PVN dự tính mất hơn 2,3 tỷ USD doanh thu, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối xăng dầu cũng đang kêu lỗ nặng.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI giảm 30%, Brent mất 20% trong khi sức ép giảm giá vẫn đè nặng lên dầu thô. Giá dầu thế giới rớt thảm đã tác động trực tiếp, nặng nề lên ngành dầu khí khi hiệu quả khai thác giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí khai thác.
Giàn khoan dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: Hữu Khoa |
Tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho thấy, giá dầu xuống 30 USD một thùng so với mức giá được Quốc hội thông qua và làm cơ sở tính dự toán là 60 USD, doanh thu bán dầu của PVN giảm 2,35 tỷ USD. Đồng nghĩa, khoản tiền nộp ngân sách của tập đoàn này giảm gần 800 triệu USD.
Tại cuộc họp trực tuyến với các đơn vị hồi đầu tuần, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nói "đây là một trong những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử".
Với giá dầu thô trên dưới 30 USD một thùng, nhiều lô hợp đồng của PVN sau khi nộp các loại thuế, doanh thu không đủ bù chi phí. Do đặc thù của các hoạt động dầu khí ngoài khơi thường có các hợp đồng dài hạn, nếu dừng sản xuất thiệt hại nhiều hơn vì vẫn phải trả chi phí dẫn. Ngoài ra, giá dầu giảm làm ảnh hưởng đến giá cung cấp các giàn khoan khi tái ký hợp đồng, đối tác sẽ yêu cầu đàm phán lại giá.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước cũng kêu khó. Hàng tồn kho tăng cao và chênh lệch giá sản phẩm, dầu thô thấp khiến Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) lỗ 313 tỷ đồng trong tháng 2. Luỹ kế 2 tháng đầu năm BSR lỗ 228 tỷ đồng. Tương tự, lượng hàng tồn kho tại Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn lên tới 70-85% và có nguy cơ quá tải kho chứa hàng trong tháng 3.
"Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu chịu tác động kép, giá dầu thô lao dốc làm giá sản phẩm xăng dầu giảm sâu, đồng thời nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trên 30% do ảnh hưởng của Covid-19", ông Sơn cho biết.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của các doanh nghiệp đầu mối cho thấy, có đơn vị chỉ tiêu thụ một nửa hàng so với trước, có đơn vị đã ghi nhận mức lỗ tới 40 tỷ đồng trong 2 tháng qua.
Là đơn vị phân phối xăng dầu ở khu vực phía Bắc, ông Nguyễn Văn Tiu - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xăng dầu Tự lực I cho biết, tiêu thụ hàng đã giảm 25-30%. Để cắt lỗ và đẩy hàng tồn, doanh nghiệp phải tăng mức chiết khấu cho các đại lý lên trên 2.000 đồng một lít, nhưng hàng đẩy đi vẫn rất chậm.
Đổ xăng cho khách hàng tại một trạm bơm xăng tại TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn |
Để đối phó, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nói, PVN vẫn cố gắng duy trì khai thác tại hầu hết dự án và rà soát lại tổng thể các lô dầu khí, giếng khoan, xác định mức giá dầu khả thi. Tập đoàn này cũng tính mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy chờ thị trường ấm trở lại.
Đồng tình với phương án này nhưng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý, biến động thị trường rất khó lường, cần dự đoán chính xác để tránh thua lỗ. "PVN muốn làm được điều này nên tìm những chuyên gia có kinh nghiệm và trình độ để được tư vấn cụ thể, từ đó có thể quyết nhanh, thực hiện nhanh", ông nói.
Còn ông Ngô Trí Long thì cho rằng, PVN cần phải đánh giá nếu nhập dầu về, kho đủ khả năng dự trữ đến đâu, thời gian giảm giá dầu sẽ kéo dài trong bao lâu. "Nếu nhập về giá vẫn tiếp tục giảm sâu, kéo dài thì rất nguy hiểm", ông nói.
Theo ông Lê Đăng Doanh, PVN cũng cần tính đến kịch bản xấu nhất là phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu giá thành khai thác quá cao. "Đây là tình thế bất khả kháng, nếu cần thiết vẫn phải làm", ông nói.
Giá dầu giảm cũng có nghĩa thu ngân sách bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ Dầu khí, than (Bộ Công Thương) cho biết, thu ngân sách dự kiến giảm 800 triệu USD. "Hiện tỷ lệ thu ngân sách từ dầu thô không còn duy trì được như thời kỳ trước, nhưng mức giảm 800 triệu USD là đáng kể. Cân đối ngân sách lúc này tương đối khó khăn", ông nói.
Ngoài doanh thu từ dầu thô giảm sâu, theo ông Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), ngân sách Nhà nước sẽ mất thêm một khoản nữa khi nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu cũng giảm theo.
Để gỡ khó các doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Sơn đề xuất Bộ Tài chính rà soát lại các chính sách thuế, phí như VAT với phân ure, thuế thu nhập doanh nghiệp với hoạt động khai thác dầu khí, cơ chế tài chính cho Quỹ tìm kiếm thăm dò cho các đơn vị liên quan. Tương tự, các doanh nghiệp xăng, dầu cũng mong muốn ngân hàng hỗ trợ giãn nợ khi kinh doanh liên tục lỗ.
Theo VnExpress