Trải qua nhiều thăng trầm, đình Đông Quan ở phường Tân Hưng (TP Hải Dương) vẫn giữ được nét chạm khắc đặc trưng, riêng biệt.
Căn cứ kết quả khảo sát, điền dã, thần tích, sắc phong, câu đối, đại tự lưu giữ, đình Đông Quan được khởi dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII), trùng tu lớn vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
Từ ngoài vào là nghi môn, trên sân không có các công trình phụ trợ như nhà khách, giải vũ nên mọi sự chú ý tập trung ngay vào đình chính.
Đây là toà nhà mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, kiến trúc kiểu chữ “Đinh”. Kết cấu phần mộc gồm xà liên kết ngang và xà liên kết dọc.
Xà liên kết ngang gồm 4 vì kèo kiểu “chồng rường” truyền thống. Các vì kèo được kiến tạo công phu, mỗi vì kèo đều có các chi tiết như: bẩy hiên, cột quân, xà nách, cột cái... được lắp khít với nhau bằng hệ thống mang mộng. Hệ thống xà liên kết dọc gồm tàu mái, lá mái, gộp mái, xà thượng… Đặc biệt, hệ thống hoành được tạo dáng vuông chạy đều các gian.
Toà đại bái hiện còn lưu giữ khá nhiều mảng chạm khắc có giá trị. Kỹ thuật chạm nổi thể hiện ở đầu các con rường. Đường cong của lá lật con rường kết hợp với đường thẳng của các trụ trốn tạo nên một bức tranh khắc gỗ đẹp mắt. Các con rường được đặt trên đấu vuông, đáy chạm hoa sen.
Bằng bàn tay khéo léo của các nghệ nhân dân gian, mỗi chiếc đầu dư được “hoá thân” thành một con rồng gối đỡ câu đầu của ngôi nhà. Điểm đặc biệt là rồng có hai chân đạp vào đầu cột, như đang cố vươn về trung tâm, râu và tóc bay ngược về phía sau. Toàn thân rồng luồn qua đầu cột cái để lại phần đuôi bên kia cột. Tại hai vì chính gian trung tâm, nghệ nhân dân gian khéo léo thay các con rường nách bằng bốn bức cốn. Bốn bức cốn này chạm liên hoàn cả hai mặt, không chỉ có tác dụng chịu lực, đỡ các đầu hoành mà còn là tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Có thể nói, các bức chạm khắc trên vì kèo của toà đại bái vừa mềm mại vừa chắc chắn, các chi tiết có đậm, nhưng không rối, càng nhìn kỹ càng cảm phục tài của những người trang trí. Từ cành cúc, nhành mai, quai lá cũng có thể biến hoá thành các con rồng, con phượng. Các bức chạm trên vì kèo không chỉ làm mất đi sự khô cứng của gỗ mà còn khiến chúng mềm mại, phóng khoáng. Đó là những tài sản rất quý báu của người xưa để lại.
Đình Đông Quan được xây dựng tại trung tâm khu dân cư Đông Quan, có nhiều cây xanh tạo nên vẻ đẹp thanh bình nơi thờ tự. Di tích nằm trên thế đất hình "con rồng", hai mắt rồng là hai ao đình và sát đường cái quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và tổ chức lễ hội.
Đình Đông Quan thờ bốn vị Thành hoàng làng, trong đó 3 vị là 3 anh em ruột gồm: Trung Liệt Đại vương, Viên Dương Đại vương, Thanh Độ Đại vương và Tả tướng Hoàng Tuy Công Đại vương, những người có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
Tương truyền, vào thế kỷ X, tại thôn Yến Vĩ, động Hương Tích, huyện Hoài An, phủ Tuần Thiên, đạo Sơn Nam có một người giỏi văn thơ, giàu lòng hiếu nghĩa tên là Phạm Hoàng, vợ là Trương Thị Trạch. Vợ chồng ông suốt đời tu nhân tích đức, lấy nghề cắt thuốc chữa bệnh cho nhân dân làm việc thiện. Tuy ông bà tuổi cao mà chưa có con. Từ đó, ông bà đem hết tài sản của mình cứu giúp dân nghèo, hết lòng vì mọi người. Một hôm, vợ chồng ông sắm sửa lễ vào một ngôi chùa trong động Hương Tích lễ Phật. Sau đó bà mang thai, sinh ra 3 người con đặt tên là Trung Liệt, Viên Dương và Độ Công.
Đất nước thống nhất, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, tự xưng là Đinh Tiên Hoàng, đóng đô ở động Hoa Lư, lấy niên hiệu là Thái Bình. Nhà vua phong Trung Liệt là Trung Liệt Đại vương, Viên Dương là Viên Dương Đại vương, Độ Công là Thanh Độ Đại vương.
Sau khi các ông mất, để ghi nhớ công ơn, vua liền sắc phong cho 3 ông lần lượt là: "Nhất phong Trung Liệt Đại vương", "Nhất phong Viên Dương Đại vương", "Nhất phong Thanh Độ Đại vương". Cho phép trang Hồng Liễu phụng thờ mãi mãi.
Trải qua nhiều thăng trầm, ngày nay lễ hội đình Đông Quan được tổ chức nhỏ gọn hơn so với trước. Từ ngày 13-15 tháng giêng, sáng sớm, dân làng đã cử người ra đình và 3 nghè: nghè Cả, nghè Bến và nghè Con Cá quét dọn, lau đồ thờ, chồng kiệu và làm lễ cáo yết xin các vị Thành hoàng cho phép được mở lễ và hội. Hiện nay, hội đình Đông Quan vẫn giữ được các trò chơi dân gian như cờ người, chọi gà... Buổi tối có hát tuồng, hát chèo do đoàn văn nghệ của thôn biểu diễn.
"Trải qua nhiều biến cố của thời gian, qua nhiều lần trùng tu nhưng những nét đặc trưng, khác biệt vẫn được giữ gìn. Đây là ngôi đình quý. Kiến trúc của đình cho biết trình độ, tay nghề của bậc tiền nhân. Nếu được công nhận là di tích cấp quốc gia, công trình sẽ có điều kiện để giữ gìn, bảo tồn tốt hơn", ông Nguyễn Văn Lập, một người cao tuổi sống tại địa phương cho biết.
THANH HÀ