Bị khai tử khi vào danh sách cấm đầu tư kinh doanh, dịch vụ đòi nợ thuê đã biến tướng thành dịch vụ "mua bán nợ".
Luật Đầu tư 2020 (chính thức bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021) đã đưa ngành nghề "Kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Những tưởng sau khi khai tử loại hình kinh doanh này thì sẽ không còn những cảnh đòi nợ kiểu xã hội đen. Nhưng không, thực tế nhiều công ty đòi nợ thuê đã đổi tên thành công ty mua bán nợ.
Khai tử nhưng vẫn sống sót. Đòi nợ thuê núp bóng "mua bán nợ" như thế nào?
Kể từ khi dịch vụ đòi nợ thuê bị khai tử thì ngay lập tức lại xuất hiện một dịch vụ khác đó là “Mua bán nợ”. Đây là hoạt động giao dịch kinh tế - tài chính để trao đổi và chuyển nhượng khoản nợ từ cá nhân này sang cá nhân khác, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, tổ chức này sang tổ chức khác…Thực chất, đây là việc chuyển nhượng lại “quyền thu hồi nợ” từ một khoản nợ của bên bán nợ (chủ nợ) đối với công ty mua nợ.
Vào vai một người đi bán nợ, phóng viên đã được nhân viên của Công ty cổ phần dịch vụ đòi nợ thuê H.P có số điện thoại hotline là 0933.237.xxx, có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh nhiệt tình tư vấn: "Lúc trước chúng tôi là dịch vụ đòi nợ thuê giờ theo quy định của nhà nước, dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm thì chuyển qua loại hình là mua bán nợ. Về chi phí thì lấy mức phí tương tự như trước. Ví dụ số tiền ngày xưa phải trả cho dịch vụ của công ty là 20% tổng số tiền đòi được, thì giờ chúng tôi sẽ mua lại số nợ đó với giá trị là 80%".
Sau một lúc thăm dò tên tuổi, địa chỉ chỉ, khoản nợ cần phải đòi như thế nào, nhân viên tư vấn bắt đầu đưa ra cách thức thực hiện đòi nợ của mình:" Chúng tôi sẽ làm tương tự như trước, cũng phải đi khảo sát, điều tra xem con nợ còn khả năng trả không đã, nếu cảm thấy còn khả năng đòi được thì chúng tôi sẽ kí hợp đồng với anh chị. Chúng tôi sẽ làm cách hợp pháp để thu lại số nợ đó. Chúng tôi là công ty mua, bên chị là bán. Trước khi ký hợp đồng, kế toán của công ty sẽ soạn sẵn đưa cho anh, chị đọc và tham khảo. Sẽ có rất nhiều điều khoản, trong đó có điều khoản bán nợ và bán luôn quyền đòi nợ cho công ty chúng tôi".
Dịch vụ mua bán nợ của công ty này được thực hiện ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, với khẩu hiệu được ghi rõ ràng trên trang web của công ty “Nợ là phải trả”. Chi phí đi lại sẽ do người bán nợ chịu toàn bộ. Nếu các tỉnh thành ở xa công ty thì phí dịch vụ sẽ đắt hơn. Người bán nợ sẽ phải chịu chi phí đi lại của bên mua nợ. Ngoài ra chi phí đòi nợ sẽ tăng từ 20% lên khoảng 30% đến 35% tùy từng tỉnh thành.
Có hai trụ sở, một ở TP Hà Nội và một ở TP Hồ Chí Minh, Công ty mua bán nợ H.T cho biết cách thức “đòi nợ giúp” của công ty mình như sau: "Công ty sẽ tiếp nhận mọi giấy tờ liên quan đến khoản nợ sau đó tiến hành xem xét về tính pháp lý, nếu đầy đủ về tính pháp lý thì sẽ cho người đi thẩm định. Nếu thẩm định thấy khách có khả năng trả nợ thì công ty tiến hành ký kết hợp đồng mua bán nợ và tiến hành đi đòi nợ. Sau khi ký kết hợp đồng xong thì công ty sẽ gửi thông báo cho khách nợ trong vòng từ 10 đến 15 ngày, nếu không phối hợp sẽ có biện pháp cụ thể và mạnh tay hơn. Công ty chúng tôi sẽ bảo đảm làm đúng theo quy định của pháp luật".
Hiện các công ty đòi nợ này đã “thay tên, đổi họ” để trở thành các công ty mua bán nợ, nhằm tiếp tục hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê của mình.
Đã có nhiều nạn nhân của dịch vụ mua bán nợ
Công an TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) mới đây đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Phương Ngọc Dũng (39 tuổi, ngụ Đắk Nông, Giám đốc Công ty TNHH MTV mua bán nợ Kim Ngân - Công ty Kim Ngân); Phạm Xuân Quân (28 tuổi, nhân viên Công ty Kim Ngân), để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Đáng chú ý, trước đây, công ty này có tên là Công ty TNHH MTV đòi nợ Kim Ngân.
