Hiếm có di tích thờ đến 6 vị thành hoàng như đình Tâng thuộc thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên (TP Hải Dương).
Đình Tâng ngày nay
Ngôi đình tọa lạc trên khu đất cao, thoáng rộng, mặt tiền quay về hướng đông nam, một bên là đường liên xóm, một bên là giếng và cây cổ thụ, phía sau là khu dân cư, phía trước là đường và chợ làng khiến cho ai đến đây cũng có cảm giác như đang được hòa mình vào một ngôi làng nông thôn xưa.
Ngọc phả lưu truyền
Đình Tâng thờ 6 vị tướng thời Lý Nam Đế. Theo ngọc phả còn lưu giữ tại địa phương, vào thế kỷ VI, tại trang Lỗ Hạ, phủ Hạ Hồng có một người con gái dung mạo xinh đẹp, tên gọi là Đào Dung. Năm 16 tuổi, Đào Dung nằm mộng thấy một con rồng trắng, một thời gian sau, bà có thai. Đến ngày mồng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn, bà sinh được 6 người con trai, đặt tên là: Cả, Hai, Ba, Tư, Năm và Sáu. Cả 6 người con đều có tư chất thông minh hơn người, đến năm 18 tuổi học đã thành tài, binh thư, kinh sử đều giỏi, tiếng tăm nổi tiếng một vùng.
Năm đó, con gái của vua tên là Tiên Châu đến tuổi lấy chồng. Nhà vua thấy người anh Cả dung mạo sáng ngời, nên cho vời vào kinh và gả con gái cho. Thời gian này, giặc Chiêm Thành ở phía nam thường đem quân sang quấy phá, xâm lấn bờ cõi nước ta khiến nhân dân trong vùng không được yên ổn.
Nhà vua lo lắng, xuống chiếu cho anh Cả cùng 5 người em vào kinh cùng quần thần bàn kế sách đánh giặc. Vua giao cho 6 anh em chỉ huy các đạo quân. Thấy vậy, công chúa cũng xin tự nguyện cùng chồng đi đánh giặc. Ban đêm bà giả làm người nghèo khó tìm cách vào nơi quân giặc đóng để do thám tình hình, gần sáng thì trở về báo với chồng và 5 người em mang quân đến đánh, chém được tướng giặc Vũ Đức Vương làm giặc thua chạy.
Sáu anh em đuổi theo quân giặc đến sông Lục Đầu thì thấy có đám mây vàng từ trên trời bay xuống, 6 anh em theo đám mây ra đến giữa sông thì hóa (mất). Công chúa đau buồn, lập đàn tế lễ. Đến ngày 15 tháng 10, bà trở lại kinh thành, đến làng Tâng Thượng thì ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Con gái trinh tiết chẳng lấy hai đời chồng” và gieo mình xuống sông tự vẫn.
Dọc bờ sông mối đùn lên thành ngôi mộ lớn. Dân làng thấy lạ, hành biểu tâu lên vua. Nhà vua sai sứ về làm lễ, sắc phong công chúa là Tích Hộ Đại vương; sắc phong cho 6 anh em - 6 vị tướng là: Hùng Nghị Đại vương; Đô Vệ Đại vương; Đô Linh Đại vương; Đô Sĩ Đại vương; Đô Lang Đại vương; Đô Úy Đại vương và lệnh cho làng, xã lập đình, miếu phụng thờ. Các triều đại phong kiến sau này đều nghi nhớ công ơn và gia phong cho các vị thần. Sau khi đánh thắng giặc Nguyên, vua Trần Thái Tông tặng phong: “Đương cảnh thành hoàng, phò dực uy dũng, phù hiển chiêm cảm linh ứng, anh triết, đương lộ trợ thuận đại vương”. Đời vua Lê Thái Tổ phong là: “Phổ tố cương nghị anh linh đại vương”.
