Chưa khi nào, các doanh nghiệp trong tỉnh lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Trước khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Công ty CP May II Hải Dương tìm nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế nguyên liệu nhập khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa
Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và DN trong tỉnh nói riêng. Đặc biệt, khi TP Hải Dương là một trong những điểm nóng về dịch thì các DN đã khó lại càng thêm khó.
Khó khăn chồng chất
Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chưa khi nào, các DN trong tỉnh lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Là DN dệt may xuất khẩu, mỗi tháng Công ty CP May II Hải Dương (TP Hải Dương) sản xuất từ 100.000 - 150.000 sản phẩm xuất sang châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc. Khi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, công ty gặp nhiều khó khăn trong nhập nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa. Các đơn hàng bị cắt giảm từ 30 - 50%. Việc làm ít dẫn tới thu nhập của người lao động cũng bị giảm từ 20 - 25% so với cuối năm 2019. "Sau hơn 30 năm hoạt động, đây là năm đầu tiên công ty gặp nhiều khó khăn như vậy. Hiện DN chỉ có đơn hàng để công nhân làm việc đến hết tháng 9", ông Đinh Trịnh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP May II Hải Dương cho biết.
Nỗi niềm của ông Dũng cũng giống như nhiều lãnh đạo DN khác. Mặc dù đã cố gắng tìm giải pháp để khắc phục khó khăn nhưng nhiều DN buộc phải cho công nhân tạm nghỉ việc hoặc nghỉ việc luân phiên. Là DN 100% vốn đầu tư Hàn Quốc chuyên sản xuất mũ các loại, Công ty TNHH Embossa Việt Nam (TP Hải Dương) đã hoạt động tại Hải Dương được gần 8 năm nay. Do ảnh hưởng của dịch, 100% số đơn hàng từ Mỹ và các nước châu Âu bị hủy nên công ty buộc phải cho hơn 500công nhân nghỉ việc trong 6 tháng, kể từ ngày 11.4.
Sau khi đợt dịch thứ nhất tạm lắng xuống, các DN bắt đầu khôi phục sản xuất thì dịch bùng phát trở lại. Đặc biệt, DN trong tỉnh càng khó khăn hơn khi TP Hải Dương trở thành điểm nóng về dịch Covid-19.
Công ty CP Trúc Thôn ở TP Chí Linh đã sẵn sàng các thủ tục để xuất khẩu 15.000 m2 gạch granite cao cấp sang Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 9 tới. Theo kế hoạch, giữa tháng 8 vừa qua, các chuyên gia nước ngoài sẽ đến kiểm tra, thẩm định chất lượng sản phẩm lần cuối. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Hải Dương nên các chuyên gia chưa thể sang Việt Nam. Vì thế, chưa biết khi nào công ty này mới xuất khẩu được sản phẩm.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Phần lớn lãnh đạo các DN trong tỉnh đều cho rằng đây là khó khăn chung mà DN buộc phải tìm cách "sống chung với lũ" và chủ động giải pháp ứng phó để vượt qua "bão" dịch này.
Công ty CP Trúc Thôn dự kiến sẽ đàm phán với đối tác nước ngoài ủy quyền cho các chuyên gia trong nước đến thẩm định sản phẩm và công ty sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng gạch xuất khẩu. Công ty CP May II Hải Dương tìm nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế nguyên liệu nhập khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa bằng cách chuyển một số dây chuyền sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ phục vụ chống dịch.
2020 là năm quan trọng triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương của Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương. Đầu tháng 8 vừa qua, công ty này đã hòa thành công tổ máy số 1 vào điện lưới quốc gia và dự kiến sẽ vận hành thương mại vào cuối tháng 9 này. Những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều cán bộ quản lý dự án, chuyên gia chế tạo thiết bị, kỹ sư người nước ngoài chưa thể sang Việt Nam làm việc. Để khắc phục khó khăn, lãnh đạo công ty đã phối hợp với các nhà thầu huy động các chuyên gia và người lao động Trung Quốc có kinh nghiệm đang làm việc cho các dự án nhiệt điện khác trong nước tới hỗ trợ dự án ở Hải Dương và đề nghị các chuyên gia, kỹ sư chưa thể đến làm việc trực tiếp chuyển sang làm việc trực tuyến.
Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến DN, Chính phủ và UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp, chính sách để đồng hành, hỗ trợ DN vượt qua cơn "bĩ cực". Đơn cử như việc đồng ý cho người nước ngoài nhập cảnh, cách ly y tế tại khách sạn trong tỉnh đã giúp tháo gỡ một phần khó khăn về nguồn lao động cho các DN do thiếu nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật là người nước ngoài. Hay như quyết định tạm hoãn các cuộc thanh tra, kiểm tra đã tạo điều kiện cho DN tập trung chống dịch và sản xuất; ngân hàng tạo điều kiện cho DN vay vốn lãi suất ưu đãi để khôi phục sản xuất, kinh doanh...
LAN NGUYỄN