Đình làng Tứ Kỳ Hạ

14/01/2014 08:42

Đình Tứ Kỳ Hạ ở thôn Tứ Kỳ Hạ, xã Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) nằm trên một khu đất cao, thoáng, rộng, nhìn ra ao đình quanh năm nước xanh trong mát.


Cách đình 100 m về phía đông là chùa Cảnh Linh (di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1998), tạo thành một quần thể di tích lịch sử.



Đình làng Tứ Kỳ Hạ được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1998


Theo tài liệu Thần tích - thần sắc do Hương lý, Kỳ hào làng Tứ Kỳ Hạ kê khai vào năm 1938, hiện lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội (Hà Nội) - đình làng Tứ Kỳ Hạ tôn thờ hai vị Thành hoàng làng có tên huý là Thiện Hộ Thiền Sư Nam Hải và Bảo Đức. Đây là hai vị thần có công bảo vệ xóm làng tránh khỏi tai ương, bảo vệ mùa màng tốt tươi, gia súc, gia cầm không bị dịch bệnh. Ngoài ra, di tích còn thờ Nguyễn Tấn Nghiêm (là nhân thần), người làng Tứ Kỳ Hạ, có công giúp triều đình đánh giặc Xiêm.

Theo các cụ cao tuổi trong làng, trước đây ngôi đình có khuôn viên rộng, bốn mặt được bao bọc bởi ao. Phía trước đình không xa là dòng sông Văn Úc quanh co uốn lượn, nước chảy êm đềm. Đây cũng là đầu mối giao thông quan trọng. Bên phải đình là chợ Mũ. Cách đình 100 m về hướng đông nam là chùa Khánh Linh. Cổng đình được giới hạn bằng hai cột trụ vuông, ngăn cách giữa sân đình và đường làng. Sân đình rộng, ngoài chức năng tạo sự bề thế còn là nơi diễn ra những trò chơi dân gian cũng như những việc chung của cộng đồng. Hai bên sân là hai dãy giải vũ, mỗi dãy ba gian bằng gỗ, mái lợp ngói mũi. Phía sau giải vũ là đình, kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh, gồm 5 gian đại bái, 3 gian trung từ và 3 gian hậu cung, làm bằng gỗ lim. Công trình ẩn hiện dưới tán lá của những cây cổ thụ như đa, thị, tượng trưng cho sự phồn thịnh của một vùng quê.

Trải qua hai cuộc chiến tranh và sự biến động của xã hội, hiện nay, đình làng Tứ Kỳ Hạ có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Di tích có nhiều mảng chạm khắc mang tính nghệ thuật cao thể hiện sự phong phú, đa dạng của đề tài, cùng phong cách thể hiện độc đáo, được khởi dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII), trùng tu vào thời Nguyễn. Tòa đại bái 3 gian được xây dựng kiểu bít đốc thu hồi, mái lợp ngói mũi. Kết cấu bên trong gồm toàn bộ hệ thống cột, xà, hoành, rui bằng gỗ tứ thiết. Liên kết ngang gồm 4 bộ vì chính theo kiểu giá chiêng trên cơ sở con chồng, đấu sen, được chạm khắc lá lật, riêng hai vì gian trung tâm hệ thống con chồng, đấu sen được thay bằng vì ván mê. Mỗi vì kèo có 2 cột cái, một cột quân kê trên đá tảng tròn cao 25 cm (hệ thống xà và các con thuận được gác lên tường, trốn hàng cột quân phía ngoài là một hình thức mở rộng và tiết kiệm vật liệu gỗ). Nối giữa cột cái và cột quân là hệ thống xà nách, trên đầu hai cột cái là câu đầu và hệ thống trụ, con vành tạo thành kiến trúc kiểu con chồng giá chiêng truyền thống. Liên kết dọc gồm hệ thống xà được bào soi vỏ măng nối liền các bộ vì thông qua các mộng mang cá. Thượng lương chắc khỏe, khắc dòng chữ Hán: “Bảo Đại cửu niên tuế thứ Giáp Tuất thập nhị nguyệt nhị thập nhật thụ trụ thượng lương” (dựng trụ thượng lương ngày 20 - 12 năm Giáp Tuất, niên hiệu Bảo Đại thứ 9 năm 1934). Hoành, rui ken đều, lắp ghép cân đối.

