Bận rộn với những công việc không tên nhưng gần 1 năm nay chưa được nhận được tiền phụ cấp khiến không ít cộng tác viên dân số ở cơ sở không còn mặn mà với công việc.
Bà Phạm Thị Vân (bên trái) ở khu dân cư Lê Bình, thị trấn Thanh Miện tuyên truyền về công tác dân số
Hơn 10 năm gắn bó với công tác dân số ở cơ sở, bà Phạm Thị Vân (ở khu dân cư Lê Bình, thị trấn Thanh Miện) ví công việc này chẳng khác gì "chăm con mọn", bởi những việc không tên và bất kể giờ giấc. Do đặc thù dân số đông nên khu dân cư Lê Bình được bố trí 2 CTV dân số, riêng bà Vân phụ trách hơn 700 gia đình. Công việc của bà là thống kê biến động dân số; người đến, người đi; tỷ lệ sinh, tử; tỷ lệ gái, trai khi sinh; biến động kết hôn; tuyên truyền; vận động người dân thực hiện các biện pháp tránh thai... Đặc thù của thị trấn là dân số đông, có nhiều người từ nơi khác đến sinh sống hoặc thuê cửa hàng buôn bán nên việc cập nhật số liệu phải liên tục. Để làm được điều này, bà phải thường xuyên đi lại, quan sát thì mới có thể nắm được những thay đổi đó. "Có nhà sinh con chưa đặt tên ngay, chúng tôi phải ghi tạm. Vài ngày sau lại quay lại để hỏi họ tên đầy đủ của bé. Lại có nhà, con dâu mới về, bố mẹ chồng không biết đầy đủ họ tên của con trong khi đó ban ngày các cháu đi làm, tôi lại phải chờ buổi tối mới đến hỏi được", bà Vân cho biết.
Đã nhiều lần muốn xin nghỉ nhưng được sự động viên của lãnh đạo thôn, trạm y tế xã, chị Nguyễn Thị Quý ở thôn Cát Tiền, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) lại tiếp tục công việc. Theo chị Quý, mức phụ cấp 150.000 đồng/tháng là quá thấp trong bối cảnh giá cả các mặt hàng đều tăng mạnh như hiện nay. Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, chị Quý kiêm nhiệm thêm nhiều công việc như Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cát Tiền, làm ở Đài Truyền thanh xã... "Đã thế nhưng 3 quý của năm 2021 và quý I.2022 chúng tôi chưa nhận được phụ cấp. Nếu không có thêm nghề phụ làm tại nhà thì chúng tôi không thể tiếp tục được công việc này", chị Quý chia sẻ.
Bộ máy làm công tác dân số của tỉnh hiện nay ngoài công chức cấp tỉnh, viên chức cấp huyện, xã còn có hệ thống CTV dân số. Họ là mắt xích quan trọng góp phần làm nên thành công của công tác dân số. Đội ngũ CTV dân số thôn, khu dân cư được xây dựng, hình thành từ năm 1991, mỗi giai đoạn được hưởng một chế độ phụ cấp khác nhau.
Giai đoạn 2010-2015, CTV dân số được chi trả thù lao theo quy định tại Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT/ BTC-BYT ngày 20.2.2013 của Bộ Tài chính và Bộ Y tế về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và KHHGĐ giai đoạn 2012 - 2015 với mức 100.000 đồng/người/tháng (ngân sách tỉnh cấp thêm 20.000 đồng/người/tháng). Giai đoạn 2016-2020 do không còn Chương trình mục tiêu quốc gia về công tác dân số và KHHGĐ, kinh phí chuyển sang chi trả qua Chương trình mục tiêu y tế, dân số giai đoạn 2016-2020 theo quy định tại Thông tư 26/2018/TT-BTC ngày 21.3.2018 của Bộ Tài chính với mức 150.000 đồng/người/tháng.
Sang năm 2021, do chưa có văn bản hướng dẫn chương trình y tế, dân số và KHHGĐ nên ngày 11.5.2021, Bộ Tài chính có Công văn số 4743/BTC-HCSN bố trí kinh phí sự nghiệp thực hiện công tác dân số, y tế theo hướng tiếp tục áp dụng Thông tư số 26/2018. Sở Y tế đã bố trí và giao dự toán cho các đơn vị để chi trả phụ cấp cho CTV dân số thôn, khu dân cư nhưng Kho bạc Nhà nước tỉnh đang tạm thời dừng việc thanh toán dẫn đến hầu hết các CTV dân số chưa nhận được phụ cấp.
Trước năm 2020, dù thù lao thấp song đội ngũ CTV dân số vẫn gắn bó với công việc. Từ năm 2021 đến nay, khi dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, CTV dân số phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc trong khi phụ cấp chưa có nên nhiều người đã không còn thiết tha với công việc. Chị Nguyễn Thị Nữ, cán bộ phụ trách công tác dân số thị trấn Thanh Miện cho biết: "Thị trấn có 24 CTV dân số. Năm 2021 đã có 2 người xin nghỉ, chúng tôi phải động viên mãi họ mới tiếp tục làm".
Để động viên, giúp họ gắn bó với nghề, Sở Y tế đã xây dựng 2 phương án về chính sách đối với CTV dân số. Sở đề nghị tỉnh lựa chọn phương án thứ hai. Đó là chi trả cho 3.161 CTV dân số năm 2021 với định mức 150.000 đồng/tháng. Từ năm 2022 nâng phụ cấp lên 300.000 đồng/tháng/ người. Vì trước đây mỗi CTV phụ trách trung bình 160 hộ thì từ năm 2022 bố trí mỗi thôn, khu dân cư 1 CTV dân số; riêng thôn, khu dân cư có từ 501 hộ trở lên thì bố trí thêm 1 người. Có nghĩa là, mỗi CTV làm việc gấp hơn 3 lần trước đây. Việc nâng phụ cấp sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ CTV dân số ở các thôn, khu dân cư góp phần thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra trong công tác dân số. "Dù công việc nhiều hơn nhưng nếu được nâng lên mức 300.000 đồng/người/tháng thì những người làm kiêm nhiệm như chúng tôi sẽ có thêm thu nhập, sẽ có trách nhiệm và gắn bó hơn với công việc", chị Nguyễn Thị Quý, CTV dân số thôn Cát Tiền, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) cho biết thêm.
THANH HÀ