Đoàn Phú Tứ là nhà thơ, dịch giả và nhà soạn kịch của văn học hiện đại Việt Nam.
Nhà thơ, dịch giả, nhà soạn kịch Đoàn Phú Tứ
Những tác phẩm do ông sáng tác và dịch thuật đã để lại những dấu ấn không phai trong lòng công chúng nhiều thế hệ. Ông mất ngày 20.9.1989, cách đây tròn 30 năm.
Cây bút tài hoa đi đầu trong văn, thơ, kịch nghệ
Cuộc đời ông, cho đến tận cuối cùng vẫn nghèo khổ, trầm luân, nhưng những câu chuyện của một thời tuổi trẻ huy hoàng vẫn được không ít người nhắc lại. Năm 1942, Đoàn Phú Tứ là một trong 6 cái tên nổi tiếng, cùng với Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập với những tôn chỉ, mục đích đổi mới trong sáng tác văn học nghệ thuật. Xuân Thu nhã tập tìm cách tháo gỡ những bế tắc, từ cái “Tôi” quanh quẩn của đội ngũ văn học trẻ lúc đó, hướng tới cái “Ta” gắn kết với cộng đồng.
Trước khi đi theo cách mạng hoạt động kháng chiến, năm 1945, ông nổi lên như một ngôi sao sáng trên văn đàn thi ca với bài thơ “Màu thời gian”. “Màu thời gian” được coi là tiêu biểu cho sự đổi mới về cả hình thức lẫn nội dung, mà Xuân thu nhã tập theo đuổi. Khi viết lời bình cho “Màu thời gian” trong “Thi nhân Việt Nam” tác giả Hoài Thanh đã có một nhận xét tinh tế: “Hiện tại chỉ mờ mờ nhạt nhạt, nhưng càng đi xa về quá khứ, câu thơ càng thiết tha, càng rực rỡ. Nhất là từ chỗ ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn, câu thơ đẹp vô cùng”. Ngay sau đó “Màu thời gian” được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc, ca khúc phổ cập nhanh chóng trong giới trí thức học sinh, sinh viên.
Không chỉ làm thơ, Đoàn Phú Tứ còn là một trong những người mở đầu cho nền sân khấu nước nhà qua gần 20 vở kịch nói. Đặc biệt, vào năm 1937, khi mới 27 tuổi, ông đã gây tiếng vang lớn qua hai vở kịch “Ngã ba” và “Thằng cuội ngồi gốc cây đa” và đạt tới ngôi vị hàng đầu của đội ngũ kịch tác gia cùng với Thế Lữ, Vũ Đình Long lúc đó.
Ông còn cùng với bạn bè lập ra ban kịch Tinh Hoa và tờ báo Tinh Hoa - với vai trò là chủ bút - tạo nên một không khí hào hứng sôi nổi cho những hoạt động sân khấu nước nhà vào đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước. Ban kịch Tinh hoa tồn tại lâu nhất trong thời đó (8 năm) và đã đi diễn tận Huế, Đà Nẵng, Hội An. Có thể nói đây là đoàn kịch nói bán chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam từ 60 năm trước.
Nhưng đóng góp của ông cho nghệ thuật sân khấu còn hơn thế. Trong cuốn “Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam”, hai tác giả Phan Kế Hoành và Huỳnh Lý đã thừa nhận trước năm 1945 “về mặt sáng tác kịch bản, Vi Huyền Đắc và Đoàn Phú Tứ là những lá cờ đầu”.
Ở tuổi 35, Đoàn Phú Tứ gánh hành trang của mình theo kháng chiến và trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của chính quyền cách mạng (1946). Ông tham gia với nhiều cương vị: giảng viên Trường Nghệ thuật Liên khu IV, Liên khu V, viết kịch và làm báo ở Thanh Hóa.
Năm 1948, ông được cử về Đại Từ, Thái Nguyên làm Tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam và tham gia Thường vụ Đoàn Sân khấu Việt Nam. Thời gian này, ông chuyên tâm sáng tác, giảng dạy và đi thực tế lấy vốn sống để viết kịch. Một năm sau, ông cho xuất bản tập kịch “Trở về”, với nhiều đề tài phong phú phản ánh gương những người chiến sĩ và đồng bào quyết một lòng hy sinh và cống hiến cho cuộc cách mạng trường kỳ gian khổ của dân tộc ta.
Thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam
Năm 1951, ông trở về dạy Đại học Văn khoa và một vài trường tư thục ở Hà Nội. Và một lần tình cờ, ông được mời dạy học ở Trường Albert Sarraut với môn Văn bằng tiếng Pháp và có một hợp đồng dịch sách. Thế là từ đó, với bút danh Tuấn Đô, ông dịch liên tục các tác phẩm văn học và kịch tác gia nước ngoài, như Molie, Shakespeare, Ipxen, De Musset… Chính vì tài năng dịch thuật đó, ông được mời là một trong những thành viên đầu tiên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.
Sau này thôi dạy học, ông toàn tâm toàn ý cho công việc dịch thuật trong suốt 20 năm. Với tài năng văn chương Việt bẩm sinh, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, với bút danh Tuấn Đô, đã có những bản dịch xuất sắc, vang danh một thời như: “Đỏ và Đen” của Stangdan, “Gacgangchuya và Pangtagruyen” của Rabelaise. Hàng chục cuốn sách dịch được đến tay độc giả, cái tên Tuấn Đô nổi lên như một thương hiệu của Nhà Xuất bản văn Học. Nhiều bạn đọc chờ đón sách dịch của ông, nhiều nhà văn cũng tìm đến những bản dịch của ông để tích lũy ngôn ngữ, bởi lẽ văn của ông không những chính xác mà còn đẹp về văn phong và đa dạng về tu từ. Năm 1983, ông đã được Hội Nhà văn Việt Nam tặng Giải thưởng Văn học dịch.
Theo TTXVN