Hậu cung 3 gian nối với gian trung tâm tòa đại bái, gồm 4 vì kèo. Vì kèo thứ nhất có chức năng ngăn cách giữa đại bái và hậu cung được kiến tạo là một bức chạm bênh bong đề tài phượng, cuốn thư, lá hóa long ở vì nóc, 2 bên vì nách là hai bức chạm độc long. Dưới bộ vì là bộ cửa kiểu ván bưng, hai bên ra tường hồi xây gạch, tạo sự linh thiêng cho nơi thờ tự, đồng thời tăng độ nhấn cho không gian kiến trúc. Vì thứ hai và vì thứ ba có lối kết cấu giống nhau, kiểu chồng rường, các trụ chạm lá lật kê trên đấu chạm chữ triện, hai bên vì nách thay các con rường bằng vì ván mê kín. Điều đặc biệt của hai vì kèo này, xen kẽ giữa những con rường là những mảng chạm khắc kênh bong nghệ thuật, tạo thành một không gian kín đặc trên vì nách. Có vì nóc chạm rồng với nét mặt đang cười vui vẻ, đao tóc thẳng bay về phía sau mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Lê, có vì nóc chạm hổ phù ngậm chữ thọ, hai tay dang rộng, hai mắt mở to rất sinh động. Vì thứ tư và cũng là gian cuối cùng của hậu cung được kiến tạo hoàn toàn khác. Về mặt kết cấu cũng theo kiểu chồng rường nhưng không trang trí chạm khắc, hai bên hồi tạo ra hai bộ vì nữa đỡ mái kiểu chồng diêm cổ các, vừa có tác dụng tạo độ cao, lấy ánh sáng, chống ẩm thấp vừa tạo được sự đăng đối, hòa nhập với mái tòa đại bái khiến cho công trình trở nên mềm mại và thanh thoát hơn. Để mở rộng lòng nhà và không gian thờ tự, hệ thống các vì kèo của tòa hậu cung chỉ có hai hàng cột cái, trốn hẳn hai hàng cột quân, nối giữa hai hàng cột cái là một chiếc xà ngang thẳng, tròn chạm lá hóa long ở hai đầu.

Ngoài giá trị kiến trúc, tâm linh, đình làng Tứ Kỳ Hạ còn là cơ sở cách mạng của địa phương. Năm 1946 - 1947, hưởng ứng phong trào "Diệt giặc dốt" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, đình làng Tứ Kỳ Hạ là địa điểm mở các lớp bình dân học vụ, góp phần cùng cả nước kháng chiến, kiến quốc thành công. Năm 1948, tiểu đoàn Quốc Tuấn, Đại đội 61, 62 thuộc Trung đoàn 42 của tỉnh Hải Dương và đại đội Nguyễn Huệ (Tứ Kỳ) đóng quân tại đình, họp bàn các phương án đánh giặc. Di tích này cũng là địa điểm các đơn vị trên làm lễ mừng công khi đánh thắng các bốt giặc Pháp, đồng thời làm lễ truy điệu các đồng chí đã hy sinh. Từ năm 1953 - 1954, do phong trào địa phương phát triển mạnh nên thực dân Pháp đã tổ chức nhiều đợt càn quét khốc liệt nhằm triệt phá cơ sở kháng chiến. Tháng 1 - 1953, thực dân Pháp ép dân làng phá hai dãy giải vũ để xây dựng bốt Măng. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đình là địa điểm hội họp của dân quân, du kích xã và kho chứa thóc. Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, mỗi khi có sự lệ liên quan đến việc thờ cúng, hoặc lễ hội truyền thống, mọi người lại tập trung tại đình để họp bàn công việc chung của làng. Di tích còn là trung tâm tín ngưỡng, hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống, duy trì những thuần phong mỹ tục. Lễ hội từng diễn ra tại đình là một bằng chứng xác thực, phản ánh lối sống, nếp sống của một làng quê giàu truyền thống.

Hiện nay, đình làng Tứ Kỳ Hạ còn lưu giữ được một số cổ vật, di vật có chất liệu gỗ, gốm, kim loại, đặc biệt là hai đạo sắc có giá trị về mặt niên đại và văn bản vào các năm Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924).

ĐẶNG THU THƠM


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đình làng Tứ Kỳ Hạ