Đình Đỗ Lâm Hạ thờ Thành hoàng Lý Trí Thắng, người có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước vào thế kỷ X.
Đình Đỗ Lâm Hạ
Đình Đỗ Lâm Hạ là một ngôi đình đẹp, tọa lạc trên mảnh đất cao ráo, có phong cảnh hữu tình, mặt tiền quay về phía tây nam, nơi có hồ nước rộng, đó là dấu tích của nhánh sông đò Đáy, nước trong xanh quanh năm, chạy dọc hai thôn Đỗ Lâm Thượng và Đỗ Lâm Hạ. Hồ nước rộng, cánh đồng lúa, làng mạc trù phú, người dân thuần hậu đã tạo nên nét đẹp bình dị cho làng quê Việt Nam thanh bình.
Trải qua thời gian, mảnh đất này đã thay đổi nhiều, tuy nhiên nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử, gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đình Đỗ Lâm Hạ mang tên một thôn của xã Phạm Kha, tên đình gắn với tên thôn từ trong lịch sử.
Căn cứ vào cuốn thần phả do Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc thứ 5 (1576), sắc phong, câu đối, đại tự và lưu truyền trong nhân dân thì: đình Đỗ Lâm Hạ tôn thờ Thành hoàng làng là Lý Trí Thắng, người từng có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước vào thế kỷ X. Sự kiện này có thể tóm tắt như sau: Thân phụ của Lý Trí Thắng là người họ Lý có tên húy là Hùng và thân mẫu là người họ Trần có tên húy là Hồng, tiên tổ là người Long Hưng tỉnh Thái Bình. Do cảnh loạn lạc, mất mùa đói kém, Hùng công dắt díu vợ con nương nhờ nơi cửa Phật, xin trông nom chùa Vạn Bảo (nay thuộc thôn Đỗ Thượng). Sau 4 năm, ông bà sinh hạ được một cậu con trai khôi ngô tuấn tú, diện mạo khác thường, đặt tên là Thắng. Cũng trong thời gian đó, trong số khách đi lễ chùa có người họ Đặng, sinh hạ được một người con gái mặt hoa da phấn, đặt tên là Hoa Nương. Từ đó, hai gia đình họ Lý và họ Đặng kết thân như anh em một nhà. Đến năm 14 tuổi, họ Lý đặt cho con trai thêm chữ “Trí”. Trí Thắng là cậu con trai đa tài võ nghệ, văn chương tinh thông, tính tình cương nghị, trung thực. Cậu thường du ngoạn đây đó, ai nấy đều yêu mến, kính phục. Đến năm 15 tuổi, cha mẹ đột ngột qua đời, cậu vô cùng đau buồn, hành lễ và an táng phụ mẫu tại xứ Đồng Nội (nay vẫn còn phần mộ). Cha mẹ mất, gia sản khánh kiệt, họ Đặng đưa Trí Thắng về nuôi dưỡng và rồi họ Đặng trở thành ngoại thân.
Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), nội bộ nhà Ngô lục đục, không đảm đương nổi việc điều hành đất nước, 12 vị hào trưởng của 12 vùng đã nổi lên xưng hùng xưng bá, cát cứ mỗi vị một phương, tạo nên loạn Thập nhị sứ quân. Một trong 12 vị hào trưởng có Đinh Bộ Lĩnh người đất Hoa Lư, là người cương trực, có nghĩa khí, bất bình với cảnh cát cứ, đã dấy binh phất cờ lau khởi nghĩa.
Theo thần tích: Nguyễn Bặc là Đại tướng quân của Đinh Bộ Lĩnh, trong lúc tiến quân đến phủ Hạ Hồng thì gặp Lý Trí Thắng và sớm được tin dùng, cùng Nguyễn Bặc kéo quân về Hoa Lư ra mắt chủ soái. Đinh Tiên Hoàng ban chức “Tả đạo binh nhung” kiêm “Tham tán mưu sự”.
Năm 938, Đinh Tiên Hoàng xuất quân, chia thành nhiều đạo, lần lượt tiêu diệt các sứ quân, thu giang sơn về một mối, đất nước trở lại thanh bình. Do có công lớn, Trí Thắng được Đinh Tiên Hoàng phong chức “Thái Bảo tiền quân”, mệnh danh là “Trí Công”, giao nhậm chức ở Hoan Châu, 3 năm sau được vời về triều phong chức “Chưởng ấn nội các”.
Đất nước đang thanh bình, khắp nơi dân chúng làm ăn yên ổn, nội bộ nhà Đinh mâu thuẫn, quan lại ăn chơi hưởng lạc, bê trễ việc triều chính. Lý Trí Thắng tạ lỗi cáo bệnh xin trở về quê, không tham gia quốc sự.
