Khởi dựng cách đây hơn một thế kỷ, đình Phú An ở xã Cao An (Cẩm Giàng) là điểm tựa văn hóa, tinh thần cho người dân địa phương.
Đình Phú An ngày nay
Thờ thần có công với nước
Theo thần tích, sắc phong, ngọc phả và câu đối, đại tự còn lưu lại, đình Phú An được khởi dựng vào thời Nguyễn (1909), thờ các vị thành hoàng có công với nước là Đô Thiên Đại vương, Tuấn Kiệt Hồng Huân anh linh hiển ứng Tĩnh Nghiệp cư sĩ Đại đô vương chi thần và Bắc Lãng Bạch Đồng Lang Đại Đức tướng quân chi thần.
Vào thời tiền Lý, Thứ sử đất Giao Châu là Tiêu Tư lộng quyền, hà khắc với nhân dân. Lý Bí, một người văn võ toàn tài đã tập hợp binh mã, truyền hịch đi bốn phương kêu gọi người tài ra giúp nước. Khi đến trại Bình Lãng (vùng đất nay thuộc xã Ngọc Liên), Lý Bí thấy khu đất cao ráo, thế đất rồng chầu, hổ phục liền truyền lệnh dựng bản doanh. Đêm đó, Lý Bí nằm mộng thấy 3 vị y mão chỉnh tề, xưng là Đô Thiên, Tả Kiên Đại Đô, Hữu Kiên Thần Đại Đức nói rằng: "Ta phụng mệnh thiên đình, âm phù trừ giặc". Lý Bí tỉnh dậy, biết là thần linh báo mộng, hôm sau làm lễ xuất quân, đánh đâu thắng đó, tiêu diệt hết quân giặc và bắt đại tướng giặc, thu được nhiều khí giới, lương thực. Sau khi đánh tan giặc, Lý Bí cùng tướng sĩ, nhân dân soạn lễ nghi bái tạ chư vị thần linh, truyền cho nhân dân địa phương lập miếu thờ. Xong việc, Lý Bí cho quân trở về, lên ngôi, dựng nước lấy tên là Vạn Xuân.
Đến thời vua Lê Đại Hành, các ngài lại có công âm phù đánh giặc Tống. Thời nhà Trần, nhà vua cử Trần Quốc Tuấn thống lĩnh quân đội để chống giặc Nguyên Mông, các vị đã linh ứng, âm phù để phá tan giặc. Đến thời vua Lê Thái Tổ, các vị tiếp tục phù hộ đánh thắng quân Minh. Với những công trạng đó, các ngài được nhân dân ở nhiều địa phương của Cẩm Giàng ngày nay như Ngọc Liên, Lai Cách, Cao An… thờ cúng, lập làm thành hoàng.
Ngoài các vị trên, đình Phú An còn phối thờ các vị vốn là thành hoàng thuộc làng An Đinh và An Tĩnh (cũ), đây là 2 thôn sau này mới sáp nhập vào thôn Phú An và được người dân thờ chung tại đình Phú An cho đến nay.
Di tích lịch sử, văn hóa
Trước Cách mạng Tháng Tám, lễ hội chính tại đình được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 âm lịch. Trước khi tổ chức, thôn cử đoàn các cụ cao niên đức cao vọng trọng trong làng đến miếu làng Bình Lãng, tổng Ngọc Trục thắp hương dâng lễ lên đức thành hoàng làng ở đây. Sau khi làm lễ, các cụ cao niên của làng cùng với các cụ cao niên của làng Phú An về đình Phú An làm lễ với ý nghĩa giao hảo giữa các địa phương.
Kháng chiến chống Pháp nổ ra, lệ này không được duy trì, lễ hội cũng ngừng tổ chức cho đến những năm 90 của thế kỷ XX mới khôi phục lại, nhân dân địa phương vẫn lấy ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch để tổ chức lễ hội. Theo đó, lễ rước được tổ chức 5 năm 1 lần vào những năm chẵn, những năm lẻ tổ chức dâng hương, thực hiện các nghi lễ theo lệ cũ được truyền lại. Tham dự lễ tế không chỉ có đội tế nam mà còn có cả đội dâng hương nữ. Phần hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như đu quay, chọi gà, cờ tướng, đấu vật, cầu lông… thu hút đông đảo con em quê hương trở về tham gia. Người dân Phú An có câu “Dù ai muôn nẻo đường xa/ Nhớ ngày mở hội tháng ba lại về”.
Không chỉ là di tích văn hóa, ngôi đình còn gắn bó máu thịt với lịch sử chiến đấu và xây dựng quê hương của nhân dân địa phương. Giai đoạn 1930-1945, tại đây diễn ra hội nghị cán bộ Việt Minh vào ngày 16.8.1945, nơi hội họp bàn kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy để chủ động bố trí lực lượng chặn đánh địch, giành chính quyền năm 1945. Từ năm 1945-1954, ngôi đình là nơi diễn ra các hoạt động cứu tế, các lớp bình dân học vụ, nơi tổ chức quyên góp tiền, vàng hưởng ứng “Tuần lễ vàng” để ủng hộ Chính phủ lâm thời... Nơi đây còn là trụ sở của Ủy ban Kháng chiến hành chính và nơi đóng quân của đội du kích, tự vệ xã Cao An trong Chiến dịch “Tiếng sấm đường 5” vang dội.
Năm 1947, thực dân Pháp cho gần 100 lính và xe tăng tấn công vào làng để tiêu diệt bộ đội và du kích, đã làm hư hại toàn bộ ngôi đình. Cùng năm đó, địch xây dựng đồn bốt ngay trên đất ngôi đình cũ. Năm 1954, nhân dân xã Cao An chiếm lại. Từ năm 1967-1976, khu vực này được cải tạo thành HTX và là nơi hội họp của chính quyền, nhân dân xã Cao An. Đến năm 1993, nhân dân địa phương dựng gian nhà nhỏ và sửa chữa nhà văn hóa ở vị trí ngôi đình xưa để làm nơi thờ thành hoàng làng. Đến năm 2006, UBND xã và nhân dân chung tay khôi phục ngôi đình và được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ông Lê Văn Miền, thủ từ ở đây cho biết ngôi đình đã trở thành điểm tựa tâm linh, văn hóa của người dân địa phương, để đi xa ai cũng nhớ về.
BÌNH AN