Đất và người xứ Đông

Đi tìm dấu tích gốm làng Quao

PHONG TUYẾT 16/03/2024 08:00

Bà Hoàng Thị Bé, người cuối cùng làm gốm làng Quao (Hải Dương) từng nói: "Chắc tôi chết thì nghề của làng cũng tàn". Thế mà, bà chưa chết, nghề gốm Quao đã thất truyền.

eb932911-ae02-4945-99dd-8bff2e4cb5ae.jpeg
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lâm Xuyên (tức làng Quao xưa) chỉ 8 phiến đá của chợ gốm Quao xưa mới được đưa lên đình làng năm ngoái

Mai một... rồi thất truyền

Làng Quao xưa, nay là thôn Lâm Xuyên, xã Phú Điền, huyện Nam Sách (Hải Dương). Trên đường đi tìm dấu tích nghề gốm cổ ở ngôi làng này, nếu không có đồng chí công chức văn hoá - xã hội xã và Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn lớn tuổi dẫn đi thì chúng tôi tuyệt nhiên không thấy dấu tích nghề gốm Quao từng cực thịnh ở đây.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tưởng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lâm Xuyên nhớ về thời thơ ấu lớn lên cùng nghề gốm no ấm, đủ đầy. Đó là hình ảnh những lò nung gốm to đến mức ông và các bạn thường chơi trốn tìm trong đó. Chợ Quao bán gốm nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Gốm làng Quao khi ấy theo xe cải tiến đi khắp vùng, đến chợ Nứa ở Thanh Hà, chợ Cuối ở Gia Lộc, chợ Lai ở Kim Thành. Đồ gốm còn sang cả chợ Hỗ ở Hải Phòng rồi còn theo thuyền bè đi nhiều tỉnh khác.

f20f83f1-9bd6-43f2-8e54-058ec65c40e7.jpeg
Bà Hoàng Thị Bé (sinh năm 1933) ở thôn Lâm Xuyên là người cuối cùng làm gốm ở làng Quao nhưng nay đã không làm nữa

"Xưa các cụ thường nói thóc An Điền, tiền làng Quao, ý chỉ một thời làng Quao thịnh vượng nhất vùng nhờ nghề làm gốm. Lúc đó, chợ họp ngày đêm, đình làng bề thế. Nghề gốm trong làng tạo nhiều công ăn việc làm nên người từ Hà Nam, Hưng Yên đổ về đây ngụ cư. Bây giờ trong làng nhiều người không phải quê gốc ở đây", ông Tưởng kể.

Khoảng 30 năm về trước, nghề gốm làng Quao đã mai một lâu rồi. Đến nay thì thất truyền, trong làng không còn ai làm nghề, tìm thấy một bàn xoay cũng khó.

Nói về nguyên nhân nghề gốm làng Quao thất truyền, có người nói do nguồn đất hết. Có người lại nói do xã hội không còn nhu cầu với nồi niêu đất hoặc do nghề khó lại vất vả nên người trẻ không muốn theo...

b0043a95-4dc4-40f4-9ba8-21525f8ae0df(1).jpeg
Một trong số ít sản phẩm của làng gốm Quao còn sót lại đến bây giờ

Có lẽ, tất cả những lý do trên cùng làm nghề gốm cổ thất truyền như ngày nay. Bà Hoàng Thị Bé (92 tuổi), người cuối cùng làm gốm Quao từng nói "Chắc tôi chết thì nghề của làng cũng tàn". Thế mà, bà vẫn đang vui vầy với con cháu nhưng nghề gốm Quao đã thất truyền. Mới 3 năm trước, bà vẫn túc tắc làm niêu đất nhỏ bán theo đơn đặt hàng, thu lãi 2,4 triệu đồng/tháng. Bà Bé không may bị tai nạn ngã gãy tay nên không còn làm được nữa. Từ đó, làng Quao cũng hết người giữ lửa nghề gốm.

