Dinh Tổng đốc (còn gọi là dinh cụ Thượng) là nơi làm việc, đồng thời là nơi sinh hoạt gia đình của quan đầu tỉnh Hải Dương xưa.
Dinh Tổng đốc nay là nhà làm việc của HĐND - UBND tỉnh
Trong ngót một thế kỷ rưỡi, kể từ khi khởi lập Thành Đông (1804) đến khi kết thúc chế độ phong kiến (1945), dinh Tổng đốc đã trải qua nhiều đổi thay cả về vị trí lẫn kiến trúc công trình.
Trước khi Pháp phá Thành Đông (1898), dinh Tổng đốc nằm trong Thành Đông, liền kề với Kỳ Đài và Hành Cung. Những giai thoại giữa phó cối Nguyễn Quý Tân và Nguyễn Công Trứ là xảy ra tại dinh cụ Thượng Trứ trong Thành Đông. Cuộc hát ả đào để mua vui cùng quân sĩ, qua đó Tổng đốc Nguyễn Công Trứ gặp lại bạn cũ Hiệu Thư cũng được tổ chức ở đây.
Tới khi Pháp phá Thành Đông để làm Sở rượu (vì nền đất ở đây cao hơn các nơi khác), tất cả các công trình dân sự của quan lại người Việt phải dạt ra ngoài đến thôn Đông Quan thuộc xã Hàn Giang. Cấu trúc các công trình này vẫn gần như cũ. Trước đây, dinh thự của bốn vị quan đầu tỉnh nằm xung quanh Hành Cung thì nay tất cả các dinh thự đó lại nằm xung quanh Vọng Cung.
Dinh Tổng đốc nằm sát Vọng Cung, trên một mảnh đất rộng chừng 2 ha, có tường gạch bao quanh, bốn góc có bốn chòi canh, mặt trông ra phố Đông Giàng (Quang Trung ngày nay), phía nam giáp với phố Phạm Phú Thứ (nay là phố Đô Lương).
Ở cuối thế kỷ 19, dinh Tổng đốc xây một tầng theo kích thước do Nam triều quy định. Sảnh đường gồm một tòa ba gian, hai chái, dài 4 trượng 5 thước 9 tấc (18,36 mét), rộng 3 trượng 1 thước 3 tấc (12,52 mét), cao 1 trượng 3 thước 6 tấc (5,44 mét). Trong cuốn "Lịch sử thị xã Hải Dương" xuất bản năm 1994 có bức ảnh dinh Tổng đốc 1 tầng này.
Tới thập niên 20 của thế kỷ trước, dinh Tổng đốc đã cũ kỹ, xuống cấp. Trong khi đó Hải Dương đã biến đổi nhanh chóng, trở thành thành phố lớn thứ tư ở Bắc Kỳ, sau Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định. Để phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố khi đó, năm 1927, Tổng đốc Hải Dương đương nhiệm là Nguyễn Huy Tưởng đã không theo lệ cũ, xây dinh Tổng đốc mới theo mẫu thiết kế của một kỹ sư người Pháp, gồm 2 tầng, trông ra hướng đông, cao nhất vùng thời đó, mang dáng dấp kiến trúc châu Âu. Tuy nhiên, cái gốc của kiến trúc Việt vẫn được duy trì: nhà 5 gian, song to lớn rộng rãi và cách điệu hơn nhiều. Trên mái lợp ngói tây nhập từ Pháp, vẫn có hai con rồng chầu mặt trăng biểu tượng của quyền uy phong kiến. Gian phía nam tầng một là nơi làm việc của Tổng đốc. Kề đó, ba gian giữa rộng rãi trang trọng nhất là nơi tiếp đón các quan chức cùng thượng khách. Gian phía bắc tầng một và toàn bộ tầng hai là nơi sinh hoạt của gia đình Tổng đốc.
Nhà có nhiều cửa ra vào và cửa sổ, trông bề thế thoáng mát. Nền nhà và sàn gác lát gạch hoa tráng men màu. Cầu thang bằng gỗ tứ thiết, đánh dầu bóng loáng, uốn lượn quanh co rất đẹp.
Trong dinh cụ Thượng ở phía sau có vườn trồng rau, hồ thả sen, cây đa cổ thụ, khóm tre xanh, am thờ Phật, nước giếng, gợi cảnh êm đềm nơi thôn dã, đồng thời cũng là biểu tượng phong cảnh truyền thống của Việt Nam, cây đa, giếng nước, tre làng.
Sân phía trước là vườn hoa cây cảnh. Trong cổng có tắc môn tức là bức tường chắn cửa xây theo kiểu "cuốn thư, hàm bút". Ở hai bên sân trước là hai dãy nhà một tầng, nơi làm việc của nha lại. Từ dinh Tổng đốc nhìn ra phố Quang Trung, tổng thể kiến trúc có hình chữ U.
85 năm qua (1927 - 2012), dinh Tổng đốc là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của tỉnh nhà. Chiều 17-8-1945, Đảng bộ và nhân dân TP Hải Dương đã nổi dậy tiến hành khởi nghĩa thắng lợi. Tỉnh trưởng Dương Thiệu Tường cùng gia đình bỏ trốn. Phó Tỉnh trưởng Trần Văn Tuyên đã phải trao lại toàn bộ sổ sách, giấy tờ, con dấu... cho lực lượng cách mạng và xin được đi theo cách mạng.
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, sáng 30-10-1954, ông Đào Đức Chính, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản đã nhận bàn giao dinh Tổng đốc (thời điểm này gọi là dinh Tỉnh trưởng) từ phía thực dân Pháp, chấm dứt ách đô hộ của ngoại bang trên đất Hải Dương.
Trải qua 85 năm tồn tại, qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, dinh Tổng đốc xưa vẫn nguyên vẹn và hiện nay là trụ sở HĐND - UBND tỉnh Hải Dương.
Dinh Tổng đốc là một công trình xây dựng kết hợp được cả nét kiến trúc Á - Âu hài hòa cân đối và đẹp, nên đưa vào danh sách các công trình kiến trúc cần bảo tồn.
LƯU ĐỨC Ý