Việc nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định nội lực và khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế.
Đây là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là sự điều hành chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Từ mục tiêu trong những ngày đầu…
Ngay từ đầu năm, ngày 8.1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Theo Nghị quyết 01/NQ-CP, chủ đề điều hành của Chính phủ trong năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Với 6 quan điểm, trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chính phủ phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6-6,5%, GDP bình quân đầu người là 3.900 USD; giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công…
Trong 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2022 có việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có khả năng chống chịu với tác động tiêu cực từ bên ngoài; nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, biến thách thức thành cơ hội; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; khắc phục hạn chế, yếu kém của năm 2021, nhất là các tồn tại, hạn chế kéo dài; thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững.
Vấn đề trọng tâm tiếp theo là phải chủ động nắm chắc tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Cần tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ chính: khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.
Cần kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số.
Cũng ngay từ đầu năm, Chính phủ đã xác định phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn… Cần thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021- 2025; xử lý cơ cấu lại hai ngân hàng thương mại yếu kém trong năm 2022; xây dựng phương án xử lý các ngân hàng yếu kém còn lại và các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả…
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định nhiệm vụ phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là công trình hạ tầng giao thông quan trọng như Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quán triệt nghiêm túc phương châm phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được trong những năm qua, khẩn trương kiên quyết, kiên trì khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập; theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của bộ, ngành, địa phương, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của bộ, ngành, địa phương do mình quản lý.
… đến kết quả cuối năm
Báo cáo của Chính phủ về kết quả kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nêu rõ: Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 8% (mục tiêu đề ra là 6-6,5%). Trong đó, tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,99%, công nghiệp và xây dựng đạt 9,44%, dịch vụ đạt 10,57%; khu vực dịch vụ phát triển sôi động trở lại nhờ kiểm soát được dịch bệnh. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm tăng khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định.
Thu ngân sách nhà nước cả năm ước vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. Lĩnh vực xuất khẩu trong 11 tháng của năm 2022 tăng hơn 13,4%, xuất siêu đạt 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài được giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 12.2022 tất cả 12 dự án thành phần được khởi công xây dựng với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực.
Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn.
Công tác xây dựng quy hoạch được chú trọng thúc đẩy; đã lập, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, một số quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương.
Việc kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định nội lực và khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế.
Tạp chí The Diplomat (có trụ sở ở Washington, Mỹ) đã có bài viết bày tỏ sự khâm phục về những thành tựu kinh tế của Việt Nam. Theo đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho năm 2022, điều chỉnh tăng từ 6% lên 7%. Đây là lần điều chỉnh tăng đáng kể duy nhất giữa các nền kinh tế châu Á và cao hơn so với các nền kinh tế khu vực lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc với các dự báo đều giảm từ 0,7 đến 1,1%. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 5,3% lên 7,2%, con số cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào ở Đông Á và Đông Nam Á.
Bài báo nhấn mạnh: Mặc dù đây là điều đáng kinh ngạc với nhiều người, nhưng lại là điều có thể đoán trước đối với những chuyên gia đã theo dõi sát sao Việt Nam. Một cách lặng lẽ, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những nền kinh tế khó khăn nhất toàn cầu sang một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất.
Nhờ sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023", Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, những thành tựu đáng tự hào mà Việt Nam đạt được trong năm 2022 là nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội và sự điều hành chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Những thành tựu đạt được nêu trên là kết quả của quá trình kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa hợp tác cùng phát triển; tranh thủ ngoại lực, phát huy tối đa nội lực, liên tục củng cố các nền tảng vĩ mô và năng lực sản xuất nội địa; chủ động, linh hoạt trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh.
Kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19 và phục hồi ngoạn mục cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng ta luôn ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn lên hàng đầu trong suốt quá trình phát triển.
Theo Báo cáo của Chính phủ về kết quả kinh tế-xã hội năm 2022, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có việc phải bám sát chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, sâu sát thực tiễn. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên; phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành.
Theo dõi sát, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Đóng góp đáng kể vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm 2022 là các biện pháp chấn chỉnh hoạt động của các loại thị trường như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và hoạt động của các ngân hàng; cương quyết xử lý sai phạm để đưa các thị trường hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, các chủ thể liên quan.
Từ tháng 10 đến đầu tháng 12, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp tháng 10, tháng 11; Thường trực Chính phủ đã ban hành 3 thông báo kết luận; Thủ tướng Chính phủ có 4 công thư gửi lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo Chính phủ đã có 1 quyết định, 1 chỉ thị, 5 công điện, 12 thông báo kết luận, 33 văn bản chỉ đạo, điều hành…; các bộ, ngành cũng vào cuộc để tập trung xử lý, ổn định tình hình. Điều này cho thấy việc chỉ đạo, điều hành đã bám sát, nắm bắt tình hình, có phản ứng chính sách, đưa ra các giải pháp phù hợp.
Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng.
Thủ tướng Chính phủ đã có 3 cuộc làm việc với các cơ quan đại diện thương mại, đại diện ngoại giao để mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh ngoại giao kinh tế theo Chỉ thị của Ban Bí thư.
Nhờ đó, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Các vấn đề đột xuất, phức tạp diễn ra được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, mang lại hiệu quả, nhất là xử lý một số ngân hàng yếu kém. Thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng đã định hình được các công việc để cùng làm với doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Các cơ quan cũng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe các kiến nghị.
Các biện pháp nói trên đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 6.12, chỉ đạo về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã làm việc có trọng tâm trọng điểm rồi phải có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.
Không thỏa mãn với những kết quả đạt được, không chạy theo chủ nghĩa thành tích; không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, bám sát, nắm chắc tình hình trong nước và thế giới, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu phải bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, kiên định, kiên trì các vấn đề mang tính nguyên tắc và các nhiệm vụ đã được thực tiễn chứng minh là đúng, trúng; lắng nghe các ý kiến nhiều chiều, chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thực chất, hiệu quả.
Bài 2: Chính sách chống dịch linh hoạt, hiệu quả
Theo TTXVN