Doanh nghiệp khổ vì mất điện

20/06/2023 13:41

Thời gian qua, các doanh nghiệp trong tỉnh gặp nhiều khó khăn do thiếu điện sản xuất. Để không ảnh hưởng đến đơn hàng, các doanh nghiệp phải chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó.


Công ty TNHH Camex Việt Nam phải thuê 2 máy phát điện công suất lớn với giá 70 triệu đồng/ngày

Đơn hàng bị ảnh hưởng

Công ty TNHH Camex Việt Nam (Ninh Giang) chuyên sản xuất các loại lò xo chính xác, chi tiết dập và các sản phẩm cơ khí. Trung bình mỗi tháng đơn vị này cung ứng khoảng 80 - 90 triệu sản phẩm cho hơn 200 doanh nghiệp. Tuy nhiên do thiếu điện nên sản lượng của đơn vị đã giảm 30%. Lo lắng phải đền bù hợp đồng, doanh nghiệp này đã phải thuê 2 máy phát điện công suất lớn với giá 70 triệu đồng/ngày. Dù biết chi phí tăng cao đồng nghĩa phải bù lỗ nhưng công ty vẫn chấp nhận vì giữ khách hàng.

"Chúng tôi đã thuê máy phát điện nhưng công suất cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu hoạt động của máy móc. Hệ thống điều hoà, quạt mát, điện chiếu sáng phải hạn chế tối đa làm ảnh hưởng lớn đến người lao động. Mỗi ngày mất điện, chúng tôi phải bỏ thêm 20 triệu đồng để mua dầu diesel chạy máy phát. Nếu tình trạng thiếu điện tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp khó có thể duy trì hoạt động", ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH Camex Việt Nam nói.

Công ty TNHH GFT Việt Nam hiện có 2 nhà máy ở huyện Thanh Miện và Tứ Kỳ với trên 11.000 công nhân. Cũng vì thiếu điện, công ty chỉ duy trì được 1/5 công suất. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp mà còn khiến nguồn thu nhập của người lao động giảm mạnh. Theo ông Đào Xuân Khá, Trưởng Phòng Quản lý nhân sự Công ty TNHH GFT Việt Nam, mỗi ngày mất điện doanh nghiệp chỉ sản xuất được 60.000 sản phẩm, giảm 240.000 sản phẩm so với ngày không bị cắt điện. Nhiều công nhân phải nghỉ làm vì máy phát điện không đáp ứng được nhu cầu hoạt động của cả nhà máy. "Năng lực sản xuất hiện nay của chúng tôi không thể đáp ứng được toàn bộ các đơn hàng đã ký kết. Đơn vị đã chủ động làm việc với các đối tác để bàn phương án giãn thời gian giao hàng", ông Khá cho biết. 

Hiện nay lịch cắt điện giữa các ngày chưa đồng nhất, khung giờ cắt điện cũng chưa hợp lý khiến doanh nghiệp khó bố trí các ca làm việc cho người lao động. Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong tỉnh đề nghị ngành điện cần điều chỉnh kế hoạch và phương án cắt điện hợp lý, ưu tiên cho sản xuất công nghiệp; chủ động phương án phòng ngừa, hạn chế tối đa các sự cố mất điện đột ngột gây thiệt hại cho doanh nghiệp.


Để đối phó với tình trạng mất điện kéo dài, Công ty TNHH Acoutics Vina ở khu công nghiệp Cộng Hoà (Chí Linh) lắp điện năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng

Chủ động thích ứng

Vừa qua, Công ty CP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (chủ đầu tư khu công nghiệp Cộng Hoà) đã tổ chức buổi làm việc với Điện lực TP Chí Linh và các doanh nghiệp để thống nhất các biện pháp ổn định nguồn điện sản xuất. Đây là chủ đầu tư hạ tầng công nghiệp đầu tiên trong tỉnh tổ chức hội nghị này nhằm giải đáp trực tiếp những thắc mắc, lo lắng của doanh nghiệp. Thông qua hội nghị, 9 doanh nghiệp trong khu công nghiệp Cộng Hoà đều nhất trí phương án linh động thời gian làm việc để tránh các giờ cao điểm, hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị không cần thiết. Về lâu dài, các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn điện bổ sung phù hợp như sử dụng điện năng lượng mặt trời, xây dựng trạm phát điện công suất lớn...

Công ty TNHH Acoustic Vina là đơn vị đầu tiên trong khu công nghiệp Cộng Hoà đầu tư xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng. Việc này đã giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh. "Tình trạng thiếu điện cho sản xuất chắc chắn còn kéo dài. Để chủ động nguồn điện, chúng tôi đã lắp hơn 40 tấm pin năng lượng mặt trời cỡ lớn trên mái nhà xưởng, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh", đại diện Công ty TNHH Acoustic Vina cho biết.

Vừa qua, Công ty TNHH Camex Việt Nam cũng đưa ra giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống máy phát điện phục vụ riêng cho các dây chuyền sản xuất. Đối với hệ thống điện chiếu sáng, điều hoà, quạt mát, đơn vị này sẽ sử dụng điện năng lượng mặt trời. "Điều băn khoăn nhất của chúng tôi hiện nay là sự hỗ trợ của các ngành chức năng về cơ chế, chính sách liên quan đến việc đầu tư, lắp đặt điện năng lượng mặt trời và xây dựng trạm phát điện sử dụng dầu diesel", ông Chính chia sẻ. Được biết, công ty này đang băn khoăn lo ngại thủ tục xin cấp phép để lắp đặt hệ thống này rườm rà và cũng chưa biết phải xin sở, ngành nào cấp phép.

Mỗi ngày Hải Dương được phân bổ khoảng 757 MW. Do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện trong tỉnh có thời điểm lên đến 1.150 MW/ngày. Trong đó, sản lượng điện dùng cho ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 70%. Cũng vì nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố nên một số khu vực trong tỉnh đã phải ngừng và giảm cung cấp điện khẩn cấp. Dự kiến tình trạng thiếu điện còn kéo dài, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đề nghị các doanh nghiệp và người dân đồng hành và sẻ chia. Để ứng phó, các doanh nghiệp nên chủ động thay đổi thời gian làm việc, tránh giờ cao điểm; sử dụng điện tiết kiệm, hạn chế dùng các thiết bị không cần thiết.

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp khổ vì mất điện