Lợi nhuận từ bán đồ điện giả, nhái cao nên không ít cửa hàng đã trà trộn đồ điện rởm với hàng thật để bán.
Thiếu kiến thức về thiết bị điện khiến nhiều khách hàng mua phải hàng giả nhưng không hay biết (ảnh minh họa)
Trên thị trường đang xuất hiện nhiều đồ điện gia dụng bị làm giả, làm nhái tinh vi khiến cho người tiêu dùng khó lựa chọn sản phẩm, cơ quan chức năng cũng khó phát hiện và xử lý vi phạm.
Khó phân biệt
Chuẩn bị hoàn thiện nhà mới, anh Phạm Văn Tú ở phố Dương Quảng Hàm (TP Hải Dương) mua hàng loạt bóng đèn huỳnh quang dạng ống về lắp đặt. Anh Tú kiểm tra trên bóng đèn không thấy in chìm logo của nhà sản xuất Rạng Đông như những lần trước anh mua. Ngoài vỏ hộp có ghi sản phẩm của Công ty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, nhưng không hề có mã số, mã vạch. "Không chỉ bóng đèn, ổ, phích cắm, nếu không tinh ý rất dễ mua phải thiết bị điện rởm khác. Hiện đồ điện bị làm nhái, làm giả rất tinh vi", anh Tú nói.
Đồ điện bị làm giả nhiều chủ yếu là đèn, dây điện và một số đồ gia dụng như máy đánh trứng, máy xay sinh tố, ấm đun nước siêu tốc, nồi cơm điện, quạt điện... Một số cửa hàng trên các phố Ngân Sơn, Tuy An (TP Hải Dương) bày bán hàng loạt các đồ điện, điện tử của nhiều thương hiệu khác nhau. Đồ điện nhái các thương hiệu nổi tiếng thường được bày lẫn với hàng xịn. Tôi hỏi mua một chiếc máy đánh trứng, chủ một cửa hàng ở ngay đầu phố Ngân Sơn đon đả giới thiệu: "Em mua hàng nhà chị giá rẻ nhất khu này đấy. Em lấy máy có thương hiệu dùng cho bền". Vừa nói chị vừa lấy cho tôi chiếc máy đánh trứng nhãn hiệu Phlips, không quên bảo đây là loại máy bán chạy và có giá chỉ 150.000 đồng. So với giá bán một chiếc máy đánh trứng "cùng thương hiệu" ở siêu thị điện máy HC thì giá chiếc máy đánh trứng này chỉ bằng 1/3. Kiểm tra kỹ hóa ra chiếc máy đánh trứng này là hàng nhái, bên ngoài bao bì ghi tên là Phlips, na ná giống sản phẩm chính hãng của Philips, chỉ thiếu mỗi chữ i.
Theo một cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, đồ điện gia dụng hiện bị làm giả, làm nhái khá nhiều. Lợi nhuận từ bán đồ điện giả, nhái cao nên không ít cửa hàng đã trà trộn đồ điện rởm với hàng thật để bán. Đồ điện của Trung Quốc làm giả khá giống với nhiều thương hiệu nổi tiếng từ bao bì, mẫu mã đến các thông số kỹ thuật. Ngay cả những người có kinh nghiệm cũng rất dễ bị mắc lừa. Anh Vũ Văn Nguyên có kinh nghiệm hơn 10 năm sửa chữa đồ điện ở phố Nguyễn Chí Thanh (TPHải Dương) cho biết: “Hiện nay, thiết bị điện, nhất là đồ gia dụng bị làm giả, làm nhái giỏi đến nỗi có nhiều năm kinh nghiệm như tôi cũng dễ dàng bị qua mặt. Mới hôm trước, có một khách hàng mang nồi cơm điện thương hiệu Cuckoo đến sửa. Nhìn bên ngoài, màu sắc và hình dáng chiếc nồi giống hệt nồi Cuckoo thật nhưng khi mở ra kiểm tra thì chiếc nồi không có phần cảm ứng nhiệt ở nắp, thân; rơ le lại ghi nhãn Trung Quốc. Các bộ phận bảo vệ như dây tiếp mát, cầu chì, điện trở nhiệt đều là đồ rởm, không phải của Hàn Quốc”.
Đừng phó mặc cho thợ điện
Thiết bị điện rởm thường có tuổi thọ ngắn hơn so với các thiết bị thật, hao phí điện năng. Một số thiết bị thường xuyên bị hỏng, nơi tiếp xúc với điện lỏng lẻo, dây điện dễ bị rạn nứt, rò rỉ.
Người buôn thường nhập linh kiện từ Trung Quốc và vận chuyển kèm với một số loại hàng hóa có xuất xứ rõ ràng để dễ qua mắt lực lượng chức năng kiểm soát ở cửa khẩu. Sau khi phân phối về các điểm bán hàng, chủ cửa hàng tự lắp và đóng gói bao bì, dán nhãn để bán. Thậm chí, một số đồ điện gia dụng còn được cung cấp cả tem chống hàng giả rởm để đánh lừa người dùng.
Một số cửa hàng thường có thêm dịch vụ lắp đặt miễn phí nhưng thực chất là đánh tráo sản phẩm giả khi mang đến cho khách hàng. Anh Phan Văn Dũng ở khu Xuất Khẩu, thị trấn Gia Lộc cho biết: "Khi mua tôi kiểm tra kỹ chiếc bình nóng lạnh thương hiệu Ferroli nhưng khi thợ điện mang đến lắp lại là một loại bình nhái có tên Feroli. Tên của loại nhái này chỉ khác loại thật một chữ r. Nếu cứ tin tưởng, không kiểm tra lại thì tôi đã phải trả tiền thật để mua đồ điện rởm về dùng mà không biết".
Nhiều người tiêu dùng ít hiểu biết về thiết bị điện nên thường giao phó hoàn toàn cho thợ điện mua đồ và tự lắp đặt. Do đó, một số thợ điện đã lợi dụng sơ hở này để đánh tráo, thậm chí ngang nhiên mua thiết bị điện rởm về lắp cho người dùng nhưng vẫn lấy tiền với giá của đồ điện thật. Vì vậy, không ít sự cố rò rỉ, chập điện xảy ra do chính thiết bị điện không bảo đảm chất lượng.
Để mua được thiết bị điện bảo đảm chất lượng, người dùng nên kiểm tra thật kỹ các thông tin liên quan đến sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, giấy chứng nhận tem bảo hành, tem chứng nhận QR… Người tiêu dùng cũng cần xem kỹ từng chi tiết trên sản phẩm vì hàng thật luôn thiết kế và chế tạo tinh xảo hơn hàng nhái rất nhiều.
HẢI MINH