Đình cổ Mai Xá

28/02/2012 23:05

Làng Mai Xá, xã Hiệp Lực (Ninh Giang) từ lâu được biết đến với ngôi đình Mai Xá, một trong những ngôi đình cổ nhất xứ Đông.


Đình Mai Xá, một trong những đình cổ nhất xứ Đông


Đình còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc độc đáo chứa đựng hồn cốt dân tộc với cả quá trình gây dựng đất nước.

Đình Mai Xá được xây dựng theo hướng nam (theo Kinh dịch, phương nam chủ màu đỏ, nóng ấm, mọi vật đều sinh sôi, phát triển). Vật liệu xây dựng đình chủ yếu bằng gỗ lim với những nét chạm, trổ long, ly, quy, phượng, hoa văn hết sức tinh xảo và độc đáo. Theo tục truyền, vào một hôm thượng tuần tháng 11 năm Chính Hòa thứ 13 (1692), dân làng Mai Xá bỗng thấy một cây gỗ tròn rất to, trôi vào bến đò làng. Mọi người thấy lạ đến xem rồi xúm lại kéo vào bờ nhưng lạ thay không đưa vào được và cũng không đẩy ra được. Ngay ngày hôm sau dân làng và gia súc, vật nuôi bị dịch bệnh. Người làng ai nấy đều vô cùng lo  sợ... Được mấy hôm, một viên kỳ lão cao tuổi nhất làng đêm nằm lo nghĩ việc tai biến mà trằn trọc mơ màng, bất giác thấy 5 người tướng mạo đàng hoàng, áo xiêm chỉnh tề gọi ông bảo rằng: chúng ta là 5 anh em dưới thủy phủ, nay bảo rõ cho nhà ngươi biết, dân làng phải cắt ngay cây gỗ trôi đến bến đò dựng đình, tạo thành 5 cỗ long bài để húy hiệu anh em ta. Như vậy dân làng sẽ hưng thịnh và khỏi được các tai biến. Tỉnh dậy, viên kỳ lão cho đó là điều linh ứng, liền cho họp dân làng để bàn bạc. Cả làng ai nấy đều đồng lòng dựng đình, thờ 5 vị tướng. Sau khi dựng đình, dân làng ai nấy đều khỏe mạnh, dịch bệnh qua đi...

Trải qua những biến cố của lịch sử, qua nhiều triều đại khác nhau đến cuối thế kỷ XVIII, ngôi đình không còn giữ được nguyên hiện trạng ban đầu mà bị xuống cấp. Năm Thành Thái - Quý Mão (1903), dân làng Mai Xá tìm lại được tấm bia “Lê triều vạn vạn tuế, Trịnh chúa vạn vạn niên, lưu truyền vạn vạn đại, lập miếu đình bi ký", các cụ cao niên trong làng đã bàn bạc trùng tu, huy động toàn bộ nhân dân trong bản xã đóng góp công đức.  Sau đó mời hai hiệp thợ ở Nam Hà cùng thi công. Theo yêu cầu của các hương lão, sau khi thống nhất quy cách, kiểu dáng, các hiệp thợ bí mật trổ tài, nếu bên nào làm đẹp sẽ được thưởng. Kết quả cả hai hiệp thợ đều chạm khắc rất thành công, được bản xã thưởng lớn.

Từ ngoài nhìn vào, đình Mai Xá được xây dựng theo kiểu chữ "đinh" gồm 5 gian đại bái kiểu đao dĩ và 3 gian hậu cung xây bít  đốc, bổ trụ truyền thống. Nhà đại bái lợp ngói mũi kiểu “vỏ sò” (loại vật liệu phổ biến vào đầu thời Nguyễn, thế kỷ XIX), bờ nóc soi chỉ kép chạy suốt, rêu phong, cổ kính. Hệ thống đao mái uốn cong được đắp hình tượng "tứ linh" (long, ly, quy, phượng), xen kẽ tại góc chối được các nghệ nhân đắp hình tượng nghê múa chầu khá đẹp. Kết cấu ngôi nhà gồm toàn bộ hệ thống cột, xà, hoành, rui bằng gỗ lim theo kiểu "giá chiêng" kết hợp "đấu sen" được chạm khắc tinh xảo. Nối liền đại bái là 3 gian hậu cung được phục hồi trong những năm gần đây trên nền cũ, chất liệu bê-tông giả gỗ đẹp mắt. Trang trí nội thất được khai thác các hình tượng "tứ linh" ,"tứ quý" với các mô típ dân gian làm nổi bật những hoa văn độc đáo, giá trị trong đình. Các đầu đao đều uốn cong có gắn long, ly, quy, phượng bằng đất nung màu gan trâu; xà, đấu, kèo, cốn đều có chạm khắc. Các hình chạm khắc rồng điêu luyện, tinh xảo đến từng chi tiết. Chim phượng được chạm theo lối múa xòe cả hai cánh. Nét độc đáo nhất của đình Mai Xá được thể hiện qua các bức chạm khắc mang đậm nét văn hoá dân gian làng xã Việt Nam với nghề trồng lúa nước, thể hiện tư duy, trí tuệ của người Việt cổ về cuộc sống, lao động sản xuất của nhân dân lao động. Đặc biệt, thông qua nghệ thuật chạm “bong chênh” với “chạm lộng”, các nghệ nhân xưa đã tạo hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt” sống động, tạo không gian thiêng liêng nơi thờ tự... Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, đình Mai Xá còn là nơi thờ tứ vị tôn thần, gồm: Ông Thinh, ông Linh, Phúc Chính và Đào Từ Nhân. Trong đó ông Thinh, ông Linh là thiên thần, gắn với tục thờ thuỷ thần - tín ngưỡng cổ của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước Đông Nam Á. Phúc Chính và Đào Từ Nhân là nhân thần (nhân vật lịch sử thời Lê Mạc thế kỷ XVI) được thờ theo tín ngưỡng dân gian từ lâu đời của nhân dân địa phương. Hằng năm, từ ngày 10 - 15 tháng 11 âm lịch, nhân dân trong làng thường tổ chức lễ hội tôn vinh công đức các thành hoàng, trong đó ngày hội chính là 10 - 11.  Lễ hội có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: pháo đất, cờ tướng, chọi gà, hát chèo...

Với những nét đặc sắc, độc đáo hiếm có của một ngôi đình cổ, năm 2006, đình Mai Xá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Di tích là niềm tự hào của các thế hệ người Mai Xá, xã Hiệp Lực, là điểm dừng chân của du khách xa gần về thăm quê hương Ninh Giang.

HÀ VY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đình cổ Mai Xá