Nằm giữa trung tâm thôn Bằng Quân, xã Cẩm Định (Cẩm Giàng), đình Bằng Quân hay còn gọi là đình Cháy là nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp.
Đình Cháy được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh
Đình Bằng Quân được khởi dựng vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX) và được trùng tu, tôn tạo vào đầu thế kỷ XX, là một trong những ngôi đình đẹp trong vùng, nằm trong một quần thể kiến trúc gồm: đình, miếu, nghè và văn chỉ.
Đình Bằng Quân trước đây được xây dựng theo kiểu chữ đinh gồm 5 gian đại bái, 2 gian hậu cung, kết cấu các vì kèo theo kiểu con chồng giá chiêng. Tại tòa đại bái có nhiều bức chạm khắc nghệ thuật, phía trước có 2 dãy dải vũ, mỗi dãy 3 gian, tất cả đều bằng gỗ tứ thiết quý hiếm.
Đình thờ 3 vị Thành hoàng tam công Thiên đạo (là 3 anh em) thời hậu Lý Nam Đế (571 – 602) có công giúp vua dẹp loạn giữ nước gồm: vị Đệ nhất là Thiên đạo Uy linh hùng tài dũng lược hiển úy anh linh tôn thần đại vương; vị Đệ nhị là Thiên đạo Linh thông hùng tài dũng lược diệu ứng tôn thần đại vương; vị Đệ tam là Thiên đạo Anh linh hùng tài dũng lược linh thanh cảm ứng tôn thần đại vương. Ngoài ra, di tích còn phối thờ ngũ tần cung phi mỹ nương Lê Thị Khánh là mẹ của 3 vị Thành hoàng làng.
Năm 1942, đình Bằng Quân được tu sửa, nâng cấp và là một trong những ngôi đình to nhất khu vực. Đình không chỉ là nơi thờ Thành hoàng mà còn là nơi tổ chức các cuộc họp của cán bộ cách mạng. Năm 1946, đình là điểm bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Năm 1947, thực dân Pháp phát hiện đình là nơi tập trung, họp bàn của cán bộ Việt Minh, chúng đã cho người do thám vào những buổi tối. Khoảng 1 giờ sáng ngày 15.2 (âm lịch) năm 1947, thực dân Pháp đi càn vào làng và đốt cháy ngôi đình. Đi đến đâu, chúng đốt phá đến đó. Do ngôi đình rộng lớn lại được dựng bằng gỗ lim nên ngọn lửa cháy và âm ỉ trong suốt 5 ngày.
Sau trận càn, toàn bộ ngôi đình và nhiều nhà dân trong làng bị thiêu đốt tan hoang. Hơn 60 người dân địa phương đã chết vì ngạt khói khi trú ẩn dưới hầm. Những gì còn sót lại ở đình năm đó chỉ là 2 dải vũ và những bậc đá nứt vỡ, bong tróc từng miếng do sức nóng của lửa. Từ đó đến nay, đình Bằng Quân được gọi là đình Cháy. Hiện đình còn có tấm ghi dấu tội ác của thực dân Pháp, khắc tên của những người dân địa phương đã chết trong đợt càn năm ấy. Do đó, ngày 15.2 âm lịch hằng năm trở thành ngày “giỗ trận” của làng.
Tháng 3.1993, nhân dân địa phương dựng lại 2 gian hậu cung để thờ Thành hoàng làng. Đến năm 2010, dân làng góp công, góp sức xây lại toàn bộ đình trên nền cũ. Đình gồm 5 gian đại bái, 2 gian hậu cung, mái lợp ngói ta, trên nóc có lưỡng long trầu nguyệt, 4 góc uốn đao, các con dư được chạm trổ họa tiết theo ngôi đình cổ xưa. Đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2013. Hằng năm vào ngày 10.3 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của các vị Thành hoàng làng.
TUẤN SỸ