Chủ tịch kiêm tổng giám đốc USABC Ted Osius nhận xét, sự tham gia của 52 doanh nghiệp lớn cho thấy niềm tin của họ vào Việt Nam.
"Các doanh nghiệp Mỹ có sự quan tâm lớn hơn đến khu vực ASEAN, nhất là Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Đây là khu vực trung tâm tăng trưởng, nhiều sôi động", ông nói.
Năm ngoái, Việt Nam đã tăng trưởng 8,02% và dự kiến tăng trên 6% năm nay. Bên cạnh đó, phía USABC cho biết các doanh nghiệp Mỹ cũng có nhu cầu đa dạng hoá chuỗi cung ứng sau Covid-19.
"Chính phủ Mỹ mong muốn hợp tác nhiều hơn với Việt Nam. Chuyến đi của các doanh nghiệp lần này thể hiện cam kết của Mỹ với thị trường Việt Nam vốn nhiều tiềm năng, cơ hội kinh doanh", Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper chia sẻ thêm.
Theo USABC, các công ty Mỹ đang chứng kiến xu hướng tiếp tục mở rộng trung tâm sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam trong các ngành bán dẫn, tiêu dùng nhanh (FMCG), đồ chơi, đồ nội thất, lương thực thực phẩm, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng và chăm sóc sức khoẻ. Bên cạnh đó, lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh cũng chứng kiến sự quan tâm trở lại của cả hai bên.
Phái đoàn doanh nghiệp Mỹ sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính (dự kiến vào chiều mai 22.3), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo nhiều bộ, ngành để thảo luận về các vấn đề liên quan đến chính sách, cơ hội bán hàng, cung ứng và đầu tư. Năm ngoái, thương mại hai nước đạt hơn 120 tỷ USD. Năm nay được kỳ vọng là năm thứ 3 liên tiếp thương mại song phương đạt trên 100 tỷ USD. Tăng trưởng thương mại của hai nước từ khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao đã tăng 360 lần.
Phó Chủ tịch cấp cao USABC Michael W Michalak lưu ý các cuộc họp không chỉ để tăng cường thương mại hàng hoá mà còn thúc đẩy hợp tác sáng tạo. "Đây sẽ là lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất, chúng tôi đang tìm cách để doanh nghiệp Mỹ tập trung khai thác được", ông nói và cho biết đã trao đổi với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về trung tâm sáng tạo đổi mới.
TS Rafael Frankel, đại diện cho Tập đoàn Meta, nói rất ấn tượng về phát triển kinh tế số ở Việt Nam. "Tương lai đầu tư lĩnh vực này sẽ rất xán lạn", ông nói và bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục duy trì mô hình kinh tế mở để phát triển kinh tế số trong 20-30 năm tới.
Đại diện AES, công ty năng lượng nằm trong top 500 công ty lớn nhất Mỹ của Fortune, chia sẻ sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng sẽ mang đến công nghệ lưu trữ năng lượng - giải pháp giúp Việt Nam tích hợp được năng lượng tái tạo, giảm tắc nghẽn, ổn định lưới điện. "Năng lượng là lĩnh vực hợp tác chiến lược giữa hai nước", phía AES nói.
Theo VnExpress