Đình Xuân Áng, xã Thanh Xuân (Thanh Hà) có nhiều hiện vật giá trị, đặc biệt là hệ thống bia đá cổ khắc ghi những người công đức đóng góp tiền của tu sửa di tích qua các thời kỳ.
Đình Xuân Áng ngày nay
Đình Xuân Áng thờ vị thành hoàng Nhật Dịch Đại vương giúp vua Lê đánh giặc Chiêm Thành, được tặng phong Thượng đẳng phúc thần.
Tích xưa truyền lại
Theo bản Thần tích - thần sắc lưu trữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội và sự tích lưu truyền tại địa phương, vào thời nhà Lê, tại trang Xuân Áng có người họ Cao, vợ họ Vương thuộc dòng dõi nho gia, luôn tu nhân tích đức. Phiền nỗi, hai ông bà tuổi đã cao mà chưa có con bèn đến chùa làm lễ cầu tự. Một thời gian sau, Vương nương có thai và sinh được 3 người con, 1 trai, 2 gái. Người con trai đặt tên là Nhật Dịch, hai người con gái là Cao Đào và Cao Quế.
Lớn lên, ba anh em đều văn võ song toàn, nổi tiếng một vùng. Năm 20 tuổi, Nhật Dịch tham gia kỳ thi ở kinh thành, đỗ làm quan và giữ chức Thị lang trong triều, sau một năm được thăng chức Lễ Bộ Thượng thư, được nhà vua yêu mến, tin tưởng ban tặng Hiền hầu Thái tử. Ít lâu sau, giặc Chiêm Thành quấy phá biên cương, vua sai Nhật Dịch đem quân chinh phạt. Trên đường tiến quân, khi qua trang Xuân Áng cũng là lúc trời tối, Nhật Dịch cho quân sĩ dừng lại nghỉ ngơi. Thấy nhân dân nơi đây hiền lành chất phác, Nhật Dịch chỉ cách chăn nuôi, làm ăn canh tác.
Sáng hôm sau, Nhật Dịch cất quân đánh giặc. Tài trí mưu lược, chiến đấu kiên cường, Nhật Dịch đã chỉ huy quân lính đánh tan quân giặc. Tin thắng trận báo về, vua Lê rất đỗi vui mừng, mở tiệc xét công ban thưởng. Sau khi nhận chức phong, Nhật Dịch xin vua trở về bản quán. Một hôm, đang hàn huyên với 2 người em gái, Nhật Dịch bỗng thấy trong người khác lạ rồi lâm trọng bệnh và qua đời. Vua Lê vô cùng thương tiếc bậc công thần, tặng phong: Thượng đẳng phúc thần.
Để ghi nhớ công ơn của tướng quân Nhật Dịch, nhân dân làng Xuân Áng đã xây dựng đình tại khu vực ngài đóng quân và tôn làm thành hoàng làng, phụng thờ hương hỏa. Trải qua các triều đại phong kiến, ngài đều được ban thưởng sắc phong, cho phép nhân dân địa phương thờ tự lâu dài với nhiều mỹ tự khác nhau: Đời vua Tự Đức 6 (1853) phong: “Vị thần linh thiêng phù giúp”; đời vua Khải Định 9 (1924) phong: “Vị thần tôn kính là Nhật Hiền hầu Thái tử giúp đỡ, bảo vệ thời trung hưng”.
Dân làng phụng thờ
Xuân Áng - một làng quê thanh bình, trù phú, giàu truyền thống văn hóa. Tương truyền làng hình thành từ rất sớm, con người hội tụ về đây sinh sống từ nhiều dòng họ khác nhau dần hình thành một cộng đồng dân cư cần cù, chịu khó, thông minh và sáng tạo nên đời sống kinh tế, văn hóa phát triển rất nhanh.
Các cụ cao niên kể lại, cách ngày nay khoảng 300 năm làng đã xây được những công trình văn hóa tâm linh to đẹp như đình, chùa, đền, miếu, trong đó đình Xuân Áng được coi là một trong những công trình tâm linh to đẹp nhất. Đình hướng tây nam, kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, kết cấu khung vì bằng gỗ lim bề thế, lợp ngói mũi cổ, đằng trước hai bên sân có 2 dãy dải vũ, mỗi bên 3 gian và 3 gian nhà bia. Ngoài cùng sân đình là nghi môn và giếng hình tròn tạo phong thủy.
Ông Bùi Quang Trung, Trưởng thôn Xuân Áng cho biết, đình Xuân Áng ngoài mang giá trị tâm linh, thời kháng chiến còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Cuối năm 1946, sau khi địch chiếm thị xã Hải Dương, thực dân Pháp cho lập các đồn bốt tại cầu Lai Vu, Phú Lương để bình định và tiến hành các cuộc càn quét, chiếm đóng huyện Kim Thành, đình Xuân Áng là địa điểm được Huyện ủy Kim Thành chọn làm nơi sơ tán của huyện để họp bàn chỉ đạo kháng chiến.
Ngôi đình cũng là nơi diễn ra các lớp Bình dân học vụ hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Năm 1951, thực dân Pháp ném bom, bắn phá làng Xuân Áng, phá hủy nhiều nhà cửa, công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có ngôi đình.
Năm 2002, dân làng đóng góp tiền của, xây dựng lại ngôi đình gồm ba tòa: đại bái 3 gian, trung đình 3 gian và hậu cung 1 gian. Đến năm 2019, được sự cho phép của các cấp, dân làng đã một lần nữa trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình theo kiến trúc cổ trước đây kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung, sau đó kiến tạo các hạng mục phụ trợ tạo cảnh quan như xây nhà bia, cổng nghi môn… tỏ lòng thành kính với vị thành hoàng của làng và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong thôn, ngoài xã.
Trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị chất liệu gỗ, gốm, giấy và đá, trong đó nổi bật có 5 đạo sắc phong thời Nguyễn, 4 tấm bia: “Minh bi ký-tân tạo áp giai miếu đường bi ký” khắc dựng thời hậu Lê (thế kỷ XVIII); “Hậu thần bi ký” dựng năm Bảo Hưng 2 (1802); “Hậu thần bi ký-ức niên hương hỏa” dựng năm Gia Long 6 (1807) và “Hậu thần bi ký” dựng năm Minh Mệnh 14 (1833). Các văn bia được đặt tại nhà bia trong khuôn viên đình, các chữ còn khá rõ, nội dung ghi chép nhiều thông tin có giá trị về quy định điều lệ tế lễ tại đình, quy định thờ hậu thần; các tiết lệ, phẩm vật cho việc phụng thờ thành hoàng, nét sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội ở miền quê Xuân Áng xưa. Trong các văn bia đều ghi nhận sự đóng góp của nhân dân bản xã trong việc tu sửa, tôn tạo đình khá cụ thể, chi tiết, là nguồn tư liệu quý góp phần vào việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử ngôi đình cũng như phục dựng lễ hội truyền thống hiện nay.
Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, đình Xuân Áng vẫn được người dân quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh tháng 1.2018. Để tưởng nhớ công lao của vị thành hoàng làng, hằng năm người dân tổ chức lễ hội vào hai kỳ: 15 tháng giêng kỷ niệm ngày sinh và 3.12 kỷ niệm ngày mất của thành hoàng. Tại lễ hội, nhiều nghi thức tế lễ cùng các trò chơi dân gian phong phú đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia.
NHẬT HỮU