Tình trạng công nhân không quay trở lại làm việc và số công nhân bị mắc Covid-19, công nhân thuộc diện F1 phải cách ly đã khiến nhiều doanh nghiệp ở huyện Tứ Kỳ rơi vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Công ty TNHH GFT áp dụng giải pháp tăng giờ làm thêm, thu gọn dây chuyền làm việc để bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất vì số lao động là F0 tăng
Xáo trộn sản xuất
Công ty TNHH GFT Việt Nam (ở xã Cộng Lạc) chuyên sản xuất đồ chơi xuất khẩu đi Mỹ, Nhật Bản và thị trường châu Âu có hơn 6.300 công nhân, lao động. Hiện công ty này có hơn 1.600 công nhân lao động là F0, F1 đang phải cách ly, điều trị. "Do số lao động nghỉ quá lớn nên nhiều dây chuyền sản xuất của công ty phải tạm dừng hoạt động. Chúng tôi đang cố gắng hoạt động cầm chừng chờ công nhân khỏi bệnh đi làm trở lại" - ông Đào Xuân Khá, Trưởng Phòng Quản lý nhân sự, Công ty TNHH GFT Việt Nam cho biết.
Công ty TNHH Bai Hong (100% vốn Đài Loan) chuyên sản xuất giày xuất khẩu ở xã Nguyên Giáp hiện có trên 1.800 công nhân. Chị Vũ Thị Tươi, Trưởng Phòng Nhân sự, Công ty TNHH Bai Hong nói: "Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, công ty có hơn 400 công nhân mắc Covid-19 phải nghỉ để điều trị, gần 150 F1 cách ly y tế, chưa kể số công nhân bị mắc Covid-19 không báo mà chỉ xin nghỉ với lý do bị ốm. Có thời điểm F0, F1 tại công ty nghỉ lên đến gần 700 người nên xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ và ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Để đáp ứng đơn hàng đã ký, công ty cần tuyển thêm 500 lao động vào làm việc, nhưng đến nay chưa tuyển đủ".
Lãnh đạo huyện Tứ Kỳ kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Công ty TNHH Sees Vina (xã Minh Đức)
Nhiều giải pháp
Để khắc phục tình trạng thiếu lao động, các doanh nghiệp đã điều động nhân sự tại các bộ phận, phân xưởng hỗ trợ nhau; bố trí công nhân làm thêm giờ; đăng tuyển dụng thêm lao động hoặc xin giãn tiến độ giao hàng.
Công ty TNHH Force Unique (xã Cộng Lạc) đã chủ động chuyển từ sản xuất bình thường sang trạng thái “3 tại chỗ”, sẵn sàng chấp nhận chi phí phát sinh để bảo đảm an toàn cho người lao động và chuỗi sản xuất không bị đứt gãy. Hiện có 184 cán bộ, công nhân đang lưu trú tại công ty. Ngoài việc thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch như triển khai xét nghiệm Covid-19 theo định kỳ hằng tuần, khử khuẩn, bảo đảm giãn cách và thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, công ty quan tâm hỗ trợ, động viên người lao động về chi phí sinh hoạt, điều kiện làm việc, thời gian nghỉ ngơi nên công nhân đồng lòng thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, yên tâm ở lại sản xuất.
Anh Bùi Văn Tuấn, công nhân công ty này chia sẻ: “Tính từ đợt dịch thứ ba đến nay, đây là lần thứ tư tôi ăn, ở tại công ty. Chúng tôi ở đây động viên nhau cùng cố gắng góp sức cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 của địa phương và sát cánh cùng doanh nghiệp duy trì sản xuất”.
Công ty TNHH Yejin F&G Vina (ở xã Quang Phục) có hơn 50% trong tổng số 830 công nhân đang nghỉ cách ly theo diện F0 và F1. Gần 1 tháng nay, do thiếu lao động nên nhiều đơn hàng chuẩn bị vào chuyền của công ty phải dừng lại. Chị Vũ Thị Thanh, nhân viên văn phòng công ty nói: "Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi phải sắp xếp lại kế hoạch sản xuất, chia các mã hàng theo thứ tự ưu tiên. Hiện công ty đang thông báo tuyển dụng thêm khoảng 100 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất".
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện Tứ Kỳ, tính đến ngày 6.3, toàn huyện có trên 2.700 công nhân lao động đang làm việc tại 62 doanh nghiệp được xác định là F0 và hàng nghìn F1 phải tạm nghỉ việc để cách ly, điều trị Covid-19. Để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch, hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động trang bị cồn sát khuẩn, khẩu trang, test nhanh và xây dựng phương án làm việc; bố trí chỗ ăn ở bảo đảm; đưa đón công nhân… Các doanh nghiệp tiếp tục tuyên truyền để công nhân không lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh. Vận động công nhân lao động sau khi khỏi bệnh sớm trở lại công ty làm việc, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh.
TRẦN YẾN