2 dòng gốm, 2 số phận

ddd10fe0-25b3-4e74-b86b-d2817b2f17ce.jpeg
Niêu cơm nấu cho 2 người ăn, chậu cây, chõ đồ xôi là những sản phẩm mộc mạc, giản dị của làng gốm Quao

Theo người làng Quao truyền miệng kể nhau nghe, nghề gốm Quao có từ khoảng 600 năm về trước, tức cùng thời gốm Chu Đậu. Nam Sách khi đó có 2 dòng gốm nổi tiếng khắp vùng. Một dòng gốm Quao chủ yếu là nồi niêu đất, không qua tráng men phục vụ sinh hoạt thường ngày, một dòng gốm Chu Đậu là dòng gốm mỹ nghệ cao cấp.

Người làng Quao cho rằng bởi sự khác nhau đó mà số phận của 2 nghề gốm cổ trong xã hội hiện đại cũng khác biệt. Nhìn nghề gốm Chu Đậu ngày nay mà thấy tiếc thương gốm làng Quao mộc mạc, giản dị.

Nghề gốm Chu Đậu được hồi sinh, phát triển rực rỡ sau hơn 400 năm thất truyền nhờ những dấu tích nhưng liệu làng Quao có được như vậy?

52db1ee7-76a2-42a0-95d1-5f3a9c885ff3.jpeg
Bà Bé chỉ bến thuyền nơi từng là sông lớn cho tàu thuyền chở đất về, chở gốm đi khắp vùng

Về làng Quao bây giờ, dấu tích còn lại chỉ là 8 phiến đá mới được vớt đưa lên cổng đình Quao cho người dân ngồi. Trước đây, những phiến đá này là đá để người mua bán gốm ở chợ Quao ngồi. 8 phiến đá lớn, được chạm khắc hoa văn tỉ mỉ, đẹp, chứng tỏ một thời chợ Quao rất thịnh vượng.

Đặc biệt, làng Quao bây giờ đào giếng, đào ao ít thấy bùn đất mà chủ yếu là mảnh vỡ của gốm Quao xưa đập ra từ những sản phẩm lỗi để đỡ tốn chỗ để.

Người có nghề làm gốm Quao thì còn bà Bé đã 92 tuổi nhưng bà không làm nữa. Bà Bé làm gốm từ hồi 6 tuổi, đến lúc nghỉ làm từ 3 năm trước là 83 năm. Bà bảo cái nghề này vất vả lắm, trẻ nó không muốn học đâu.

"Nghề vất vả lắm, đốt lò đốt bằng que dóc, củi cứ phải canh lửa, ai đốt lò xong ra cũng nằm vật vì nóng, mệt lả cả người. Đất làm gốm Quao thì phải nhuyễn như bột làm bánh mỳ mới được. Thế mà ngày xưa các cụ khoẻ, từng cái niêu, cái chậu to đựng cả 20 kg nước cũng làm được", bà Bé nhớ lại.

Bà Bé dẫn chúng tôi ra bến sông trước cửa nhà có cái thuyền tôn đậu ở đấy. Bà chỉ tay bảo rằng chỗ này trước đây là sông to lắm, thuyền to chở đất về, thuyền lớn chở hàng đi vào tận cửa. Bây giờ lấp đi rồi sông mới còn bé như thế.

Gốm làng Quao giờ chỉ còn trong những câu chuyện của người làng. Một nghề gốm từng thịnh vượng nay đã thất truyền. Người dân trong làng dù vẫn mong có thể khôi phục lại nghề truyền thông nhưng cũng canh cánh nỗi lo rằng những chiếc niêu đất, chậu đất làng Quao có tìm được chỗ đứng trên thị trường? Ước mong khôi phục gốm làng Quao có lẽ còn lắm gian truân, xa vời vợi.

PHONG TUYẾT
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi tìm dấu tích gốm làng Quao