Năm 980, sau khi Đinh Tiên Hoàng mất, mâu thuẫn trong nội bộ triều Đinh đã đến đỉnh điểm. Lê Hoàn tập hợp lực lượng chống lại triều đình.
Trước hoàn cảnh đó, ở quê Lý Trí Thắng lại tập hợp lực lượng hợp sức với Đinh Điền, Nguyễn Bặc chiến đấu để giữ ngôi báu của nhà Đinh. Tuy nhiên, trước sức mạnh của Lê Hoàn và sự tan dã của nhà Đinh, các cuộc chống trả đều thất bại. Trong một trận chiến đấu với Lê Hoàn, nghĩa quân của ông không chống cự nổi, ông đem tàn quân chạy về thôn Thượng, xã Đỗ Tùng để lánh nạn, nhưng quân của Lê Hoàn truy đuổi bức bách, ông và ngựa lao xuống sông xứ cầu Đá (trước cửa đình Đỗ Lâm Thượng hiện nay) tự vẫn, kết thúc cuộc đời chinh chiến tại quê nhà. Khi Lê Hoàn tới nơi, thấy ông đã chết, tỏ ý khen ngợi khí tiết, truyền cho dân chôn cất và lập miếu phụng thờ. Để ghi nhớ công lao của ông, ông được vua phong làm “Đương cảnh Thành hoàng”, cho phép hai thôn Đỗ Lâm Thượng và Đỗ Lâm Hạ phụng thờ, ngàn năm hương hỏa.
Hàng năm, tại di tích diễn ra hai kỳ lễ hội. Lễ hội kỷ niệm ngày sinh được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng. Lễ hội kỷ niệm ngày mất được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 8. Trong hai kỳ lễ hội đó, lễ hội tháng Giêng thường là lễ hội lớn nhất trong năm. Dưới thời phong kiến, lễ hội tại di tích diễn ra từ ngày mùng 6 đến ngày 12 tháng Giêng, là lễ hội lớn nhất của cả vùng.
Để cho lễ hội tháng giêng được uy nghiêm, trang trọng, người dân nơi đây đã phải chuẩn bị cả năm. Ngay từ mùng 6 tháng giêng đã có lễ “rẫy đường”, mục đích là dọn dẹp đường làng ngõ xóm, san lấp đường sá, cầu cống, nhất là những con đường mà đoàn rước kiệu sẽ đi qua.
Thôn Đỗ Lâm Hạ có 6 giáp, làng dùng đất công điền chia cho mỗi giáp 7 sào ruộng cấy lúa, trồng mầu để nuôi lợn tế, lợn nuôi đẫy năm mới được làng chấp thuận. Hàng năm, cứ ngày mùng 7 tháng Giêng các giáp mang lợn tế ra đình để thi và làm lễ. Mỗi con lợn của mỗi giáp được nhốt tại “chuồng đình”, các giáp cho lợn ăn đường mía và được chăm sóc hết sức cẩn thận và được mọi người cung kính gọi bằng “ông lợn”. Đến 4 giờ sáng ngày mùng 10 tháng Giêng thì giết mổ, đến 7 giờ sáng 6 con lợn tế đã cạo trắng được trang trí cầu kỳ nằm trên bàn tế trước cửa đình. Từ 7 giờ đến 10 giờ diễn ra các thủ tục tế lễ. Sau đó, các chức sắc trong làng chấm thi từng con lợn, rút kinh nghiệm cho các lễ hội năm sau. Sau cùng các giáp đem thịt lợn về chia cho các thành viên.
Lễ rước kiệu của hội đình Đỗ Lâm Hạ cũng có nét riêng biệt với một số nơi khác, thể hiện nét tín ngưỡng độc đáo của địa phương. Ngày mùng 7 tháng Giêng làm lễ “chồng kiệu”, sửa sang, bao sái dụng cụ rước thần. Sáng mùng 8 tổ chức rước từ đình đến cầu Rành, nơi đây có một giếng nhỏ, tương truyền nghĩa quân đã uống nước ở giếng này trước khi ra trận. Vì thế, nhân dân đã lấy nước của giếng làm nước cúng suốt một năm. Từ cầu Rành kiệu lại được rước về “luyện”, đây là nơi nghĩa quân đã luyện tập để ra trận đánh giặc. Kiệu dừng tại đây để tế lễ suốt đêm mùng 8 tháng giêng. Sáng mùng 9 rước kiệu về đình, buổi chiều lại có tế để chuẩn bị vào chính hội. Ngày đại lễ là ngày mùng 10 tháng Giêng, ngoài việc các chức sắc tới lễ để chuẩn bị vào chính hội, nhân dân các dòng họ, các gia đình đều có lễ vật cúng lễ lên Thành hoàng mong cho nhiều sức khỏe, mùa màng tốt tươi, làm ăn thịnh vượng. Việc tế lễ như vậy đến hết ngày 11. Ngày 12 có tế dã đám, kết thúc lễ hội.
