Các doanh nghiệp nội ở Hải Dương không ngừng quan tâm cải tạo, nâng cấp và đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa hướng tới mục tiêu xanh hóa trong sản xuất.
Trước đây, khi nói về tự động hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều người chỉ nghĩ đến các doanh nghiệp của nước ngoài có quy mô lớn. Nhưng hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, không ít doanh nghiệp nội đã quan tâm cải tạo, nâng cấp và đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa.
Từ năm 2018 đến nay, Công ty TNHH Long Hải ở TP Hải Dương đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để mua sắm dây chuyền sản xuất tự động, mua hệ thống rô bốt ứng dụng trong sản xuất. Trong đó phải kể đến hệ thống dây chuyền đóng gói nước rau câu tự động, hệ thống dây chuyền tự động để sản xuất các sản phẩm thạch rau câu mới, đặc biệt là hệ thống xử lý nhân dừa tự động. Hiện nay, công ty đã có 4 hệ thống rô bốt tự động để phục vụ công việc sản xuất, đóng gói sản phẩm.
Công ty TNHH May TBT ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) chuyên sản xuất thời trang nữ xuất khẩu là doanh nghiệp may có quy mô trung bình trên địa bàn tỉnh. Hơn chục năm trước, khi mới đi vào hoạt động, doanh nghiệp sử dụng hệ thống máy chạy cơ. Hệ thống này chạy thủ công, không được lập trình sẵn nên chất lượng đường may không ổn định, phụ thuộc phần lớn vào kỹ năng của người dùng. Máy cũng chưa có các tính năng cắt chỉ, làm khuy, vắt sổ nên người dùng tốn nhiều thời gian và công đoạn hơn để hoàn thiện thành phẩm may. Những năm gần đây công ty đã đầu tư chuyển đổi dần sang sử dụng máy may điện tử.
Từ năm 2009, Công ty CP RedstarCera ở TP Chí Linh đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch ốp lát tự động. Đến năm 2019, công ty tiếp tục đầu tư trên 300 tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất gạch ốp lát tự động chuyên sản xuất gach khổ lớn. Đại diện doanh nghiệp này cho biết công ty dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm trong những năm tới. Việc đầu tư dây chuyền sản xuất tự động nhằm nâng cao chất lượng gạch, giảm khoảng 50% nhân công ở các khâu và công suất tăng lên gấp 2 lần.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Quản đốc phân xưởng Phục vụ - Phụ trợ của Công ty TNHH Long Hải, việc đầu tư hệ thống máy móc sản xuất dây chuyền tự động đem lại hiệu quả rất lớn. Cụ thể, dây chuyền đóng gói nước rau câu tự động giúp công ty giảm hơn 100 lao động trực tiếp, đồng thời giúp tăng năng suất lên gấp hai lần so với trước. Theo phân tích của ông Dũng, trước đây các công đoạn xử lý nhân dừa đều vận hành thủ công, việc chuyển tiếp giữa các công đoạn phải đưa ra thùng nhựa và công nhân phải bê vác nên có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong công đoạn luộc dừa, công nhân phải làm thủ công nên khi nồi nấu có nhiệt độ cao dễ gây nguy cơ mất an toàn lao động. “Nhờ áp dụng máy móc, dây chuyền sản xuất tự động mà những vấn đề này đều được giải quyết. Chỉ riêng dây chuyền xử lý nhân dừa tự động đã giúp công ty tiết kiệm nước và chi phí nhân công khoảng 1,7 tỷ đồng mỗi năm”, ông Dũng nói.
Còn theo ông Lê Việt Thụ, Giám đốc Công ty TNHH May TBT, từ khi chuyển đổi máy móc đã khắc phục được các hạn chế của máy may cơ, nâng cao chất lượng, giảm sản phẩm lỗi hỏng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay công ty đã thay thế được khoảng 90% máy may chạy cơ và phấn đấu sẽ thay thế 100% trong năm tới.
Công ty TNHH Chế tạo máy Fuji ở huyện Cẩm Giàng chuyên sản xuất, phân phối các loại máy móc, dây chuyền tự động trong sản xuất công nghiệp như máy bơm keo tự động; máy khắc không dây di động có thể đánh dấu sản phẩm công nghiệp, tạo ra các dấu hiệu vĩnh viễn, chống giả mạo; máy lọc và thu hồi váng dầu tự động sử dụng trong gia công kim loại… Đại diện công ty này cho biết, khách hàng của doanh nghiệp này trước đây chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài nhưng thời gian gần đây doanh nghiệp trong nước đã quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Từ đầu năm đến nay công ty này đã xuất xưởng 26 dây chuyền và 77 máy móc tự động hóa, doanh thu vượt khoảng 15% so với kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Hoàng Lân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế tạo máy Fuji cho biết: “Doanh nghiệp hướng đến mục tiêu góp phần xây dựng nền công nghiệp bền vững với 3 đặc trưng cơ bản: Bảo vệ môi trường - Tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất - Cải tiến 5S tại nơi làm việc".
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp nội, việc đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, tự động hóa trong sản xuất giúp nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, góp phần tăng doanh thu, giảm chi phí và giảm thiểu phát thải ra môi trường, góp phần hướng tới sản xuất bền vững và xanh hóa trong sản xuất.
PHAN ANH - THÀNH LONG