Mặt nạ, đèn ông sao, đèn kéo quân... là những đồ chơi Tết Trung thu truyền thống ngày một hiếm, thay vào đó là những đồ chơi kém chất lượng từ Trung Quốc...
Tò he, một đồ chơi Trung thu truyền thống
Gần Tết Trung thu, đến làng Hoàng Giáp, xã An Lâm (Nam Sách), nơi có truyền thống làm tò he từ lâu đời, tôi không còn thấy không khí nhộn nhịp của một làng nghề làm đồ chơi truyền thống cho trẻ em như nhiều người từng kể gần 10 năm trước. Những người cao tuổi trong làng không khỏi chạnh lòng vì sự mai một của món quà không thể thiếu cho trẻ nhỏ nhân dịp Tết Trung thu xưa kia. Bác Phạm Văn Tuyến, người gắn bó với nghề làm tò he đã gần 6 năm nay cho biết: “Cách đây 5 năm, gần đến Tết Trung thu, trẻ con háo hức chờ đợi được ông bà, bố mẹ làm cho những con tò he ngộ nghĩnh, rực rỡ sắc màu để khoe với bạn bè trong đêm hội trăng rằm. Ngày nay, đồ chơi Trung thu bày bán phong phú, đa dạng trên thị trường với nhiều chủng loại hấp dẫn, khiến trẻ nhỏ ngày càng xa rời đồ chơi truyền thống. Những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân được thắp sáng bằng hạt na, hạt bưởi nay hầu như không còn hấp dẫn được trẻ nhỏ”. Tại nhiều vùng quê trong tỉnh, hình ảnh những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng được ông bà, bố mẹ tự tay làm cho các em thiếu nhi cũng gần như không còn. Thay vì dành thời gian làm đồ chơi cho con trẻ, ngay tại các vùng nông thôn, các bậc phụ huynh chỉ cần ra cửa hàng mua mấy món đồ chơi được làm sẵn có xuất xứ từ Trung Quốc.
Dạo qua các cửa hàng bán đồ chơi Trung thu trên đại lộ Hồ Chí Minh và các phố Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa (TP Hải Dương), tôi thấy trong số hàng nghìn đồ chơi được bày bán tại các cửa hàng, đồ chơi Trung thu truyền thống cho trẻ em chiếm một vị trí khiêm tốn, nghèo nàn về chủng loại và kiểu cách. Do đồ chơi truyền thống được rất ít người dân hỏi mua nên các chủ cửa hàng thường ít đem ra trưng bày, chỉ khi nào khách hàng có yêu cầu, chủ cửa hàng mới đưa ra giới thiệu. Các loại đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn giữ nguyên kiểu cách và màu sắc vốn có. Phổ biến nhất là đèn ông sao, con tò he, trống quân, trống bỏi và các loại mặt nạ bằng nan tre được sơn nửa xanh, nửa đỏ hình chú Tễu, chú Cuội, ông địa, đầu lân... Do được làm thủ công cầu kỳ nên giá cả các loại đồ chơi Trung thu truyền thống cũng đắt hơn so với đồ chơi Trung thu có xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài ra, đồ chơi được nhập từ Trung Quốc giá rẻ, nhiều tính năng và màu sắc bắt mắt. Chẳng hạn đèn ông sao truyền thống khá đẹp nhưng khó cạnh tranh được với đèn ông sao của Trung Quốc thắp sáng bằng pin, tiện dụng, không sợ bị cháy lại vừa phát ra tiếng nhạc vui tai, giá cả lại bình dân.
Tần ngần đứng trước một cửa hàng bán đồ chơi trên đại lộ Hồ Chí Minh (TP Hải Dương), anh Đinh Quang Hưng, quê ở xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) chưa biết chọn đồ chơi nào cho con. Anh Hưng cho biết: “Bây giờ tôi thấy toàn đồ chơi Trung Quốc, đủ chủng loại, màu sắc. Tôi định chọn mua mấy món đồ chơi truyền thống cho con nhưng hỏi đến 3 cửa hàng rồi mà không cửa hàng nào bán. Mua đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc tôi lại không yên tâm vì gần đây nghe thông tin nhiều loại đồ chơi Trung Quốc có nhiễm độc”.
Theo các chủ cửa hàng, giá các loại đồ chơi năm nay tăng so với mùa Trung thu năm trước từ 20-30%. Nguyên nhân là do giá cước vận chuyển, giá nhập khẩu tăng nên đẩy giá bán các loại đồ chơi tăng cao.
Người mua cũng như người bán đồ chơi Trung thu truyền thống ngày càng ít đi. Liệu đèn ông sao lấp lánh ánh nến và tiếng trống quân rộn ràng vui tai có còn được trẻ em biết đến vào mỗi dịp Trung thu?
HẢI MINH