Thời gian qua, tổ chức công đoàn luôn thể hiện tốt vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, là chỗ dựa vững chắc cho người lao động trong giải quyết các tranh chấp lao động (TCLĐ).
Thông qua các tổ chức công đoàn, nhiều người lao động đã đòi được quyền lợi hợp pháp của mình
Cầu nối bảo vệ quyền lợi hợp pháp
Huyện Thanh Miện có 17 doanh nghiệp với trên 14.200 công nhân, lao động (CNLĐ). Từ năm 2019 đến nay, tại đây đã xảy ra 3 vụ dừng việc tập thể. Năm 2019, 300 CNLĐ Công ty TNHH Quảng Phong ở cụm công nghiệp Ngũ Hùng dừng việc tập thể. CNLĐ yêu cầu công ty quy định rõ thời gian, chế độ tăng ca, bữa ăn ca; tăng lương cơ bản theo quy định; nhiều người hết hạn thử việc nhưng chưa được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm...
Sau khi nhận được thông tin, đại diện Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thanh Miện đã phối hợp các cơ quan liên quan làm việc với công ty. Bà Trần Thị Nhật, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết trên cơ sở nội dung làm việc, cán bộ công đoàn giải thích cho CNLĐ hiểu; đồng thời yêu cầu phía công ty thực hiện theo các quy định pháp luật lao động, đối thoại với CNLĐ. Kết quả, Công ty TNHH Quảng Phong đã thông báo phương án giải quyết cụ thể từng yêu cầu của người lao động. CNLĐ đã chấp thuận và trở lại làm việc.
Từ năm 2019 đến nay, tại TP Hải Dương cũng xảy ra 3 vụ dừng việc tập thể. Điển hình như vụ việc tại Công ty TNHH May Trấn An hồi tháng 1 vừa qua. Công ty này lấy lý do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã giảm 50% "tháng lương thứ 13" thưởng Tết năm 2021. Không đồng tình với việc này, khoảng 1.000 CNLĐ đã dừng việc tập thể. Người lao động phản đối vì cho rằng công ty vẫn có đơn hàng và họ đã lao động vất vả, cống hiến cả năm cho doanh nghiệp thì phải được hưởng quyền lợi. Sau đó LĐLĐ TP Hải Dương đã làm việc cụ thể với công ty, đề nghị doanh nghiệp đối thoại với CNLĐ. Cuối cùng, công ty đã đồng ý thưởng 100% "tháng lương thứ 13" cho CNLĐ làm việc đủ 1 năm trở lên và 50% cho người làm việc từ 6-12 tháng. Sau đó, tất cả người lao động đã trở lại làm việc.
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều vụ việc TCLĐ đã xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Có thể khẳng định công đoàn đã luôn thể hiện rõ vai trò là người đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động; đồng thời giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của người sử dụng lao động.
Trang bị kiến thức pháp luật
Hiện nay, trình độ nhận thức về pháp luật lao động của nhiều CNLĐ còn thấp. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động tới CNLĐ luôn được các cấp công đoàn trong tỉnh quan tâm.
Năm 2020, các cấp công đoàn đã tổ chức 284 cuộc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật lao động tới gần 8.600 CNLĐ. Mỗi năm, LĐLĐ TP Hải Dương tổ chức 22 cuộc tuyên truyền, đối thoại, thu hút khoảng 6.500 lượt người tham gia. Còn LĐLĐ huyện Thanh Miện, mỗi năm tổ chức 3 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tới gần 1.000 lượt người... Ngoài ra, các cấp công đoàn còn tích cực tư vấn pháp luật, tham gia giải quyết, giúp nhiều người được hưởng quyền lợi hợp pháp.
Năm 2020, LĐLĐ TP Hải Dương đã nhận được 4 đơn kiến nghị của đoàn viên, CNLĐ về chế độ bảo hiểm xã hội, tai nạn lao động, tiền lương... Đến nay, đã giải quyết và tham gia giải quyết xong các đơn kiến nghị này. Đơn cử như chị Nguyễn Thị Thuý, công nhân Công ty TNHH May Trấn An (TP Hải Dương) bị tai nạn lao động nhưng một thời gian dài không được chi trả chế độ do vướng mắc về bảo hiểm. Ông Nguyễn Tuấn Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hải Dương cho biết khi nhận được phản ánh, LĐLĐ thành phố đã làm việc với các đơn vị liên quan. Sau đó, chị Thuý đã được công ty chi trả hơn 43 triệu đồng, cơ quan bảo hiểm cũng đồng ý chi trả chế độ hằng tháng.
Mỗi năm, LĐLĐ huyện Thanh Miện tiếp nhận khoảng 50 vụ việc phản ánh, khoảng 90% số vụ việc đều được LĐLĐ huyện tháo gỡ và mang lại quyền lợi hợp pháp cho CNLĐ. Như trường hợp của 26 công nhân Công ty TNHH Sản phẩm giải trí High Rock ở cụm công nghiệp Cao Thắng bị công ty cho nghỉ việc nhưng chỉ báo trước 3 ngày. Trong khi quy định là báo cho CNLĐ trước 30 ngày và phải trả 1 tháng lương cơ bản. Sau khi nhận phản ánh, LĐLĐ huyện Thanh Miện đã làm việc với công ty, sau đó doanh nghiệp phải chấp nhận trả công nhân 1tháng tiền lương.
Toàn tỉnh có khoảng 14.000 doanh nghiệp, thu hút trên 350.000 CNLĐ. Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, các quan hệ lao động ngày càng phát triển nhưng cũng dễ xảy ra TCLĐ liên quan đến quyền và lợi ích của CNLĐ như giờ làm việc, bữa ăn ca, tiền lương, hợp đồng lao động, phụ cấp... TCLĐ có thể là của cá nhân hoặc tập thể. Khi xảy ra TCLĐ, các tổ chức công đoàn là đại diện, cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, giúp hai bên tìm tiếng nói chung hoặc giúp người lao động đòi quyền lợi hợp pháp. Tổ chức công đoàn đã và đang khẳng định là chỗ dựa vững chắc cho người lao động liên quan đến các vấn đề này.
THẾ ANH