Nhận tin mợ bệnh nặng mà lòng tôi chua xót vô cùng. Hình như ông trời đã bất công với mợ, tôi nghĩ thế.
Những ngày khốn khó vừa qua đi, ai cũng nghĩ mợ sẽ được sống thanh nhàn, hạnh phúc…Vậy mà, mợ vẫn phải chịu đựng nỗi đau dày vò thể xác.
Bố mẹ tôi mất trong một tai nạn giao thông khi tôi vừa tròn 5 tuổi. Cái tuổi ngu ngơ chưa hiểu gì về nỗi đau, sự mất mát người thân. Ông bà nội ngoại đều mất cả nên tôi được cậu mợ đón về nuôi. Cậu mợ tôi quanh năm đi làm thuê, nhà lại đông con nhỏ nên cuộc sống khá chật vật. Cậu tôi kể lại rằng, ngày bố mẹ tôi mất, họ hàng họp bàn định đưa tôi vào trại trẻ mồ côi nhưng mợ tôi không đồng ý. Mợ bảo, còn cậu mợ sao lại phải vào trại trẻ mồ côi.
Ngày đó, cậu tôi đi xây, còn mợ làm phụ hồ, những ngày mưa không có việc thì làm bất cứ việc gì có thể để kiếm tiền đong gạo cho 5 đứa chúng tôi. Tôi bé nhất nhà nên luôn được anh chị và cậu mợ cưng chiều. Khi chúng tôi còn nhỏ, dù khó khăn nhưng vẫn được ăn no và đến trường. Cậu mợ tôi khỏe mạnh lại chịu khó, dù chẳng có của ăn của để thì việc kiếm miếng ăn cho chúng tôi cũng không khó khăn lắm. Tuổi thơ của tôi trôi thật bình yên trong vòng tay yêu thương của cậu mợ.
Mùa bão lũ năm ấy thật khủng kiếp. Nó như muốn nuốt chửng và cuốn trôi đi tất cả những gì có thể. Cậu tôi lo đưa mọi người sơ tán lên vùng an toàn mà không may bị lũ cuốn trôi. Mấy ngày sau, người ta thấy xác cậu vướng vào cành cây gãy vắt ngang sông. Ngày đưa cậu về, mợ tôi không gào khóc, hình như nước mắt mợ chẳng còn để có thể khóc được. Mợ tôi cứ ngây ngô như đứa trẻ, đôi mắt vô hồn.
Mười lăm năm trôi qua, một mình mợ tần tảo nuôi 5 anh chị em tôi. Dẫu cuộc sống có khó khăn đến mấy, mợ cũng luôn động viên chúng tôi yêu thương, chăm sóc nhau. Chưa bao giờ tôi có cảm giác bị mợ phân biệt đối xử. Tôi còn nhớ năm tôi học cấp hai, một mình mợ dù xoay xở đủ đường vẫn chẳng thể chu toàn cho 5 đứa con cháu ăn học tới nơi tới chốn. Mợ đành cho anh cả nghỉ học khi mới 15 tuổi để phụ mẹ đi làm kiếm tiền lo cho các em. Tôi nhớ rất rõ giọt nước mắt nóng hổi của anh rơi trên trang sách. Anh tôi khỏe mạnh, chăm chỉ và thương mẹ, thương các em nên làm việc không kể ngày đêm từ đi phụ hồ, buôn ve chai... Lớn hơn, anh xin phép mẹ đi thành phố làm công nhân. Anh đi làm chăm chỉ, xin tăng ca cả đêm và ngày nghỉ, chắt chóp những đồng tiền khó nhọc gửi về phụ mợ lo cho chúng tôi. Các chị của tôi học rất khá, còn tôi thì học kém. Nhiều lần, mợ tôi bị thầy cô giáo chủ nhiệm gọi đến trường vì tôi học kém lại quậy phá. Mợ rất buồn nhưng chẳng đánh mắng gì tôi. Một hôm, mợ gọi tôi đến trước bàn thờ bố mẹ và cậu rồi bảo, mợ không tiếc công nuôi dạy, chăm sóc cháu, cháu như thế này mợ thấy có lỗi với bố mẹ và cậu cháu. Nếu cháu thương mợ thì hãy học hành chăm chỉ và trở thành người tốt. Sau đó, tôi nằng nặc đòi nghỉ học với lý do mình học dốt, học thêm cũng vậy mà tốn tiền ăn học, tôi muốn được đi làm như anh. Mợ tôi không đồng ý và bảo, mợ đủ sức lo cho tôi ăn học, chỉ cần tôi cố gắng.
Tôi cứ thế lớn lên, trưởng thành trong tình yêu thương, sự hy sinh của mợ. Rồi các anh chị tôi lần lượt đi học xa. Ý thức được hoàn cảnh gia đình nên ai cũng tự cố gắng học tốt và tranh thủ đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống nơi phố thị. Ngày tiễn tôi lên đường nhập học mợ đã nắm tay tôi thật chặt và khóc. Những giọt nước mắt mặn chát, ấm áp của mợ nhắc tôi không được phụ công mợ.
Nay mái tóc mợ đã bạc, con, cháu mợ giờ thành đạt, hạnh phúc. Mợ sống trong niềm vui sum vầy chưa bao lâu thì căn bệnh ung thư vú lại hành hạ. Ngày tôi về thăm, nhìn mái tóc dài đen mướt xưa kia rụng gần hết mà chạnh lòng, tôi lén quay đi gạt giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Vậy mà mợ vẫn cười, nắm tay tôi bảo, đừng khóc cháu ạ, ai rồi cũng phải ra đi, mợ cảm thấy mãn nguyện lắm rồi.
Con người thường ích kỷ, tôi cũng vậy. Chẳng biết, nếu tôi ở địa vị mợ ngày xưa, tôi có nhường cơm của con đẻ mình cho đứa cháu mồ côi không. Mợ tôi không chỉ cho tôi cuộc sống mà còn là điểm tựa để tôi chống chọi với bão dông cuộc đời.
LƯƠNG THỊ NGUYỆT