Đền Cõi lưu giữ nhiều giá trị cổ

16/08/2023 19:32

Đền Cõi có tên chữ là Quang Miếu linh từ (đền Quang Miếu) tọa lạc ở làng Hàm Hy (làng Cõi), xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ).


Đền thờ Hoàng đế Lý Nhân Tông và 3 vị đại pháp thiền sư 

Đền thờ Hoàng đế Lý Nhân Tông và tam vị đại pháp thiền sư là: Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Phù Vân Quảng Vận. Dương Không Lộ được phong là Quốc sư nhà Lý.

Thần tích thú vị

Theo Thần tích của làng Hàm Hy và sách Quốc sư bảo lục của Đặng Xuân Bảng thì đức Không Lộ thiền sư (nói trạnh là Khổng Lồ) quê ở làng Giao Thủy, huyện Hải Thanh (làng Hộ Xá, phủ Xuân Trường xưa). Ngài họ Dương, tên húy là Minh Nghiêm, tên hiệu là Không Lộ. Thánh Mẫu họ Nguyễn, người xã Hán Lý (sau là xã Hưng Long, Ninh Giang). Ngài sinh ngày 14.9 năm Bính Thìn (1016) ở chùa Hưng Long ở xã Hán Lý.

Lớn lên, Không Lộ thiền sư lấy nghề đăng đó làm vui, thường vãng lai núi Đàm Khánh (Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) và núi Hàn Sơn (Tống Sơn, Thanh Hóa). Vì ham mến đạo thiền nên năm 29 tuổi, ngài đi tu. Đến năm 42 tuổi, ngài học đức Thảo Đường thiền sư, được khen ngày sau tất làm Pháp tự. Năm 44 tuổi, ngài tu ở chùa Hà Trạch, bạn cùng ông Nguyễn Giác Hải, ông Từ Đạo Hạnh, rồi đều về tu ở chùa Duyên Phúc (Hộ Xá), đàm kinh thuyết pháp, rất thâm thúy về đạo thiền. Năm 45 tuổi (1060), ngài cùng hai ông sang Tây Trúc cầu phép thuật. Trở về, ngài dựng chùa Nghiêm Quang (tức chùa Keo) có làm bài kệ Ngôn hoài nổi tiếng:

Kiểu đất long xà chọn được nơi
Tình quê nào chán suốt ngày vui
Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.


Thời vua Lý Nhân Tôn, vua thường ngự điện Liên Mộng. Một hôm, chợt có hai con tắc kè kêu trên xà nhà, làm cho vua sợ hãi thành bệnh, thuốc gì cũng không khỏi, vua sai người đi đón Không Lộ thiền sư và ông Giác Hải. Vào bệ kiến, ngài đọc ba câu chú, tắc kè không kêu nữa. Ông Giác Hải lấy tràng hạt gõ vào cột điện, hai con tắc kè liền rơi cả xuống đất, bệnh vua khỏi liền. Vua phong ngài làm Quốc sư.

Trở về mẫu quán ở trang Hán Lý, thấy nhân dân và gia súc trong vùng bị bệnh dịch chết vô kể, ngài dùng thuốc thang cứu giúp. Mọi người đều kính phục, bèn làm lễ cầu xin ngài cho làm thần từ để phụng sự mãi mãi. Đến ngày mồng 3 tháng 6 năm Giáp Tuất (1094) thì ngài hóa, thọ 79 tuổi.

Lưu giữ chuông cổ

Đền Cõi từng được nhắc đến trong tấm bia “Chú tượng bi ký” của đền năm 1701. Ngôi đền xưa nằm cạnh đường 391 nhưng vì chiến tranh, loạn lạc mà bị tháo dỡ, di chuyển nhiều lần đến vị trí hiện nay.


Chuông cổ ở đền Quang Miếu

Tự cổ dân làng vẫn thờ Hoàng đế Lý Nhân Tông bằng mũ áo, cân đai, hia hốt, còn 3 vị đại pháp thiền sư thì thờ bằng tượng đồng. Hiện nay, đền vẫn  giữ được 3 pho tượng đồng của các vị thiền sư được đúc vào năm 1697. 

Ngoài ra, bên tả của đền thờ tượng đức ông, bên hữu của đền thì thờ tượng đức thánh mẫu. Đây đều là 2 bức tượng cổ còn được lưu giữ lại. Ngoài ra, hiện còn lưu giữ được tại đền 2 tấm mộc bản ghi thần hiệu 4 vị thờ ở đền.


Mộc bản cổ ở đền

Đặc biệt quý giá là tại đền Cõi hiện vẫn còn lưu giữ được một quả chuông cổ có tên: “Quang Miếu linh từ dạng chú hồng chung” do nhân dân 2 làng Hàm Hy và Hòa Nhuệ đúc vào ngày mồng 10 tháng 9 năm 1824. Tám chữ trên được đúc liền khuôn, chia đều 4 múi. Phần đai dưới núm chuông, 4 múi ghi 4 chữ xuân,  hạ, thu, đông, nghĩa là chuông ngân suốt 4 mùa. Miệng chuông rộng 52 cm, dài 1m, nặng hơn 3 tạ. Trên chuông có khắc bài minh và họ tên, địa chỉ những người công đức tiền bạc làm lại pháp khí để “hòa âm tiếng trong mà vang xa, tẩy sạch mọi phiền muộn, tạo nên sự bình an, tinh khiết cho miếu đình…”.

NGUYỄN ĐÌNH SƠN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đền Cõi lưu giữ nhiều giá trị cổ