Cùng với các hoạt động về lễ, phần hội trong di tích cũng diễn ra hết sức sôi nổi, đặc biệt là các màn biểu diễn võ thuật, khao quân, đánh trận vây bắt giặc...thường được tổ chức nhằm khơi dậy tinh thần thượng võ của dân tộc. Các buổi tối đều có hát chèo, tuồng cổ.
Lễ hội đình Đỗ Lâm Hạ không chỉ là lễ hội của nhân dân địa phương mà còn cuốn hút đông đảo nhân dân trong vùng tham gia. Những năm gần đây, lễ hội được tổ chức lớn, nhưng thời gian được rút gọn và hình thức đơn giản hơn trước để phù hợp với đời sống mới.
Đình Đỗ Lâm Hạ được nhân dân khởi dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII), được trùng tu lớn vào cuối thế kỷ XIX và XX, có kiến trúc kiểu “Tiền Nhất hậu Đinh”. Di tích là công trình có qui mô hoành tráng và đồng bộ, bao gồm 5 gian đại bái, 5 gian trung từ và 4 gian hậu cung.
Tòa đại bái kiến trúc kiểu đao tàu déo góc, công trình này được trùng tu vào năm Bảo Đại thứ 14 (1935), kết cấu chính là phần mộc và nề ngõa. Phần mộc gồm 4 vì kèo chính kiến tạo theo kiểu “con chồng giá chiêng” truyền thống, các chi tiết khung vì đều lớn, chắc chắn, kỹ thuật lắp dựng đạt trình độ nghệ thuật. Trên các chi tiết mộc có nhiều mảng chạm khắc như “tứ linh”, “cúc hóa long”, “trúc hóa long”, “vân tản ” với kỹ thuật chạm khắc sâu, bong kênh, đó là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Phần nề ngõa là những vật tư truyền thống như tường xây bằng gạch Bát Tràng, mái lợp ngói vảy cá, các chân cột kê đá tảng, nền lát gạch. Đặc biệt, trên 4 góc đao có các phù điêu vân tản hóa long, bờ nóc có các phù điêu lạc long và mặt nguyệt khá nghệ thuật.
Tòa trung từ được khởi dựng từ thế kỷ XVIII, trùng tu vào thế kỷ XIX, trên câu đầu còn ghi năm trùng tu: “Hoàng triều Thành Thái thập niên, Mậu Tuất niên, bát nguyệt nhất nhật kiên trụ thượng lương” (Dựng trụ thượng lương vào ngày 1 tháng 8 năm 1898).
Nối liền tòa trung từ là 4 gian hậu cung, có lối kiến trúc giống tòa đại bái công trình có qui mô nhỏ hơn, kết cấu các vì kèo theo kiểu “con chồng giá chiêng” truyền thống.
Tòa trung từ và hậu cung bao gồm các chi tiết mộc chắc khỏe, hợp lý, không bị xô lệch trước những biến đổi của tự nhiên. Tại đây, còn lưu giữ nhiều bức chạm khắc như “tứ linh”, “tứ quí”, các bức chạm trên các đầu dư, trên các bẩy hiên, xà nách...đạt trình độ nghệ thuật cao. Tường xây bằng gạch Bát Tràng và gạch chỉ, mái lợp ngói vảy cá, góc đao cong, bờ nóc mềm mại, tạo cho công trình có kiến trúc tổng thể độc đáo, mang đậm phong cách đình, đền miền Bắc Việt Nam.
Đình Đỗ Lâm Hạ không chỉ có giá trị bởi quy mô đồng bộ của nó mà tại đây di tích còn lưu giữ nhiều cổ vật, di vật, hiện vật có giá trị gồm nhang án, bát biểu, sập thờ, long ngai, kiệu bát cống, roi thờ, cuốn thư, câu đối, đại tự, khám thờ...Nhiều cổ vật chất liệu gốm, kim loại, giấy, đá có giá trị.
Từ những giá trị về lịch sử, kiến trúc, cổ vật, di vật đình Đỗ Lâm Hạ đã được xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 04/QĐ- BVHTT ngày 19 tháng 1 năm 2001, của Bộ Văn hóa Thông tin.
Là di tích lịch sử văn hóa quan trọng của địa phương, trong những năm qua UBND xã Phạm Kha cùng nhân dân quản lý tốt di tích, tôn tạo, tu bổ nhiều hạng mục công trình phụ trợ, tổ chức lễ hội truyền thống, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, tạo đà cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Trong thời gian tới, di tích được qui hoạch, từng bước được tôn tạo để bảo vệ lâu dài.
(Nguồn: Hải Dương- Di tích và danh thắng)