Trước đó, chị Q. (ngụ ở Đắk Nông) bán số nợ 300 triệu đồng (là số tiền chị Đ.T.H, ngụ TP.Gia Nghĩa, mượn của chị Q.) với giá 180 triệu đồng cho Công ty mua bán nợ Kim Ngân. Trong quá trình đòi nợ chị H., nhân viên Công ty Kim Ngân có hành vi gây mất an ninh trật tự, gây áp lực, dùng loa kẹo kéo công suất lớn la hét, chửi bới, gây rối trật tự công cộng tại địa phương nên bị cơ quan công an bắt giữ, khởi tố…
Không chỉ mua bán nợ (thực chất là đòi nợ thuê) từ các cá nhân, doanh nghiệp; các công ty mua bán nợ biến tướng còn là “sân sau” của các ngân hàng, công ty tài chính cho vay tín chấp. Và chiêu trò đòi nợ vẫn theo kiểu… giang hồ.
Gia đình chị T (36 tuổi, tạm trú Q.Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) đã bị đe dọa, “khủng bố” tinh thần. Theo thông tin khai báo thì, trước đó, từ năm 2018, chị T. vay 180 triệu đồng của một ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh; trả góp trong vòng 5 năm. Sau khi trả được 13 tháng, chị T. thất nghiệp nên không đóng tiền trả góp 3 tháng liên tục, ngân hàng yêu cầu trả hết nợ và tất toán hợp đồng. Giữa tháng 1.2021, một nhân viên xưng là người của ngân hàng trên gọi điện, nói đã bán nợ, sắp tới công ty mua bán nợ sẽ... đòi nợ chị T. Cuối tháng 1.2021, nhiều cuộc gọi đến số chị T. xưng là nhân viên của Công ty CP đầu tư mua bán nợ S. ở TP Hồ Chí Minh (trước đây là Công ty CP dịch vụ đòi nợ thuê S. ở TP Hồ Chí Minh) đòi tiền.
Bản chất của dịch vụ mua bán nợ có phải là xấu?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Quyền đòi nợ là quyền tài sản theo quy định ở điều 105 của Bộ luật Dân sự. Chính vì được coi là một loại tài sản, nên quyền đòi nợ được phép tham gia vào các giao dịch dân sự, trong đó có việc các chủ thể có quyền được thực hiện mua bán nợ với nhau. Dưới góc độ pháp lý, việc mua bán nợ được hiểu là bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến việc đòi nợ cho bên mua nợ. Xét về bản chất, việc mua bán nợ nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của chủ nợ nhưng do cách thực hiện đòi nợ không đúng với quy định của pháp luật nên mới gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội."
Hiện tại theo Nghị quyết 42 năm 2017 của Quốc Hội về Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các chủ nợ được thực hiện quyền bán nợ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua các khoản nợ xấu. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đang triển khai việc này khá hiệu quả và góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Nhờ các biện pháp tích cực, đẩy mạnh xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm trong thời gian qua, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các TCTD.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách thì nếu có quy định cụ thể, rõ ràng điều chỉnh và quản lý tốt dịch vụ mua bán nợ, hoạt động này trên thực tiễn sẽ diễn ra minh bạch, công khai và sẽ không xảy ra những hệ lụy xấu.
Có một thực tế không thể phủ nhận, sở dĩ dịch vụ thu hồi nợ có nhiều biến tướng như vậy là xuất phát từ nhu cầu thực tế trong xã hội. Khi chuyện vay mượn nợ nhau rồi mất khả năng thanh toán hoặc chây ì không trả nợ vay vẫn còn xảy ra nhiều. Trong khi đó, việc đòi nợ hợp pháp bằng con đường khởi kiện tại tòa án lại kéo dài thời gian, mất thêm công sức, tiền của nhưng đến khi thắng kiện thì chưa chắc lấy lại được tiền vì người nợ không có tài sản để thi hành án. Có cầu thì ắt có cung, theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, nếu cả đôi bên, đặc biệt là bên nợ cùng cố gắng tuân thủ pháp luật, có nợ phải cố gắng trả, như vậy thì những dịch vụ đòi nợ và mua bán nợ kiểu xã hội đen mới không có đất "dụng võ".
Trên thực tế, pháp luật vẫn còn một số kẽ hở, vì vậy mới có nhiều biến tướng từ loại hình dịch vụ đòi nợ thuê như vậy. Để hạn chế vấn nạn đòi nợ thuê cùng nhiều hậu quả đi kèm, đòi hỏi pháp luật phải có thêm những quy định chặt chẽ liên quan đến nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần là tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự của lực lượng Công an.
Theo VOV