Đình Quỳnh Khê ở xã Kim Xuyên (Kim Thành, Hải Dương) từng là nơi hội họp bí mật của cán bộ cách mạng và nay là không gian sinh hoạt cộng đồng.
Theo các bậc cao niên trong làng, đình Quỳnh Khê từng là căn cứ hoạt động cách mạng bí mật của cán bộ Việt Minh trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Những năm 1941 – 1945, khi phong trào cách mạng lan rộng về nông thôn, Kim Thành được xem là vùng có phong trào sôi nổi. Đình Quỳnh Khê trở thành điểm tụ họp của cán bộ cách mạng, nơi truyền bá chủ trương, đường lối của Đảng đến quần chúng.
Giờ đây những người có thể nhớ được thời kỳ đó đều đã không còn, người nào tầm 75 tuổi còn minh mẫn chỉ có thể kể lại những chuyện người đi trước truyền lại. Trong trí nhớ của họ, cha ông từng kể hình ảnh các cán bộ mặc áo nâu, đội nón lá, lặng lẽ đến đình vào ban đêm để họp bàn kế hoạch tác chiến. Cũng tại đây, nhiều lớp bình dân học vụ được mở ra sau Cách mạng Tháng Tám, góp phần xóa mù chữ cho người dân, nâng cao dân trí, tạo nền tảng cho công cuộc kháng chiến lâu dài.
Đặc biệt, vào năm 1946, đình được xã Kim Xuyên chọn làm điểm tổ chức bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lá phiếu đầu tiên được bỏ tại nơi này không chỉ thể hiện quyền làm chủ của người dân, mà còn khẳng định vị trí của ngôi đình trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng đất Kim Thành nhiều lần trở thành mục tiêu càn quét của địch. Đình Quỳnh Khê khi ấy vừa là biểu tượng văn hóa, vừa là nơi trú ẩn của cán bộ cách mạng. Nhận thấy tầm quan trọng của địa điểm này, thực dân Pháp đã ra tay phá hoại.
Năm 1953, trong một đợt càn quét quy mô lớn, quân Pháp đã đốt đình Quỳnh Khê, phá hủy phần lớn kiến trúc gỗ nguyên bản. Nhưng không vì thế mà tinh thần kháng chiến của người dân nơi đây bị khuất phục. Ngay cả trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhiều gia đình vẫn âm thầm che giấu cán bộ, tổ chức các hoạt động nuôi giấu quân lương và liên lạc.
Ngày nay, ngôi đình được phục dựng với quy mô 5 gian đại bái, hậu cung được xây bằng chất liệu bền chắc nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp hình “lưỡng long chầu nguyệt”. Nội thất trong đình được bài trí trang nghiêm, gìn giữ nhiều di vật cổ có giá trị, như nhang án gỗ, long đình, bia đá khắc sắc phong thời Nguyễn.
Tình yêu nước của dân làng Quỳnh Khê được nối truyền từ đời này qua đời khác tại mái đình. Tương truyền ngôi đình tôn thờ 3 vị Thành hoàng gồm 1 vị là thiên thần và 2 vị nhân thần họ Đặng ở Quỳnh Khê tên là Đặng Vũ và Đặng Hùng. Đây là các vị đã có công dẹp loạn 12 sứ quân.
Năm 966, đất nước hình thành 12 sứ quân đánh chiếm lẫn nhau. Khoảng năm 967 loạn 12 sứ quân gây ra ở khắp mọi miền đất nước. Đinh Bộ Lĩnh đem quân đi dẹp loạn. Nhờ vào sự mưu trí, dũng cảm của ông nên nhiều sứ quân đem quân về hàng, lực lượng ngày càng lớn mạnh.
Một hôm trong lúc nghỉ ngơi có thiên thần báo mộng rằng: Ở xứ Quỳnh Khê có hai anh em nhà họ Đặng võ nghệ cao cường, tài ba đức độ có thể dẹp loạn, nên tìm 2 người đó và giao họ dẹp loạn thì sẽ chiến thắng. Đinh Bộ Lĩnh vâng lệnh trời đã xuống chiếu cho 2 anh em Đặng Vũ, Đặng Hùng cùng quân lính đi dẹp giặc.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, hai ông Đặng Vũ, Đặng Hùng được vua cho trở về quê lập ấp, dựng làng Quỳnh Khê. Uy danh của 2 ngài được triều đình vua Đinh sắc phong, thưởng công khen chức là “Tổng binh khâm sai Thiên Phúc, Thiên Tài".
Ngày 13/10, trong một chuyến đi từ triều đình về đến đống Lóc của làng Quỳnh Khê, 2 ông Đặng Hùng, Đặng Vũ đã hoá tại đây. Vua nghe tin ban sắc phong Phúc thần Thượng đẳng đại vương. Phong cho vị thiên thần từng báo mộng là Thượng đẳng Đại vương và cho xây dựng miếu thờ tại xã.
Ông Vũ Anh Hưng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quỳnh Khê 2 cho biết việc tôn thờ các nhân vật lịch sử từ thời nhà Đinh cho thấy đình Quỳnh Khê là nơi được hình thành và phát triển có lịch sử từ rất lâu đời.
Sau ngày đất nước thống nhất, đình Quỳnh Khê được người dân địa phương từng bước phục dựng. Năm 1993, tòa đại bái được xây dựng lại bằng công sức đóng góp của bà con trong thôn. Năm 2009, hậu cung được bổ sung thêm, tạo thành tổng thể hài hòa, tôn nghiêm.
Để tưởng nhớ công ơn các vị thành hoàng làng, Lễ hội đình Quỳnh Khê được tổ chức vào 2 ngày 14 và 15/3 âm lịch hằng năm với các hoạt động chính như: sắm sửa lễ vật, tế lễ, rước kiệu quanh làng…
Năm 2016, đình Quỳnh Khê đã được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Không chỉ giữ vai trò là trung tâm tín ngưỡng của làng, đình còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể. Hằng năm, vào các dịp lễ Tết, đặc biệt là ngày hội làng đầu xuân, người dân lại nô nức về đình tế lễ, rước kiệu, tổ chức trò chơi dân gian như bắt vịt trên cạn, thi cờ tướng. Những hoạt động ấy không chỉ là dịp giao lưu cộng đồng mà còn là cách để người dân nhớ về truyền thống yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Ngày nay, trong nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị di tích, chính quyền và nhân dân xã Kim Xuyên thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống tại đình Quỳnh Khê. Tại đây, nhiều buổi nói chuyện lịch sử, hoạt động ngoại khóa của trường học trên địa bàn được tổ chức.
Bà Vũ Thị Thao, một người cao tuổi ở làng Quỳnh Khê cho biết ngôi đình không chỉ là chốn linh thiêng, mà còn là biểu tượng của lòng trung dũng và ý chí vươn lên của người dân Quỳnh Khê trong mọi hoàn cảnh.
PV