Hiện nay, đình Trữ La ở xã Kim Giang (Cẩm Giàng) đang bị hư hại nặng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Một số cột trong đình đã bị xuống cấp, nghiêng khỏi vị trí cố định ban đầu, bỏ xa hệ thống tường bao rất nguy hiểm
Đình Trữ La ở xã Kim Giang (Cẩm Giàng), được xây dựng từ thời hậu Lê (cuối thế kỷ 18). Nơi đây thờ vị Thành hoàng Đông Hải đại vương tên húy là Đoàn Thượng, danh tướng nổi tiếng cuối thời Lý, đầu thời Trần. Với lối kiến trúc độc đáo, mang đậm nét truyền thống mà ít ngôi đình ở miền Bắc còn giữ được, năm 2006, đình Trữ La đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Kiến trúc độc đáoChúng tôi về thăm đình Trữ La vào một chiều đầu hè. Ngôi đình hơn 300 năm tuổi cổ kính nằm uy nghiêm trên một vùng đất cao ráo, mặt tiền hướng về phía tây nam. Bước qua bậc cửa gỗ đã ngả màu thời gian, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi ngoài kia trời đang nắng rát nhưng trong đình lại dịu mát. Chúng tôi bị cuốn hút bởi hệ thống kiến trúc, điêu khắc độc đáo trong từng chi tiết phía trong ngôi đình. Người dân địa phương cho biết, năm 1916, đình được trùng tu lớn. Vì vậy, ngôi đình mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn, tiêu biểu là nghệ thuật chạm khắc. Kiến trúc ngôi đình theo kiểu chữ "đinh", gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Ở 3 gian giữa tòa đại bái có 4 vì kèo, trong đó độc đáo nhất là 2 vì kèo trung tâm có kết cấu kiểu giá chiêng. Các chi tiết mộc trên 2 vì kèo này như: cột quân, xà lách, các con thuận, cột cái, trụ trốn... đều là những chi tiết chắc khỏe, liên kết với nhau chặt chẽ tạo thành một thế liên hoàn. Tại 2 vì kèo này, còn có nhiều mảng chạm khắc khá tinh xảo thể hiện các bức tranh rồng lá, lá lật sinh động... Đặc biệt, trên 4 đầu dư tại các vì kèo đã được bàn tay khéo léo của các nghệ nhân tạo hình 4 con rồng chạm cách điệu hoa văn triện lá giắt thành đầu rồng với các đường nét mượt mà, sống động. Có thể nói, với lối chạm khắc kênh bong, các nghệ nhân xưa đã biến các chi tiết gỗ khô cứng trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ quy mô đến các chi tiết, thể hiện được lòng thành kính của con người với những linh vật quý. Đây cũng chính là một trong những nét độc đáo trong kiến trúc cổ Việt Nam mà đình Trữ La thể hiện và còn giữ được nguyên trạng, là "hàng hiếm" so với hệ thống các ngôi đình làng quê Việt Nam hiện nay. Ngoài 2 vì kèo trung tâm, các vì kèo ở phía bắc và phía nam ngôi đình cũng có các chi tiết chạm trổ theo kiểu lá lật hết sức tinh xảo, mà cuốn hút nhất là hình chạm những bông hoa sen đang nở phía trên các đấu cột. Toàn bộ chất liệu mộc trong tòa đại bái đều là gỗ tứ thiết, chất lượng tốt, kết cấu theo lối "thượng tứ, hạ ngũ" cùng với hệ thống cửa bức bàn chắn tạo nên một tổng thể vững chãi.
Ngoài phần mộc kể trên, tường của tòa đại bái được xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi hài. Các góc mái phía trên có hình đao kép cong với phù điêu rồng chầu, phượng mớm hết sức nghệ thuật; hình các con sô, con trối trên bờ cách, lạc long trên nóc cũng là những bức phù điêu hết sức sống động.
Phần kết cấu chính của tòa hậu cung cũng gồm 4 vì kèo, trong đó có 2 vì kèo phía trong có lối kiến trúc con chồng giá chiêng và kèo cầu truyền thống. Nghệ thuật chạm khắc nổi bật nhất trong tòa hậu cung là bức chạm 3 chữ nổi "Tối Linh Từ" sơn son thiếp vàng phía trong giá chiêng.
Không chỉ có giá trị nghệ thuật độc đáo, đình Trữ La còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như bia ký, câu đối đại tự khắc trên các cột gỗ trong gian đại bái. Đặc biệt, đình còn giữ được 24 đạo sắc phong từ thời Hậu Lê (thế kỷ 18) đến thời Nguyễn (đầu thế kỷ 20). Ngày nay, người dân địa phương vẫn duy trì việc mở hội đình vào các ngày 14-15 tháng giêng hằng năm. Tại lễ hội, nhân dân tổ chức tục rước thần và tế lễ theo nghi thức truyền thống.
Xuống cấp trầm trọngĐi qua hơn 300 năm, ngôi đình với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo ấy giờ đây đang xuống cấp trầm trọng. Dẫn chúng tôi thăm ngôi đình, ông Bùi Văn Định, Trưởng ban Khánh tiết chịu trách nhiệm về việc tổ chức lễ hội và các hoạt động của đình cho biết, hiện nay tất cả các kèo, cột trong đình đã xuống cấp. Mái ngói bị xô lệch không còn nguyên trạng nên mưa dột, nắng soi khiến cho các vật dụng trong hậu cung bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết. Ngoài ra, do mối mọt, các cánh cửa đã bị hỏng, không còn khít nữa. Trong tòa hậu cung, các chân cột bị mối nên có dấu hiệu xê dịch khỏi vị trí tảng kê. Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay toàn bộ hệ thống mộc trong tòa hậu cung đang bị nghiêng
"Toàn bộ hệ thống mộc trong tòa hậu cung đang bị nghiêng về phía đông, bỏ xa phần tường phía tây hàng chục cm rất nguy hiểm". |
về phía đông, bỏ xa phần tường phía tây hàng chục cm rất nguy hiểm. Thanh xà ngang nối giữa tòa đại bái và hậu cung bị mối ăn lâu ngày đang có nguy cơ gẫy đổ bất cứ lúc nào. Người ta phải sử dụng một chiếc ghế băng đặt ở phía dưới để cảnh báo cho mọi người không được đi vào tòa hậu cung theo lối này để tránh xảy ra tai nạn. Phía trong ngôi đình, tường vữa lâu ngày cũng đã bị bong tróc nham nhở. Ở một số vị trí phía trong, các góc tường đang có dấu hiệu "bỏ nhau", tạo ra những đường nứt nguy hiểm.
Chỉ cho chúng tôi xem những cột, kèo, những hình rồng, hoa sen... có màu thâm đen vì ngấm nước sau trận mưa đêm, ông Dương Văn Hậu, cán bộ văn hóa xã thở dài: "Dù đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia nhưng ngôi đình vẫn chưa nhận được bất kỳ nguồn đầu tư nào để nâng cấp. Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ ngôi đình bị đổ sập rất cao bởi phần mái ngày càng trở nên nặng nề so với hệ thống kèo, cột mục nát vì thời gian và mối mọt. Để nâng cấp ngôi đình cần đến hàng tỷ đồng, địa phương không thể đáp ứng được. Vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng sớm có phương án bảo vệ ngôi đình".
NGỌC THANH