Điện toán đám mây: Doanh nghiệp chưa hào hứng

18/08/2019 09:05

Khái niệm tuy không còn xa lạ nhưng trên thực tế việc sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây tại doanh nghiệp chưa thực sự rộng rãi.

Ít cơ hội chia sẻ, trao đổi giữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng khiến doanh nghiệp còn hạn chế trong tiếp cận khái niệm điện toán đám mây

Hạn chế trong tiếp cận

Dịch vụ điện toán đám mây xuất hiện tại Việt Nam từ những năm cuối thập kỷ trước, nhưng do nhiều yếu tố, việc ứng dụng sâu và rộng công nghệ này đang bị chững lại. Trở ngại đầu tiên là hạn chế trong tiếp cận khái niệm. Hiểu một cách đơn giản, điện toán đám mây là cung cấp các dịch vụ điện toán, bao gồm máy chủ, lưu trữ, cơ sở dữ liệu, mạng, phần mềm, tiện ích… thông qua internet (đám mây). Đơn vị cung cấp các dịch vụ điện toán trên được gọi là nhà cung cấp dịch vụ đám mây và thường tính phí cho các dịch vụ dựa trên mức độ sử dụng. Chính những thuật ngữ trong ngành công nghệ thông tin này đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp, khiến họ lúng túng và mù mờ khi ứng dụng.

Thực tế, nhiều người đang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây mà không biết. Từ việc dùng các dịch vụ thư điện tử như Gmail… cho đến lưu trữ dữ liệu trên Google Drive, Dropbox… Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều đơn vị, tổ chức đang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây ở quy mô nhỏ nhưng chưa ý thức được điều này. Một số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thư điện tử Gmail với chi phí mỗi tháng của gói thấp nhất (Basic) là 4,2 đô la Mỹ/người dùng. Khi đó doanh nghiệp sẽ có một địa chỉ thư điện tử với tên theo yêu cầu kèm đuôi là tên miền của công ty (ví dụ: sales@novotel.com...). Đó chỉ là một trong những dịch vụ cơ bản mà điện toán đám mây mang lại cho doanh nghiệp.

Hạn chế trong tiếp cận các khái niệm về công nghệ thông tin đã khiến nhiều doanh nghiệp dù muốn ứng dụng cũng chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Anh Vũ Thạch Huấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại dịch vụ Anh Huy (TP Hải Dương) là một trong những đại diện doanh nghiệp tham gia hội thảo đầu tiên về điện toán đám mây được tổ chức tại TP Hải Dương cuối tháng 6 vừa qua cho biết ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Nhưng những công nghệ như điện toán đám mây vẫn còn là điều gì đó mơ hồ với đại đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Cần tăng cường trao đổi thông tin giữa nhà cung cấp dịch vụ và các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng qua các buổi hội thảo hoặc diễn đàn. Qua đó giúp doanh nghiệp hiểu cặn kẽ từng vấn đề về công nghệ, tạo cơ sở ứng dụng những dịch vụ điện toán đám mây phù hợp với tình hình doanh nghiệp", anh Huấn nói.

Trở ngại khi thay đổi

Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch ứng dụng điện toán đám mây trong thời gian tới, hầu hết đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng đây là công nghệ có tính ứng dụng linh hoạt, có thể mở rộng hoặc thu hẹp quy mô hệ thống phù hợp với tình hình phát triển thực tế của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, hầu hết các tổ chức kinh doanh đều đang sử dụng hệ thống máy chủ vật lý, do bộ phận kỹ thuật quản lý và điều hành. Việc chuyển đổi dữ liệu từ hệ thống này lên máy chủ ảo sẽ tác động vào toàn bộ cơ sở dữ liệu, tiềm ẩn những nguy cơ nhất định gây mất hoặc hỏng dữ liệu. Đây là một trong những trở ngại từ phía doanh nghiệp khi ứng dụng điện toán đám mây để quản trị và lưu trữ dữ liệu.

Công ty CP Nước sạch và vệ sinh nông thôn Hải Dương hiện quản lý cơ sở dữ liệu của khoảng 90.000 khách hàng trong tỉnh. Toàn bộ cơ sở dữ liệu này đã được doanh nghiệp quản trị thông qua phần mềm của bên thứ 3 và được lưu trữ tại máy chủ ảo do Công ty TNHH Viettel-CHT (thường gọi là Viettel IDC, thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội) cung cấp. Ông Vũ Văn Đại, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty cho biết: "Sau khi ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, việc quản lý cơ sở dữ liệu và công việc chuyên môn tương đối thuận lợi, tiết kiệm thời gian, tránh được những sai sót số liệu. Nhưng để ứng dụng công nghệ điện toán này, doanh nghiệp đã mất rất nhiều thời gian để thay đổi cách thức vận hành và đào tạo đội ngũ nhân viên".

Theo số liệu khảo sát nhanh của Viettel IDC đối với gần 100 doanh nghiệp tại Hải Dương, có khoảng 15% số đơn vị sử dụng điện toán đám mây. Dịch vụ chủ yếu được sử dụng là lưu trữ dữ liệu website, thư điện tử (website/email hosting) và thuê máy chủ ảo (cloud server). Lý giải về những trở ngại làm cho doanh nghiệp chưa thực sự tha thiết với công nghệ này, ông Lê Hồng Phong, Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp thuộc Viettel Hải Dương cho biết: "Ngoài những hạn chế trong tiếp cận công nghệ, doanh nghiệp muốn áp dụng điện toán đám mây cần vượt qua nhiều rào cản, bao gồm chi phí đầu tư thuê dịch vụ, chuyển dịch dữ liệu, đào tạo nhân sự và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin". Các tổ chức kinh doanh cũng sẽ phải đối mặt với một số rủi ro khi chuyển đổi như các sự cố liên quan đến hệ thống máy chủ, gây gián đoạn truy cập hoặc rò rỉ một số thông tin quan trọng; tốc độ đường truyền không ổn định hoặc bị ngắt đột ngột có thể gây thiệt hại đối với các doanh nghiệp sản xuất.

Bên cạnh những trở ngại, hạn chế hay rủi ro, không thể phủ nhận những ứng dụng mà công nghệ điện toán đám mây mang lại cho doanh nghiệp. Lựa chọn dịch vụ điện toán đám mây phù hợp có thể giúp doanh nghiệp hình thành phong cách quản trị thông minh, từ đó hoạt động hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, tại Hải Dương nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ này. Bài toán đặt ra hiện nay chính là tìm cách tiếp cận sao cho hiệu quả. Đừng để điện toán đám mây, công nghệ của thời đại 4.0 là một điều gì đó xa vời.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điện toán đám mây: Doanh nghiệp chưa hào hứng