Trong suốt 90 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đoàn kết luôn là một yếu tố quan trọng làm nên sức mạnh to lớn của Đảng.
Hồ Chủ tịch luôn xem đại đoàn kết dân tộc là kim chỉ nam cho mọi hành động. Ảnh: Tư liệu
Trong mỗi bước chuyển của cách mạng, với chủ trương, đường lối đúng đắn và lãnh đạo thống nhất, với sức mạnh của khối đoàn kết từ trung ương xuống cơ sở, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.
“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”
Trong suốt tiến trình xây dựng và phát triển, để bảo đảm vai trò lãnh đạo và xứng đáng là đội tiền phong, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi đoàn kết, thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng, là cơ sở để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Đảng Cộng sản là một bộ phận trong hệ thống chính trị nhưng là lực lượng lãnh đạo, là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân, cho nên “sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”(1).
Từ nhận thức sâu sắc rằng, “đoàn kết làm ra sức mạnh”, “đoàn kết là thắng lợi”, Đảng ta đã không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, để Đảng thực sự là đội tiền phong, bộ tham mưu vững mạnh, người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Cơ sở để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng để “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người” chính là đường lối, quan điểm và Điều lệ của Đảng; là thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc về xây dựng Đảng; là phát huy vai trò gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác cũng như cuộc sống đời thường của đội ngũ cán bộ, đảng viên…
Đoàn kết không chỉ là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, mà còn là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của toàn dân tộc. Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp cho phù hợp với những đối tượng khác nhau, nhưng đại đoàn kết dân tộc luôn được nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng, được xây dựng trên cơ sở lấy lợi ích tối cao của đất nước và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động làm nền tảng; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích gia đình với lợi ích xã hội, lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc.
Đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan điểm, ở tư tưởng mà đã trở thành một chiến lược cách mạng, thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân; và được xây dựng thành một lực lượng có tổ chức, đó chính là Mặt trận Dân tộc thống nhất - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trải qua các tên gọi, nội dung và hình thức tổ chức khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy tụ mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên một khối đoàn kết thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Đó là cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; là chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, đưa miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam ruột thịt. Là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức thành viên tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, thi đua đổi mới sáng tạo; thực hiện giám sát và phản biện xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Có thể thấy đoàn kết chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh lãnh đạo của Đảng, cũng là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Nhờ đó, trải qua bao khó khăn, thử thách, cách mạng Việt Nam đã đi đến được thắng lợi cuối cùng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” (2).
Ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của đoàn kết trong Đảng, trước khi đi xa về cõi vĩnh hằng, Bác đã căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (3).
Phát huy tinh thần đại đoàn kết trong thời đại mới
Tiên phong về trí tuệ; vững vàng về bản lĩnh chính trị; mẫu mực về đạo đức cách mạng và đoàn kết thống nhất trong tư tưởng và hành động của Đảng là yêu cầu khách quan, là nguyên tắc sống còn và cũng là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng càng được củng cố thì sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc càng được tăng cường. Đảng đoàn kết, dân tộc đại đoàn kết sẽ nhân nguồn sức mạnh nội lực để đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
Kế thừa truyền thống vẻ vang, trong hơn 30 năm tiến hành đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng đã luôn coi việc giữ gìn đoàn kết nhất trí trên cơ sở đường lối chính trị và các nguyên tắc xây dựng Đảng là sinh mệnh của Đảng; đã kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết trong Đảng. Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng đều nhấn mạnh vai trò của đoàn kết, coi đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là ở cơ quan lãnh đạo có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng.
Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc”(4). Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải có phẩm chất đạo đức, có vai trò tiên phong, gương mẫu và năng lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phải thực sự công bằng, công tâm trong xử lý công việc, thực sự là trung tâm quy tụ, đoàn kết của tổ chức Đảng, của tập thể cơ quan, đơn vị sẽ góp phần vào việc xây dựng và củng cố khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Đồng thời, chú trọng và kịp thời phát hiện, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng mất đoàn kết từ khi những biểu hiện này mới manh nha; chủ động, cảnh giác và đấu tranh không khoan nhượng với việc lợi dụng những mâu thuẫn trong nội bộ để kích động, chống phá, phá hoại khối đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo quy định; mỗi tổ chức Đảng phải giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo, trong nội bộ trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau…
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vẫn còn một số tổ chức Đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở, không thống nhất giữa nói và làm. Trong khi đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng...
Trong khi đó, tác động của bối cảnh toàn cầu hóa với những thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen; với nhiều diễn biến nhanh chóng, khó lường và phức tạp càng đòi hỏi Đảng phải có quyết tâm chính trị cao, sự đoàn kết thống nhất chặt chẽ để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ. Hơn lúc nào hết, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng càng phải được thể hiện rõ, phải được khẳng định trong thực tiễn để làm cơ sở cho khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần phòng và chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; phòng và chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cùng với đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát biểu tại buổi khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hoá Việt Nam” (tháng 11.2019), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với truyền thống yêu nước, đại đoàn kết và nền tảng lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc, tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa 54 dân tộc anh em trong ngôi nhà chung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục được tăng cường vững chắc.
Thủ tướng nhấn mạnh nguồn lực lớn nhất của Tổ quốc ta chính là gần 100 triệu đồng bào trong và ngoài nước thuộc 54 dân tộc anh em. Truyền thống đại đoàn kết, trên dưới một lòng đã làm nên một sức mạnh vô bờ bến không chỉ trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giữ gìn non sông, bờ cõi trước đây mà còn đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nguy cơ tụt hậu trong phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình ngày nay. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục đoàn kết, không ngừng khơi dậy khát vọng và ý chí, lòng tự hào và tự tôn dân tộc trong toàn dân; khai thác hết những tiềm năng, thế mạnh trong dân để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đưa đất nước ta vững bước trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Theo TTXVN
(1): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.9, tr.368.
(2), (3): Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.15, tr.621-622.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2016, tr.160.