Quan tâm tôn tạo
Cụ Hồ Văn Thịnh, thành viên ban quản lý đình Tâng cho biết, tương truyền, đình Tâng được xây cất vào thời hậu Lê. Mặt bằng xây dựng theo kiểu chữ Đinh gồm có 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX), đình được trùng tu tôn tạo. Việc trùng tu này do các quan viên, hương lão và các hội chủ trong tổng Thạch Khôi công đức tiền và vật liệu. Họ tên những người công đức khắc vào bia - gọi là bia Hậu thần để lưu truyền. Ngoài đình, công trình còn có nghi môn, trước sân hai bên có hai dãy nhà giải vũ, mỗi dãy 3 gian càng làm cho ngôi đình thêm cổ kính. Trong khuôn viên của đình còn có một ngôi miếu thờ công chúa Tiên Châu.
Thời kỳ tiền khởi nghĩa, đình Tâng là nơi nuôi giấu cán bộ. Tại đây đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, bầu Chủ tịch lâm thời, phát động phong trào “Kháng Nhật cứu nước” tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đình đã trở thành lớp bình dân học vụ cho nhân dân địa phương.
Sau nhiều biến cố, thăng trầm của thời gian và do chiến tranh tàn phá, ngôi đình đã bị hư hại. Năm 1997, cán bộ và nhân dân làng Tranh Đấu đã tiến hành tu sửa và nâng cấp ngôi đình cho xứng đáng với công lao của 6 vị thành hoàng. Năm 2012, đình Tâng tiếp tục được trùng tu, tôn tạo thêm một số hạng mục với kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Ngôi đình hiện nay có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung. Tòa đại bái xây đao tàu déo góc, chính giữa bờ nóc đắp phù điêu lưỡng long chầu nhật, gối đỡ mặt nhật là mặt hổ phù, hai đầu là lạc long ngậm bờ nóc, đuôi vắt ngược lên hồi đấu. Hệ thống cửa thượng song hạ bản, sơn màu nâu đỏ, trang trí hoa văn trên các tấm bưng theo đề tài tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai). Kết cấu bộ khung chịu lực gồm 6 vì kèo, trong đó có 4 vì kèo chính và 2 vì kèo hạ khoảng tại gian dĩ kiểu chồng rường, giá chiêng, chất liệu bằng bê tông cốt thép sơn màu giả gỗ. Họa tiết hoa văn đắp vẽ trên xà nách, con rường, bảy hiên... theo đề tài lá lật, lá hóa long truyền thống.
Trải qua bao biến cố lịch sử, đình Tâng vẫn được nhân dân gìn giữ và tôn tạo khang trang. Ngọc phả về 6 vị thành hoàng trở thành niềm tự hào của nhân dân địa phương. Hiện trong đình còn lưu giữ 2 tấm bia đá, 2 bát hương, 4 ngai thờ và nhiều đồ tế tự cổ khác có giá trị. Ngày 20.1.2015, đình Tâng được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Hằng năm, lễ hội đình Tâng diễn ra từ ngày 15-17 tháng Giêng, trong đó ngày 16 là trọng hội. Sáng ngày 15 tháng Giêng, nhân dân trong làng tổ chức rước kiệu từ đền Vàng, nơi thờ thân mẫu của 6 vị thành hoàng về đình. Ngày 16, nhân dân địa phương dâng hương, tế lễ tưởng niệm, tri ân công lao của các vị thành hoàng. Lễ phẩm dâng gồm mâm xôi, thủ lợn, rượu , trầu cau, hoa quả… Đội tế gồm 21 cụ ông do dân làng cử ra. Nghi thức tế theo trình tự tế 3 tuần hương, 3 tuần rượu rồi đọc chúc, hóa chúc. Khi đọc đến tên húy của 6 vị thành hoàng phải đánh trống, chiêng để không ai nghe thấy thể hiện sự trọng thần. Ngoài rước, tế lễ, trong lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian như đi cầu thùm, bắt vịt và đánh võ…, các tiết mục văn nghệ, hát chèo, quan họ. Do còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, lễ hội đình Tâng thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương về vui xuân, trẩy hội.
ĐẶNG THU THƠM