Y tế - Sức khỏe

Đi từng ngõ, gõ từng nhà nói chuyện dân số

PV 26/12/2024 11:00

Dù còn khó khăn nhưng những cộng tác viên dân số ở Hải Dương vẫn miệt mài, cần mẫn đi từng ngõ, gõ từng nhà để góp phần phát triển, nâng cao chất lượng dân số.

00:00

dan-so-7dde6dff1305bd03d6495bda7871ce4c(1).jpg
Cộng tác viên dân số tới từng hộ để nắm bắt thông tin. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Hải, cộng tác viên dân số xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) điều tra biến động nhân khẩu ở địa bàn phụ trách

Việc “con mọn”

Bà Lê Thị Tuyết ở thôn Nhan Bầu, xã Thanh Hồng (Thanh Hà) làm cộng tác viên dân số gần 20 năm. Vì thế, bà nắm tường tận số hộ, nhân khẩu thuộc địa bàn phụ trách. Bà cho biết: “Số liệu về dân số ở cấp cơ sở không được áng chừng mà phải chính xác tuyệt đối. Do đó, tiếng là cộng tác viên nghe vẻ là việc phụ, làm thêm song lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, chỉn chu. Đầu việc nhiều không khác gì con mọn”.

Để cập nhật kịp thời biến động dân số phục vụ cho buổi giao ban hằng tháng, bà Tuyết phải liên tục rà soát, nắm bắt thông tin số sinh, số tử, người đến, người đi tại địa bàn. Ngoài ra, những cộng tác viên dân số còn phải tuyên truyền về kế hoạch hoá gia đình. Đây là chiến dịch rộng, nhiều nội dung nên bà Tuyết rất vất vả. Bà phải theo dõi, nắm rõ số lượng phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để tư vấn, tuyên truyền về sức khoẻ sinh sản, không lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời bà cũng phải thu thập thông tin về người cao tuổi nhằm triển khai thực hiện các chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Vì thế, việc quản lý thông tin dân số của 350 hộ với 1.500 nhân khẩu không hề đơn giản.

Bà Nguyễn Thị Hải ở thôn Cập Thượng 2, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) được đánh giá là cộng tác viên dân số năng nổ, tích cực ở địa phương. Bất kể sớm tối, nắng mưa, bà Hải vẫn tới từng hộ thông tin, tuyên truyền về dân số mỗi khi có yêu cầu. Làm cộng tác viên dân số được 9 năm, bà hiểu rõ thuận lợi cũng như khó khăn, vất vả của công việc này. Vì đều là người làng, người xóm, quen biết, gắn bó nhiều năm nên mọi người cũng đồng tình ủng hộ khi bà Hải thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, do nhóm người cộng tác viên dân số chủ yếu hướng đến từ 15-49 tuổi phần lớn đi học, đi làm nên việc gặp gỡ tương đối khó khăn. “Tôi phải tranh thủ buổi tối hoặc ngày nghỉ tới từng nhà để tuyên truyền, trong khi khu vực phụ trách rộng, có đoạn phải đi qua đê. Nếu không kiên nhẫn, chịu khó thì không thể làm được công việc này”, bà Hải cho biết.

cong-tac-vien-dan-so.jpg
Cộng tác viên dân số xã Thanh Hồng (Thanh Hà) tổ chức giao ban để báo cáo biến động về dân số tại địa bàn phụ trách (ảnh cơ sở cung cấp)

Bà Hải được giao phụ trách 276 hộ với 2.500 nhân khẩu. Sổ theo dõi dân số dày cộp nhưng nhắc tới hộ nào bà đều nhớ và lật ngay tới trang ghi thông tin của gia đình đó. Bà còn tự hào khoe nhiều lần được lực lượng công an nhờ trợ giúp trong việc xác minh nhân thân. Công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển, bà cũng nhạy bén bắt nhịp, lập nhóm Zalo thông báo chương trình, sự kiện, chiến dịch về dân số để bà con nhanh chóng nắm bắt. Dù vậy, bà Hải khẳng định phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người thì việc tuyên truyền mới an tâm, hiệu quả.

Đóng góp quan trọng

Công việc tuy thầm lặng nhưng những cộng tác viên dân số có đóng góp quan trọng để Hải Dương thực hiện hiệu quả chính sách dân số. Những chỉ tiêu về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo Sở Y tế, hết năm 2024, tỷ số giới tính khi sinh dự kiến 116,7 bé trai/100 bé gái, giảm 0,3 điểm % so với năm 2023. Tỉnh vượt chỉ tiêu tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất (dự kiến đạt 78%), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất (dự kiến trên 69%). Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt chỉ tiêu đề ra (dự kiến 46%). Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm đạt 90,2%. Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn ước đạt 65%.

nhom-dan-so.jpg
Cộng tác viên dân số sử dụng nhóm Zalo để trao đổi thông tin kịp thời

Hải Dương hiện có 1.814 cộng tác viên dân số. Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, từ năm 2022, các cộng tác viên dân số được hưởng mức bồi dưỡng là 0,2 hệ số lương cơ bản/tháng. Với hệ số lương hiện tại, mỗi cộng tác viên được nhận 468.000 đồng/tháng. Mức bồi dưỡng này nhiều khi không đủ chi phí xăng xe đi lại cho các cộng tác viên dân số trong những đợt tuyên truyền cao điểm. Thế nhưng, bằng trách nhiệm, sự tận tâm, họ vẫn gắn bó với công việc này.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn 7, xã Tân Hương (Ninh Giang) làm cộng tác viên dân số từ lúc mức hỗ trợ chỉ vỏn vẹn vài chục nghìn đồng. Dẫu vậy, 15 năm qua bà Nguyệt vẫn kiên trì, cần mẫn đạp xe quanh thôn để thu thập thông tin dân số. “Với tôi đây không những là công việc mà còn là niềm vui vì cảm thấy giúp ích, đóng góp vào sự phát triển chung”, bà Nguyệt vui vẻ nói.

Thời gian tới, công việc của cộng tác viên dân số có thể sẽ áp lực, vất vả hơn vì có những điều chỉnh, thay đổi cơ chế. Chị Nguyễn Thị Mỵ, viên chức phụ trách dân số UBND xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) thông tin vừa qua những người làm dân số được tập huấn về tầm soát, theo dõi trẻ dưới 16 tuổi. Sắp tới, cộng tác viên dân số có thể đảm nhận thêm đầu việc liên quan đến lao động, thương binh, xã hội. Vì thế, cần có cơ chế khuyến khích, phụ cấp phù hợp để họ gắn bó với công việc.

PV
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi từng ngõ, gõ từng nhà nói chuyện dân số