Kinh tế

Dịch vụ - Mũi nhọn phát triển kinh tế Hải Dương

HÀ KIÊN 11/01/2024 11:00

Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương xác định dịch vụ sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn.

00:00

z5042634630039_5144c1c97d3b8f205b34cda1d3a230e9.jpg
Theo thống kê sơ bộ, Hải Dương hiện có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm về số lượng đơn vị có hoạt động giao dịch thương mại điện tử

Hướng tới dịch vụ đa giá trị

Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hải Dương định hướng phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; có khả năng cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng. Chú trọng phát triển ngành thương mại - dịch vụ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

dsc_6274.jpg
Dự báo, đến năm 2050 Hải Dương sẽ đón 15,4 triệu lượt khách, gồm 6,4 triệu lượt khách quốc tế, 9 triệu lượt khách nội địa. Trong ảnh: Một hoạt động trong khuôn khổ Festival Chí Linh-Hải Dương 2023, một sản phẩm du lịch mới của Hải Dương

Trên lộ trình đó, Hải Dương xác định phát triển hệ thống thương mại đồng bộ, hiện đại. Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như hình ảnh của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế. “Giữ và nâng sao cho sản phẩm OCOP” có thể nói là một trong những giải pháp cụ thể mà Hải Dương đã và đang triển khai. Qua đó từng bước tạo dấu ấn và điểm nhấn của sản phẩm mang thương hiệu Hải Dương trong bức tranh thị trường chung cả nước. Nâng hạng sản phẩm OCOP là điều kiện thuận lợi để sản phẩm được lựa chọn và nâng cao giá trị trên thị trường trong nước, dần vươn ra các thị trường xuất khẩu. Hải Dương xác định sản phẩm OCOP dứt khoát phải đi theo hướng thương hiệu, chất lượng và phải liên kết cùng nhau để phát triển sản phẩm.

Phát triển các dịch vụ chất lượng cao, gắn liền phát triển đô thị và các khu công nghiệp; phát triển dịch vụ logistics để phát huy lợi thế kết nối trong vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là “gạch đầu dòng” tiếp theo trên lộ trình đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hải Dương. Tập trung xây dựng Hải Dương trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hậu cần sau cảng (logistics) của vùng đồng bằng sông Hồng là nội dung tham luận được đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuối tháng 7/2023.

Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 sẽ hình thành 8 trung tâm logistics ở TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn và các huyện Bình Giang, Kim Thành, Thanh Hà, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Ninh Giang với tổng diện tích trên 200 ha. Với tương lai này, ngành dịch vụ được nhận định sẽ có thêm rất nhiều dư địa phát triển, nhất là thực hiện vai trò kết nối các khâu, chuỗi trong quá trình sản xuất cũng như từ sản xuất đến tiêu dùng.

thiet-ke-chua-co-ten-6.jpg
Với vị trí kết nối chiến lược, Hải Dương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển ngành dịch vụ khi hình thành những trung tâm logistics (ảnh minh họa)

Du lịch sẽ phát triển ra sao?

Nhắc đến dịch vụ không thể thiếu du lịch. Hải Dương xác định phát triển du lịch chuyên nghiệp hiện đại, sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, trong đó chú trọng du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và các khu, điểm du lịch khác để hình thành các tuyến du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nội tỉnh và liên tỉnh.

Phát triển du lịch theo hướng chú trọng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch làng nghề. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ du lịch chất lượng cao, gắn với các hoạt động du lịch vui chơi, giải trí và trải nghiệm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 khu du lịch cấp tỉnh được công nhận: Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; khu di tích lịch sử và thắng cảnh Phượng Hoàng và khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quần thể Đền Cao (cùng ở Chí Linh); quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn). Trong đó từng bước đầu tư hạ tầng khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đạt tiêu chí công nhận là Khu du lịch quốc gia.

Ngoài ra, Hải Dương có nhiều địa điểm tiềm năng đầu tư, phát triển thành khu du lịch cấp tỉnh như: Khu du lịch nghỉ dưỡng - thiền (dưỡng sinh) hồ Bến Tắm và rừng Thanh Mai (Chí Linh); Khu du lịch nghỉ dưỡng “Làng quê Việt” (Thanh Hà); Khu du lịch sinh thái “Đảo Cò” (Thanh Miện); Khu du lịch “Đảo Ngọc” (TP Hải Dương); Khu du lịch văn hóa Văn Miếu Mao Điền (Cẩm Giàng).

Trong danh mục dự án ưu tiên thực hiện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ tập trung phát triển khu du lịch tâm linh Hồ Thanh Long; khu sinh thái vui chơi giải trí Cồn Vĩnh Trụ; Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đập Vễn (cùng TP Chí Linh); Dự án tổ hợp thương mại, dịch vụ; Dự án ven sông Bắc Hưng Hải quy mô 2.496 ha (cùng huyện Gia Lộc); Khu du lịch nghỉ dưỡng nông nghiệp, Trung tâm chăm sóc sức khỏe, dưỡng lão; Dự án ven sông Bắc Hưng Hải quy mô 715 ha (cùng huyện Ninh Giang); Khu sinh thái thôn Mộ Trạch (Bình Giang); Du lịch sinh thái Sông Hương (Thanh Hà); Dự án bảo tồn thiên nhiên khu Đảo Cò mở rộng (Thanh Miện).

Dự báo, đến năm 2050 Hải Dương sẽ đón 15,4 triệu lượt khách, gồm 6,4 triệu lượt khách quốc tế, 9 triệu lượt khách nội địa.

Với tầm nhìn trong quy hoạch, ngành dịch vụ của Hải Dương sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Qua đó góp phần đến năm 2030 tỉnh sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9,5%/năm, GRDP bình quân đầu người trên 180 triệu đồng, dịch vụ chiếm 24,1% trong GRDP của tỉnh.

HÀ KIÊN
(0) Bình luận
Dịch vụ - Mũi nhọn phát triển kinh tế Hải Dương