xuất khẩu cà rốt mà còn xuất khẩu chuối, vải thiều và sắp tới là ớt tươi, nhãn...

Cùng với các thị trường sẵn có, công ty đã mở rộng thị trường sang các nước mới. Đặc biệt, 2021 là năm đầu tiên Công ty CP Kim Chính xuất khẩu được vải thiều vào thị trường Anh và Hà Lan. Sắp tới, đơn vị sẽ xuất khẩu nhãn sang các thị trường 2 nước này. Công ty cũng đang chuẩn bị nguồn lực, nguyên liệu để xuất khẩu ớt sang các nước Hàn Quốc, Dubai và Malaysia.

Ông Phạm Ngọc Thức, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Kim Chính chia sẻ trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các quốc gia trên thế giới, việc mở rộng thị trường rất khó khăn, đặc biệt là các thị trường khó tính. Để đáp ứng đơn hàng và yêu cầu khắt khe của đối tác, doanh nghiệp buộc phải chủ động về nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chủ động đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một quốc gia cụ thể. "Chúng tôi đang phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để nghiên cứu tăng thời gian bảo quản hàng hóa nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng khi hàng nông sản vận chuyển đường dài", ông Thức nói.

Những năm trước, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hanh Khánh ở xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) chỉ xuất khẩu cà rốt sang thị trường Hàn Quốc. Hết vụ là dừng xuất khẩu. Tuy nhiên năm 2021, lần đầu tiên doanh nghiệp đã xuất khẩu được vải thiều sang thị trường Hàn Quốc theo đường chính ngạch. "Việc mở rộng thị trường để phân tán rủi ro, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu rất cần thiết để thích nghi với dịch. Chúng tôi đã làm việc với một số đối tác của Singapore và Nhật Bản nên trong những năm tới sẽ xuất khẩu cà rốt và vải sang 2 thị trường này", ông Lê Văn Hanh, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hanh Khánh chia sẻ.         

Từ đầu năm 2021 đến nay, Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) đã điều chỉnh theo hướng tăng các sản phẩm sấy khô, giảm sản lượng nông sản đông lạnh nhằm tận dụng hết nguyên liệu trong xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hàng sấy khô xuất khẩu của doanh nghiệp tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với xuất khẩu, doanh nghiệp đang từng bước khai thác thị trường trong nước với các sản phẩm gia vị sấy khô.


2021 là năm đầu tiên Công ty CP Kim Chính xuất khẩu được vải thiều vào thị trường Anh và Hà Lan

Chủ động nguyên liệu

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi vùng nguyên liệu thuộc địa bàn các địa phương bị phong tỏa bởi dịch. Để không gián đoạn nguồn cung nguyên liệu khi dịch xảy ra cục bộ tại một địa phương cụ thể, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các vùng cung cấp nguyên liệu.

Thay vì nguồn cung trong tỉnh, Công ty CP Kim Chính đã liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu sang nhiều tỉnh, thành phố khác như Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Tuyên Quang... Công ty đã liên kết với một số hộ dân, HTX tại các tỉnh này để quy vùng nguyên liệu trồng hàng trăm ha chuối, cà rốt và ớt.

Trung bình mỗi năm, Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương xuất khẩu từ 5.000 - 6.000 tấn cà rốt. Ông Nguyễn Đức Đoàn, Giám đốc công ty chia sẻ dịch Covid-19 đặt doanh nghiệp trước nhiều thách thức. Để thích nghi, doanh nghiệp buộc phải định hình lại hướng phát triển sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp đã quy hoạch lại vùng nguyên liệu trong tỉnh theo hướng tập trung thành những vùng lớn để có thể chủ động về nhân công, thời gian thu hoạch. Để phân tán rủi ro, công ty vẫn mở rộng địa bàn cung cấp nguyên liệu sang các tỉnh khác nhau. Trước đây, công ty xây dựng vùng trồng tại 3tỉnh thì từ năm2020 đã phát triển thêm 3tỉnh, thành phố khác.

Nông sản là mặt hàng thời vụ, thu hoạch trong thời gian ngắn, dễ bị hỏng. Để đáp ứng được yêu cầu riêng của từng đối tác, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải có quy trình thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản cụ thể, thận trọng trong từng khâu. Việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển được đặc biệt coi trọng. Đặc biệt, hàng nông sản phải bảo quản lạnh nhưng hiện nay tại Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung các đơn vị cung ứng container lạnh còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thích nghi với đại dịch