Cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu của sản xuất quy mô lớn nên nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ (TCMN) khó có các đơn hàng lớn.
Do có nhiều công đoạn phải làm thủ công nên không ít doanh nghiệp gặp khó khi ký các đơn hàng lớn
Thụ động
Ðầu năm 2017, Công ty TNHH Thương mại Thanh Bình (TP Hải Dương) nhận được đơn hàng đặt mua bàn ghế mỹ nghệ từ một đối tác của Ấn Ðộ. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm không quá khắt khe nên doanh nghiệp vui mừng ký kết hợp đồng. Nhưng khi bắt tay vào sản xuất, doanh nghiệp mới thấy chưa đủ năng lực để có thể giao đủ gần 500 bộ bàn ghế mỗi tháng cho đối tác. Hàng TCMN có nhiều công đoạn phải làm thủ công nên mất nhiều thời gian, công sức. Trong khi đơn hàng quá lớn nên lao động không thể làm kịp để giao hàng đúng hạn. Vì vậy, doanh nghiệp đành phải từ chối ký các đơn hàng tiếp theo.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp TCMN, sở dĩ doanh nghiệp khó tiếp cận đơn hàng lớn là do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thường có quy mô sản xuất nhỏ, khả năng tài chính hạn hẹp. Nhiều doanh nghiệp còn thụ động trong việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp TCMN cũng chưa mạnh dạn tham gia các kỳ hội chợ trong và ngoài nước. Hoặc sản phẩm mang đi giới thiệu chưa được đầu tư xứng tầm. Doanh nghiệp còn chưa chú trọng đầu tư cho tiếp thị, giới thiệu sản phẩm.
Ông Vũ Xuân Thép, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Mỹ nghệ Xuân Thép ở xã Lương Ðiền (Cẩm Giàng) cho biết: “Không phải lúc nào chúng tôi cũng dám nhận làm đơn hàng lớn bởi còn phải cân nhắc năng lực sản xuất, vốn để mua nguyên vật liệu. Sản phẩm TCMN đòi hỏi độ tinh xảo nên khi nhận đơn hàng lớn mà không tuyển thêm được lao động có tay nghề coi như thất bại”.
Các tiêu chuẩn khắt khe của các đơn hàng lớn cũng làm khó không ít doanh nghiệp TCMN, nhất là các đơn hàng xuất khẩu. Các đơn hàng lớn thường đến từ các nước khu vực châu Âu, Mỹ hoặc Australia. Ở những thị trường này quy chuẩn hàng hóa khắt khe hơn so với các thị trường khác. Một số đơn hàng tiêu chuẩn không quá cao về chất lượng thì lại yêu cầu phải giao hàng trong thời gian ngắn. Trong khi đó, doanh nghiệp TCMN của tỉnh quy mô sản xuất nhỏ. Nếu làm các đơn hàng lớn thường phải thuê gia công từ các doanh nghiệp khác, khó kiểm soát chất lượng hàng hóa, thời gian giao hàng bị ảnh hưởng.
Liên kết tạo sức mạnh
Theo ông Mạc Thế Phương, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương), có được đơn hàng đã khó nhưng để thực hiện được các đơn hàng lớn đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN của tỉnh phải thay đổi chiến lược sản xuất. Ðặc biệt, trong điều kiện quy mô sản xuất chưa lớn, năng lực tài chính chưa vững và khả năng tiếp thị, phát triển chưa cao thì các doanh nghiệp phải liên kết lại.
Ông Vũ Ðăng Ban, Phó Giám đốc kinh doanh, Xí nghiệp TCMN xuất khẩu Vân Anh (TPHải Dương) cho biết: “Doanh nghiệp đã từng gặp khó khăn khi tiếp nhận các đơn hàng lớn. Mặc dù vậy, nhờ biết liên kết, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp nhận các đơn hàng lớn. Chúng tôi chủ yếu liên kết với những doanh nghiệp có uy tín cung cấp nguyên liệu. Sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp khác để sản xuất sản phẩm”. Theo ông Ban, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải luôn coi trọng chữ tín. Bởi nếu bỏ qua yếu tố này, rất khó có thể tiếp cận các đơn hàng tiếp theo chứ chưa nói đến các đơn hàng lớn.
Xí nghiệp Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vân Anh sẵn sàng liên kết để làm các đơn hàng lớn
Sản xuất hàng TCMN có nhiều công đoạn làm thủ công nên nếu doanh nghiệp không có tính chuyên môn hóa cao thì khó có thể đáp ứng các đơn hàng. Ðể có thể tự tin nhận các đơn hàng lớn, theo ông Tạ Minh Hùng, chuyên gia xúc tiến thương mại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì các doanh nghiệp TCMN cũng cần tăng tỷ lệ cơ giới hóa, tự động hóa ở một số khâu không cần đến gia công của người lao động nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ marketing tinh nhuệ, biết tìm kiếm các đơn hàng lớn mà doanh nghiệp có thể đáp ứng được. Ðội ngũ lao động có tay nghề, trình độ cao có vai trò rất quan trọng. Do đó doanh nghiệp cần quan tâm đào tạo, truyền nghề, giữ chân lao động có trình độ.
Ðể các doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN của tỉnh có cơ hội phát triển, sẵn sàng tiếp cận các đơn hàng lớn, tỉnh cũng cần lựa chọn sản phẩm của các doanh nghiệp tiêu biểu giới thiệu và quảng bá tại các hội chợ lớn trong và ngoài nước. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm đối tác, bạn hàng và phát triển thị trường. Chính sách hỗ trợ đào tạo lao động, đầu tư vốn để phát triển sản xuất thông qua nguồn kinh phí khuyến công hằng năm cũng cần được tỉnh xem xét.
HẢI MINH